Tận dụng, phát huy nguồn lực người cao tuổi

|

Hiện nay, nhiều người cao tuổi có sức khỏe, khả năng và điều kiện vẫn mong muốn được tiếp tục đóng góp trí và lực cho sự phát triển của xã hội. Từ thực tiễn này đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp để tận dụng, phát huy nguồn lực quý giá này đồng thời bảo đảm quyền, chế độ của người cao tuổi.

“Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới” - đó là nhận định của ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) tại Việt Nam phát biểu trong khuôn khổ Hội thảo Công bố Báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam và Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chính sách phát triển diễn ra vào ngày 6/12/2023.

Theo thống kê, người từ 60 tuổi trở lên đang chiếm 11,9% cơ cấu dân số Việt Nam và dự tính sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam sẽ sớm phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức khi bước qua thời kỳ “dân số vàng”. Nhu cầu chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ ngày càng gia tăng, tạo thêm gánh nặng đối với bảo hiểm xã hội và các nguồn lực tài chính khác của đất nước.

Tuy nhiên trong bối cảnh chất lượng cuộc sống đang từng bước được cải thiện, nhiều người cao tuổi vẫn có khả năng và mong muốn được làm việc, đóng góp cho xã hội. Thực tế này đã cho thấy người cao tuổi trong xã hội nếu được huy động đúng cách sẽ là một lực lượng lao động quan trọng và có nhiều tiềm lực để phát huy hiệu quả; từ đó góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số, đồng thời tận dụng những ưu thế chỉ có được ở những người lao động lâu năm như sự tận tụy, kinh nghiệm, tay nghề cao, kỹ năng giải quyết vấn đề. Cùng với việc có thêm nguồn thu nhập, nếu được làm việc sẽ giúp người cao tuổi có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống, có thêm nhiều niềm vui do vẫn có thể tiếp tục đóng góp trí và lực cho gia đình, xã hội và đủ khả năng tự chi trả cho nhu cầu cá nhân hằng ngày.

Theo thống kê hiện nay Việt Nam có hơn 7 triệu người cao tuổi vẫn đang tham gia vào thị trường lao động, trong đó có gần 322 nghìn người là các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, không ít người vẫn tiếp tục đảm nhận những công tác quan trọng từ lãnh đạo, điều hành cơ quan, tổ chức đến giảng dạy, nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách.

Phần lớn người lao động cao tuổi đang tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế gia đình, công việc bán thời gian phù hợp với trình độ chuyên môn và sức khỏe của bản thân. Nhiều người cao tuổi cũng sẵn sàng tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng khi được chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội phân công, giao phó. Uy tín và tầm ảnh hưởng của họ đã góp phần quan trọng đối với các hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần “tuổi cao-gương sáng”, nhiều người cao tuổi đã thể hiện sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân.

Ghi nhận từ thực tiễn, Đảng ta đã bổ sung nhiều chủ trương, quan điểm đối với việc bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, gần nhất là Kết luận số 58-KL/TW ban hành ngày 23/6/2023 của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi. Đồng thời, Nhà nước đã xây dựng nhiều chính sách, biện pháp tổng thể,... mà nổi bật là Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trên tinh thần “người cao tuổi là vốn quý của dân tộc”, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức thăm, gặp, tiếp xúc và tham gia các sự kiện quan trọng của người cao tuổi để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ; quan tâm thăm hỏi người cao tuổi vào dịp lễ, Tết. Những minh chứng này cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng người cao tuổi và tạo điều kiện cho người cao tuổi phát huy vai trò, thực sự là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội.

Mặc dù vậy, so với thực tế, hệ thống chính sách, pháp luật về người cao tuổi tại Việt Nam vẫn chưa thực sự đầy đủ. Nhiều chương trình hành động về người cao tuổi dù đã nhận được sự chỉ đạo, đôn đốc sát sao của lãnh đạo các cấp song vẫn chưa thể triển khai sâu, rộng trong thực tiễn.

Hiện nay, Luật Người cao tuổi đã quy định người cao tuổi “được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi” (điểm đ khoản 1 Điều 3). Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định vấn đề sử dụng người lao động cao tuổi tại Điều 149.

Tuy nhiên phần lớn người cao tuổi Việt Nam đang lao động trong khu vực phi chính thức cho nên thường nhận được mức thu nhập thấp so với lượng công việc được giao. Môi trường làm việc, điều kiện làm việc và chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi tại nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất chưa được bảo đảm theo luật định. Cá biệt, có trường hợp người cao tuổi còn trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo việc làm hoặc cưỡng bức lao động.

Đối với các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, đại diện người cao tuổi tại hầu hết địa phương trên cả nước đều được đề nghị, phân công tham gia vào nhiều tổ chức chính trị, xã hội như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội chữ thập đỏ, tổ tự quản về an ninh trật tự, tổ tự quản liên gia về phòng cháy chữa cháy,…

Theo đó lực lượng công tác xã hội mà đại diện người cao tuổi tại địa phương đang đảm nhận ngày một gia tăng song chế độ đãi ngộ trên từng đầu việc còn thấp và phụ thuộc lớn vào nguồn kinh phí của từng địa phương. Cũng cần phải lưu ý rằng lực lượng cán bộ chuyên trách công tác người cao tuổi còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sợi dây liên kết giữa Hội Người cao tuổi Việt Nam với một bộ phận hội viên trong cả nước còn chưa cao. Người cao tuổi chưa được cán bộ hướng dẫn để dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng nhiều quyền lợi từ chính sách và ngân sách do Đảng và Nhà nước đề ra.

Điều này được Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình thẳng thắn nhận xét: “một số cán bộ hội chưa sâu sát quần chúng nhân dân, chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; do vậy, chưa xây dựng được niềm tin, uy tín trong nhân dân”. Chính những hạn chế này là một phần nguyên nhân khiến tiềm năng, nguồn lực người cao tuổi Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ như yêu cầu đặt ra. Từ đây cũng vô tình tạo ra những kẽ hở để thế lực thù địch khai thác, lợi dụng vấn đề người cao tuổi để thực hiện các hoạt động chống phá.

Nhiều năm qua, một số tờ báo hải ngoại có quan điểm chống cộng thường xuyên lôi kéo, kích động, tuyển mộ “cộng tác viên” là người cao tuổi tham gia phỏng vấn, viết bài, phát biểu nhiều nội dung vu cáo chế độ, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang dư luận, tạo mâu thuẫn và chia rẽ trong xã hội.

Thực tế cũng ghi nhận một vài người cao tuổi vì động cơ khác nhau đã hợp tác với các nhóm đối tượng xấu để thực hiện những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích của Nhà nước. Trong đó, có những cá nhân vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ Đảng và xử lý hình sự. Đó là bài học cảnh tỉnh sâu sắc với những cá nhân đang có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa song cần khẳng định đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, các trang tin của tổ chức khủng bố Việt tân và thế lực chống phá khác còn thường xuyên lượm lặt trên mạng xã hội hình ảnh người lao động cao tuổi đang làm việc trong điều kiện khó khăn, vất vả rồi cố tình cắt ghép, dàn dựng, chỉnh sửa khiến người xem tin rằng đây là “tình cảnh thật” của người lao động lớn tuổi đang diễn ra tại Việt Nam.

Từ đó, các đối tượng chống phá tung ra những luận điệu xuyên tạc chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chỉ trích Việt Nam “không hỗ trợ cuộc sống cho người cao tuổi”, “bỏ mặc người già neo đơn”... Những đối tượng chống phá cũng liên tục tung ra tin giả, tin đồn thất thiệt về việc “Việt Nam vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” để kích động những người lao động nhẹ dạ, cả tin trốn đóng bảo hiểm xã hội, cầm cố, bán sổ bảo hiểm xã hội.

Vì tin nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu cho nên nhiều người lao động đã tự tạo gánh nặng tương lai cho mình vì khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu và các chế độ ưu đãi khác. Thực tế này cho thấy các tổ chức thù địch và thiếu thiện chí bất chấp mọi âm mưu, thủ đoạn và không hề giấu diếm mục đích sử dụng vấn đề người cao tuổi để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Tận dụng và phát huy nguồn lực người cao tuổi không phải vấn đề đặt ra đối với riêng Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới do xu hướng già hóa dân số trên toàn cầu ngày càng gia tăng. Sự thích ứng với quá trình già hóa dân số ở một số quốc gia như Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Đức,... có thể xem là kinh nghiệm quý cho Việt Nam khi đất nước ta bước qua thời kỳ dân số vàng. Tạo cơ hội việc làm và các hoạt động vì cộng đồng cho những người cao tuổi có điều kiện, khả năng và mong muốn được cống hiến sẽ vừa giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động vừa là liệu pháp tinh thần giúp họ sống vui, khỏe, có ích; qua đó góp phần quan trọng trong việc giảm bớt các gánh nặng về kinh tế, an sinh xã hội cho đất nước và giữ vững an ninh trật tự xã hội.