Theo đó, các cơ quan, đơn vị coi trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, vai trò của “thế trận lòng dân”, về công tác dân vận, quan điểm công tác dân vận trong thời kỳ mới; tham mưu, phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về chủ trương và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; gắn liền tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”,... Thông qua đó đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn gặp nhiều khó khăn để giúp địa phương xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình giao thông nông thôn, sửa chữa trường học, bệnh xá, nạo vét kênh mương, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt, xây nhà tình thương đã phát triển sâu rộng. Công tác vận động quần chúng tại các cơ quan, đơn vị không chỉ thể hiện những giá trị cao đẹp về tinh thần tương thân, tương ái mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố tình quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn quân khu.
* Quá trình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định những năm qua có bước chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 20% năm 2008 lên hơn 72% năm 2019; sản xuất rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc được coi trọng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển nhanh chăn nuôi hàng hóa theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại. Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7 - 8%/năm, cơ cấu chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác.
Cơ giới hóa sản xuất phát triển nhanh ở tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn, góp phần thay đổi phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân. Công nghiệp chế biến nông sản có bước phát triển mới, toàn tỉnh đã có 590 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng 238 cơ sở so với năm 2010,… góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản những năm qua được đặc biệt quan tâm. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản… Kết quả phát triển công nghiệp chế biến và thị trường nông sản đã góp phần tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.