Bình Định tập trung phát triển kinh tế biển

|

5 năm qua, Tỉnh ủy Bình Định đề ra nhiều chủ trương lớn phát triển kinh tế biển, chỉ đạo các cấp, ngành tập trung nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế biển và dịch vụ, du lịch ven biển ở một tầm vóc mới.

Bình Định ngày nay đã trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, nhưng đối với nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thì đây vẫn là vùng đất mới với rất nhiều tiềm năng, lợi thế. So với 5 năm trước, dải đất ven biển Nam Trung Bộ nay thay đổi nhiều. Dọc chiều dài 134 km đường ven biển, hàng loạt khu công nghiệp, cảng cá, logistics, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đua nhau mọc lên. Bán đảo Phương Mai thuộc TP Quy Nhơn, từ một vùng đồi cát hoang vu trở thành điểm “nóng” thu hút đầu tư, nhất là sau khi Khu kinh tế Nhơn Hội được điều chỉnh quy hoạch sang trọng tâm là phát triển du lịch biển, dịch vụ, đô thị, công nghiệp và cảng biển. Bên cạnh các dự án đã đi vào hoạt động, vừa qua, tỉnh Bình Định cấp phép cho 15 dự án đầu tư mới vào Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng số vốn hơn 36 nghìn tỷ đồng, gồm: Tổ hợp vui chơi, giải trí Tini Dream; Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways; Nhà máy sản xuất dược phẩm Bidiphar; Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội; Nhà máy điện gió, Nhà máy điện mặt trời QNY…

Hoài Nhơn, đại bản doanh của đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nước, cũng cho thấy rõ sự chuyển mình. Hoạt động của cảng cá Tam Quan sôi động với hàng nghìn lượt tàu thuyền ra vào mỗi ngày. Những xóm chài ven biển đã thành phố xá sầm uất. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Nhơn Lê Tự Hồng cho biết: Năm qua, toàn huyện đánh bắt hơn 61 nghìn tấn hải sản, trong đó có hơn 10 nghìn tấn cá ngừ đại dương. Đội tàu cá của huyện phát triển lên 2.400 chiếc (hơn 80% tham gia khai thác hải sản xa bờ). Tất cả 10 cụm công nghiệp và khu chế biến thủy sản tập trung cơ bản được lấp đầy. Sự phát triển đó giúp địa phương thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Huyện cũng đáp ứng đầy đủ các điều kiện để công bố thành lập thị xã Hoài Nhơn trong thời gian tới.

Trước đây, kinh tế biển của tỉnh thể hiện rõ nhất ở số lượng hơn 7.000 tàu thuyền, trong đó số tàu cá 6.000 chiếc (khoảng 4.000 chiếc đánh bắt xa bờ). Giai đoạn 2015 - 2020, sản lượng khai thác thủy sản xa bờ và nuôi trồng thủy sản tăng bình quân 10,8% mỗi năm. Gần đây, Bình Định được biết đến nhiều với các ngành dịch vụ, du lịch biển và hậu cần nghề cá. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 161 tàu hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá. Các chính sách hỗ trợ ngư dân đã giúp cho việc đánh bắt, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngày càng tốt hơn. Các tuyến giao thông ven biển, hệ thống điện lưới quốc gia, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, kết cấu hạ tầng nghề cá và nuôi trồng thủy sản được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Hệ thống cảng biển tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, sản lượng hàng hóa qua cảng vượt mức 10 triệu tấn. Tiềm năng kinh tế biển và vùng ven biển được khai thác hợp lý.

Tuy nhiên, một thực tế là cơ sở vật chất của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, nuôi trồng hải sản, neo đậu tàu thuyền. Nhiều vấn đề cần làm ngay như xử lý môi trường cảng Quy Nhơn, khơi thông lối vào cảng cá Tam Quan, nâng cấp cảng cá Đề Gi. Các cảng cá này đóng vai trò quan trọng cả về mặt kinh tế và văn hóa, nhưng đến nay chưa đạt tiêu chuẩn so với quy định, ảnh hưởng việc xác nhận nguồn gốc thủy sản. Kết quả thu hút đầu tư FDI vào tỉnh còn hạn chế. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Hồng Sĩ chia sẻ: Các nhà đầu tư đều khảo sát rất kỹ, nhất là lĩnh vực chế biến, nuôi trồng hải sản. Trong nhiều cuộc xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra điều kiện tiên quyết để đầu tư vào tỉnh là phải có đủ năm yếu tố đạt tiêu chuẩn quốc tế gồm: Sân bay, trường học, bệnh viện, khách sạn và khu vui chơi. Tỉnh đang từng bước đáp ứng các yêu cầu đó. Sân bay Phù Cát đã có hai đường bay quốc tế; một bệnh viện hiện đại và một trường

quốc tế đang được xây dựng. Tỉnh đang đẩy mạnh hoàn thiện các tuyến đường ven biển, đường kết nối sân bay với cảng biển, các khu kinh tế và trung tâm công nghệ cao. Năm nay, tỉnh ưu tiên đầu tư mở rộng tuyến đường ven biển gắn với quy hoạch 5.000 ha đất ven biển để phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch, đô thị biển, công nghiệp sạch; đồng thời tập trung hoàn thành nhiều tuyến đường ven biển phía đông kết nối với khu vực miền núi phía tây.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, một trong những nội dung mà tỉnh Bình Định quyết tâm thực hiện là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, duy trì tính bền vững trong phát triển kinh tế biển. Đến nay, Bình Định là địa phương đi đầu trong cả nước về các dự án công nghiệp sạch. Trong đó, khu công nghiệp Becamex và VSIP rộng 1.000 ha sẽ ưu tiên các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (rộng 242 ha) tại TP Quy Nhơn sẽ tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, thị trường khoa học và giáo dục, dự kiến thu hút hàng nghìn kỹ sư công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh đã thông qua quy hoạch thung lũng trí tuệ nhân tạo FPT rộng 110 ha ở Long Vân, chuyên nghiên cứu, sản xuất phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.

Để gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường, Bình Định đã thông qua quyết sách lớn là chuyển dịch công nghiệp từ phía đông sang phía tây nhằm hạn chế lớn nhất tác động đối với môi trường. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp được di dời sâu vào đất liền trong thời gian tới. Tỉnh cũng quyết tâm di dời ba khách sạn lớn ven biển để xây dựng công viên, trả lại tầm nhìn ra biển cho TP Quy Nhơn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Phúc cho biết, các đầm và vùng ven biển sẽ được khai thác theo hướng đa lĩnh vực. Đầm Thị Nại hơn 5.000 ha, đầm Trà Ổ 1.200 ha, đầm Đề Gi 1.600 ha đều là các vườn ươm giống các loài thủy sản quý hiếm. Hiện nay, tỉnh có năm nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu với tổng công suất 15.500 tấn, bên cạnh đó là khoảng 500 cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản. Hai nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu là Công ty TNHH thực phẩm Mãi Tín và Nhà máy chế biến thủy sản An Hải có công suất dự kiến 10 nghìn tấn/năm, khi đi vào hoạt động sẽ giúp hình thành các chuỗi giá trị thủy sản, nhất là cá ngừ.

Cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại sẽ được đầu tư nâng cấp, có bến chuyên dùng công-ten-nơ; thu hút đầu tư xây dựng cảng Nhơn Hội làm khu bến tổng hợp có cảng chuyên dùng. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tỉnh đang nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, khuyến khích phát triển nhà máy đóng tàu vỏ nhựa FRP và từ vật liệu composite, đồng thời nâng cấp, mở rộng hai cảng cá Đề Gi, Tam Quan, bảo đảm các tàu cá có công suất lớn ra vào, neo đậu, tránh trú bão.

Tinh thần chủ động vươn lên đón nhận làn sóng đầu tư mới, cùng với sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy phát triển của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định cho thấy rõ đà phát triển năng động và toàn diện của địa phương.