Quyền con người được tôn trọng và bảo đảm

|

NDO - Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng biểu dương, được cộng đồng quốc thế ghi nhận trong công tác nhân quyền, nhằm bảo đảm, thực thi quyền con người trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng nhìn lại các kết quả Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. 

Quyền con người trên lĩnh vực kinh tế: Việt Nam đã tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã có những kết quả tích cực, như: tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 2,75%, bình quân trong 5 năm giai đoạn giảm khoảng 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%; tuy nhiên do ảnh hưởng trực tiếp nặng nề của đại dịch, dự kiến số hộ nghèo tại Việt Nam sẽ tăng.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn đã được ban hành để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn cả người lao động, cũng như đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương và cả  quốc gia.

An sinh xã hội: Việt Nam đã tiếp tục chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với người có công; bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm chăm lo, trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng lên, đời sống của hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được cải thiện.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 90,7% năm 2020[1]. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế)… được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90% năm 2016 lên 92,6% năm 2019 và ước đạt 92,8% năm 2020.

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch Covid-19.

Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tạo cơ hội học tập cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh.

 Thay mặt ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp nhận ủng hộ máy tính của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu trao cơ hội học tập cho trẻ em trên cả nước.

Quyền sức khỏe, y tế: Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 73,7 tuổi, tăng so năm 2015 (73,3 tuổi).  Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được duy trì rộng khắp trong cả nước, trong đó có vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, y tế cơ sở đã có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính tại cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam rất coi trọng, chủ trương bảo đảm tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho người dân theo các đối tượng ưu tiên theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn cung của thế giới, điều kiện kinh tế hạn chế.

Chính phủ cũng thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng Covid-19, bảo đảm quyền y tế.

Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao chủ trì để xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống Covid-19; chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị từ đối tác song phương, đa phương. Đến nay, hầu hết các đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống đã hỗ trợ Việt Nam với hàng triệu liều vaccine.

Về quyền tiếp cận thông tin: Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng chú ý trong tăng cường việc tiếp cận thông tin rộng khắp của người dân, đặc biệt là người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020-2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan internet và tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng internet hằng ngày lên tới 94%.

Mạng lưới viễn thông tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp với mức phủ sóng đạt 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số. Theo báo cáo xếp hạng An toàn an ninh mạng toàn cầu (GCI) năm 2020 do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố mới đây, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tháng 8/2020, Việt Nam đã khởi động Cổng dữ liệu quốc gia để làm điểm đầu mối trên mạng internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước. Hiện, Cổng dữ liệu quốc gia Việt Nam đã công khai 10.595 bộ dữ liệu mở, tăng cường minh bạch dữ liệu, và quyền của người dân, doanh nghiệp trong tái sử dụng dữ liệu cơ quan nhà nước phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa.

Về quyền tự do báo chí, biểu đạt: Trong năm 2021 Việt Nam đã tiếp tục xây dựng các biện pháp bảo vệ nhà báo và phóng viên trước mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực như thực hiện nghiêm Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; trong đó quy định xử phạt đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí.

Bên cạnh đó, kể từ năm 2020 đến nay, Việt Nam cũng đã nỗ lực thúc đẩy xây dựng hành lang pháp lý trong phòng, chống thông tin vi phạm pháp luật, bảo đảm thông tin lành mạnh nhằm xác lập ngày càng rõ hơn, minh bạch hơn các giới hạn của quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận phù hợp với các thông lệ quốc tế, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân và cán bộ, công chức, nhà báo, hạn chế các vi phạm.

Về quyền tự do tôn giáo: Việt Nam hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo  được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung độc lập được đăng ký sinh hoạt tôn giáo (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam). Đồng thời, trên cả nước hiện có 63 cơ sở giáo dục, đào tạo tôn giáo gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo với hơn 18.000 học viên đăng ký theo học các khóa đào tạo tôn giáo mỗi năm.

Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra hết sức sôi nổi, phong phú về cấp độ, số lượng và phạm vi hoạt động. Hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân người nước ngoài vào Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi như việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (hiện có 67 điểm nhóm tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp đã được đăng ký sinh hoạt. Những điểm mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã khiến thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

-------------
[1] Báo cáo quốc gia 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.