Mô hình đảng viên giúp hộ nghèo ở Bác Ái

|

Hai năm qua, các cấp ủy đảng huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo. Bằng những hình thức giúp đỡ đa dạng, nhất là tuyên truyền, vận động, đảng viên trong huyện đã sát cánh cùng các hộ nghèo trên con đường vượt khó.

Huyện Bác Ái có hơn 95% số dân là đồng bào dân tộc Ra Glai, tỷ lệ hộ nghèo cao, là một trong 62 huyện nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Giúp hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm là nhiệm vụ Ðảng bộ huyện Bác Ái giao cho các đảng viên trên địa bàn.

Gia đình anh Pi năng Huy ở thôn Ma Lâm, xã Phước Tân có năm sào đất, trước đây trồng bắp, đậu. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì gia đình anh có cái ăn, cái mặc, còn năm nào hạn hán thì đối mặt với nạn đói giáp hạt. Từ ngày được đảng viên A Ðớ Ngói, Trưởng thôn Ma Lâm vận động thay đổi cách làm, gia đình anh Huy mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng bưởi da xanh và đầu tư chăn nuôi bò. Anh Huy kể: Anh Ngói được đi tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt ở huyện, ở xã, về thôn anh ấy phân tích cho mình thấy trồng bắp, đậu theo truyền thống không thể thoát nghèo được. Bây giờ phải chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh mới có thu nhập cao. Bên cạnh đó, phải áp dụng khoa học vào sản xuất, chăn nuôi, làm theo mô hình kết hợp, ở giữa rẫy trồng bưởi, quanh hàng rào trồng chuối để thu nhập hằng ngày. Anh hướng dẫn mình cách sử dụng phân bón, chăm sóc cây trồng; phòng bệnh, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Mình làm theo, nên giờ kinh tế gia đình đã được cải thiện.

Thấy gia đình anh Huy thay đổi cách làm hiệu quả, nhiều hộ nghèo ở thôn Ma Lâm học tập làm theo. Từ một thôn nghèo thuộc loại nhất, nhì huyện Bác Ái, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 90%, sau hai năm thực hiện mô hình "Ðảng viên giúp đỡ hộ nghèo", số hộ nghèo thôn Ma Lâm giảm còn 65%. Anh Pi năng Uyên ở thôn Ma Lâm chia sẻ: Anh Ngói chỉ dẫn gia đình tôi thay đổi cách làm. Bây giờ gia đình đã thoát nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ của anh thì gia đình tôi không được như ngày hôm nay.

Nói về kinh nghiệm vận động hộ nghèo, đồng chí A Ðớ Ngói chia sẻ: Tôi thường xuyên đến từng nhà để vận động. Dựa vào điều kiện sản xuất từng hộ, tôi tư vấn nên chuyển sang trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi khoa học. Tôi cũng tư vấn bà con vay vốn để thực hiện các mô hình,...

Với quan điểm cho hộ nghèo "cần câu" và chỉ "cách câu", chị Kator Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Tân được phân công giúp ba hộ ở thôn Ma Ty thoát nghèo. Cũng như anh Ngói, chị Hương được tham gia nhiều lớp tập huấn và hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Hằng tuần, chị đến các hộ nghèo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, rồi hướng dẫn, định hướng họ lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp; tư vấn họ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư. Như "mưa dầm thấm lâu", dần dần các hộ nghèo đã thay đổi. Trong ba hộ chị Hương phụ trách đã có hai hộ thoát nghèo. Hộ chị Chamalea Thị Ém ở thôn Ma Ty là một trong hai hộ đó. Từ một hộ nghèo, nhờ chị Hương vận động, hướng dẫn, chị Ém đã thuê thêm đất để sản xuất, đầu tư nuôi bò và gà thả vườn, đưa máy móc vào sản xuất, nên kinh tế ngày càng ổn định. Ðến nay gia đình chị đã có nhà khang trang, có hai héc-ta lúa nước, hai héc-ta mì cao sản, nuôi bốn con bò. Trong đợt bình xét hộ nghèo vào tháng 10 vừa qua, chị xung phong xin ra khỏi diện hộ nghèo. Chị Ém cho biết: Chị Hương thường xuyên bám sát gia đình. Khi có gì vướng mắc thì hai chị em trao đổi để tháo gỡ. Với sự giúp đỡ của chị Hương, gia đình tôi cố gắng làm ăn và cơ bản đã thoát nghèo.

Mô hình mỗi đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo được Huyện ủy Bác Ái triển khai cách đây hai năm. Theo đó, chín xã trên địa bàn huyện đồng loạt rà soát, lựa chọn các hộ có khả năng thoát nghèo để phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ. Nhiệm vụ của đảng viên là nắm chắc hoàn cảnh hộ nghèo để có kế hoạch, biện pháp cụ thể giúp đỡ từng hộ, như hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, giúp vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tìm việc cho những lao động chưa có việc làm.

Ðồng chí Pi năng Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phước Tân cho biết: Từ công tác tuyên truyền, vận động đến nay nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức. Không chỉ thay đổi cách trồng trọt, chăn nuôi, một số hộ còn biết buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện nay một số hộ đã đăng ký thoát nghèo.

Bên cạnh thay đổi cách nghĩ, cách làm, mô hình đảng viên giúp đỡ hộ nghèo còn tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương. Nhiều hộ tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa, hình thành các khu dân cư kiểu mẫu. Mỗi gia đình đều có nhà vệ sinh, nuôi nhốt gia súc, gia cầm đúng chỗ, có điện thắp sáng, đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp.

Qua thực hiện mô hình, cộng với chính sách giảm nghèo của Nhà nước, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Bác Ái còn 40,3%, giảm 7% so với năm 2018, tức là có gần 500 hộ thoát nghèo, trong đó, hơn 50% số hộ thoát nghèo nhờ cán bộ, đảng viên giúp đỡ. Ðồng chí Trần Hữu Ðức, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bác Ái cho biết: Kết quả đạt được rất khả quan. Chúng tôi tiếp tục thực hiện mô hình mỗi đảng viên đăng ký giúp đỡ ít nhất một hộ nghèo để thực hiện nhiệm vụ chung là giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Ðiều quan trọng nhất là làm sao để chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức trong cách làm để người dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm "Chi bộ nắm làng, đảng viên sát hộ", các cấp ủy đảng huyện Bác Ái sẽ tiếp tục phân công các đảng viên "nắm" làng, theo sát từng nhóm hộ để vận động các hộ nghèo thay đổi cách làm hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.