Không thể phủ nhận tự do internet ở Việt Nam

|

Kể từ khi chính thức hòa mạng internet vào năm 1997, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet. Việt Nam chỉ nghiêm cấm những hành vi lợi dụng hệ thống kết nối toàn cầu này để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, đồng thời xác định trong kỷ nguyên số, tự do internet là một trong những tiền đề quan trọng để phát huy dân chủ và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Dù hòa mạng internet muộn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam đã thu về nhiều thành tựu vượt bậc về tốc độ phát triển, là động lực quan trọng để thúc đẩy sự đi lên của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, vì mục đích riêng, vẫn có cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí cố tình phớt lờ mọi nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do internet, đưa ra những đánh giá phiến diện, định kiến, sai sự thật, bỏ qua những điểm sáng, mặt tích cực để xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do internet.

Điển hình là Báo cáo thường niên Freedom on the Net 2022 (Tự do trên mạng 2022) được tổ chức Freedom House (FH) công bố ngày 18/10/2022, trong đó xếp hạng Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do internet nhất trên thế giới.

Đây không phải là lần đầu tiên FH đưa ra những đánh giá phiến diện, tiêu cực, sai sự thật về vấn đề tự do, dân chủ tại Việt Nam. Ngày 2/6/2022, tổ chức này đã ra cái gọi là “Báo cáo bảo vệ nền dân chủ khi sống lưu vong” với nhiều nội dung xuyên tạc tình hình thực tế của Việt Nam, nổi lên là cáo buộc vô căn cứ “chính quyền đang tiến hành thực hiện đàn áp xuyên quốc gia nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương”; “tiến hành tấn công mạng vào các tổ chức hỗ trợ người Việt tị nạn và thúc đẩy nhân quyền”. Vào tháng 3 năm nay, FH cũng xếp Việt Nam ở vị trí áp chót khu vực Đông Nam Á về mức độ tự do. Nhìn lại quá khứ, tổ chức này đã 7 lần liên tiếp cho rằng Việt Nam không có tự do internet.

Tự mô tả mình là “tiếng nói cho dân chủ và tự do trên toàn thế giới”, phương thức đánh giá, tiêu chuẩn xếp hạng của FH cũng như nhiều tổ chức nhân quyền khác lại hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của họ. Các báo cáo của FH cho thấy tổ chức này không hề dựa trên các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học tại các quốc gia được xếp hạng mà chỉ thu thập thông tin từ những nguồn thất thiệt, không chính thống.

Thêm vào đó, tiêu chí xếp hạng nhân quyền của FH chỉ dựa trên ý chí của một hoặc vài cá nhân, nhưng không hề có cơ sở khoa học. Thậm chí trong giai đoạn 1970-1988, nhiều nhà nghiên cứu và báo chí phát hiện ra rằng giám đốc Freedom House, Raymond Duncan Gastil đã một mình soạn thảo các báo cáo thường niên Freedom in the World (Tự do trên thế giới) mà không hề có sự trao đổi, bàn bạc với các học giả, nhà nghiên cứu uy tín.

Trong bài viết The Politics of Rating Freedom: Ideological Affinity, Private Authority, and the Freedom in the World Ratings (tạm dịch Chính trị của xếp hạng tự do: Mối quan hệ tư tưởng, Quyền lực tư nhân và Quyền tự do trong xếp hạng thế giới) trên tạp chí Perspectives on Politics (thuộc nhà xuất bản Cambridge, Anh) xuất bản ngày 18/8/2017, học giả Sarah Sunn Bush bình luận: nhiều nhà phê bình đã nhận thấy sự thiếu sót trong phương pháp luận của Raymond Gastil trong các báo cáo của FH trước năm 1990.

Sau khi tổ chức này thuê một nhóm chuyên gia khác thực hiện báo cáo, tình hình có được cải thiện nhưng FH vẫn vấp phải nhiều sự chỉ trích. Bởi lẽ, các định nghĩa, phương pháp luận của FH về dân chủ có mối liên hệ chặt chẽ với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ thường được FH chấm điểm cao hơn so với các nước khác. Hơn nữa, theo ghi nhận của Sarah Sunn Bush, báo cáo của FH có ý nghĩa quan trọng, là nguồn tham khảo với các nhà lập pháp và chính trị gia Hoa Kỳ. Bởi vậy, các quốc gia yếu thế đang tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc ưu ái của Hoa Kỳ buộc phải có những động thái mỗi khi FH tung ra các báo cáo mới.

Trên thực tế, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng gay gắt phản đối các báo cáo về tình hình nhân quyền của FH như Cuba, Trung Quốc, Nga, Sudan, Uzbekistan,… Chẳng những vậy, nhiều tổ chức xã hội dân sự tại Hoa Kỳ cũng thường xuyên lên án FH.

Ngày 16/2/2018, trên website chính thức của mình, tổ chức The Heritage Foundation nhận định: “Không có lý do gì khiến những người theo chủ nghĩa bảo thủ ở Hoa Kỳ và khắp phương Tây phải quan tâm đến các báo cáo của Freedom House vì chúng không khác biệt với những tuyên truyền của Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Theo dõi nhân quyền hoặc các nhóm bình phong của George Soros (tỷ phú người Mỹ gốc Hungary, người bị cáo buộc thường xuyên tài trợ cho các tổ chức nhân quyền vì động cơ chính trị và đảng phái)”.

Tại Việt Nam, tháng 3/2021, hàng chục nghìn tài khoản facebook đã truy cập vào fanpage của FH để phản đối tuyên bố “Việt Nam không có tự do internet” do tổ chức này đưa ra. Trong đó, nhiều người đã thẳng thắn đề xuất FH nên để cho chính người Việt Nam chấm điểm về tự do trên internet của đất nước mình. Dù vậy, FH đã bỏ ngoài tai những yêu cầu chính đáng của nhân dân Việt Nam để tiếp tục tung ra các luận điệu xuyên tạc sự thật qua những báo cáo mới đây.

Cách đây khoảng ba thập kỷ, việc hòa mạng internet từng là “thử thách rất lớn trong quá trình đổi mới bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm” (theo nhận định của ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện). Bởi lẽ, quá trình đưa internet vào Việt Nam không chỉ đòi hỏi sự nâng cấp đáng kể về mặt cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà còn yêu cầu sự đổi mới tư duy của nhà làm luật.

Tại thời điểm ấy, còn tồn tại nhiều luồng ý kiến e ngại về việc hòa mạng toàn cầu có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh quốc gia. Mặc dù vậy, trong giai đoạn 1997-2008, bất chấp nhiều khó khăn, thiếu thốn và hạn chế khi mới hòa mạng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm và phát huy quyền tự do của người sử dụng dịch vụ internet. Tiêu biểu như Nghị định số 55/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/8/2001 về Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet đã khẳng định không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ internet (Điều 9).

Hay Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/8/2008 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet đưa ra hàng loạt chính sách phát triển internet quan trọng như: khuyến khích việc ứng dụng internet trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để nâng cao năng suất lao động; mở rộng các hoạt động thương mại; Thúc đẩy việc ứng dụng internet trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trường học, bệnh viện, các cơ sở nghiên cứu, đưa internet đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ cải cách hành chính, tăng tiện ích xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm an ninh, quốc phòng; Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ internet, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về internet.

Có biện pháp để ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm các quy định của pháp luật và để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực của internet; Phát triển internet với đầy đủ các dịch vụ có chất lượng cao và giá cước hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (khoản 1,2,3,4 Điều 4 Nghị định).

Còn tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhấn mạnh người sử dụng internet có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật (khoản 1, Điều 10).

Bên cạnh đó, từ quan sát và phân tích sự tăng trưởng về lượng người sử dụng internet tại Việt Nam và thế giới, các nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp đã nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa quyền tự do trên internet với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền riêng tư trên không gian mạng,...

Từ đây, Quốc hội cùng các cơ quan chức năng đã tổ chức xây dựng các giải pháp pháp lý phù hợp nhằm bảo đảm các quyền này cũng như phòng, chống, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do trên internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đây là cơ sở để hình thành một hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh của Việt Nam về internet nói riêng, an ninh mạng nói chung như: Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng,...

Qua đó, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tạo ra một môi trường mạng lành mạnh, an toàn, phát huy quyền tự do, dân chủ của công dân. Song song với quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp sự phát triển của internet tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt đề án phát triển internet với các chỉ tiêu phát triển cụ thể theo từng giai đoạn.

Theo Báo cáo mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, trung bình cứ 100 người dân Việt Nam có 83 thuê bao internet di động, trong khi thuê bao cố định là 21. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cho thấy người Việt dành 6 giờ 38 phút mỗi ngày để truy cập internet. Đây đều là những thống kê cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia có giá cước internet rẻ nhất thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động, là những diễn đàn trực tuyến để người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân.

Thực tế nêu trên cho thấy quyền tự do trên internet tại Việt Nam luôn được bảo đảm, phát huy, trái với luận điệu xuyên tạc của một số cá nhân, tổ chức không thiện chí. Không những vậy, là một đất nước văn minh, dân chủ, tiến bộ và thân thiện, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức quốc tế có thể tìm hiểu, nghiên cứu một cách trung thực, khách quan về công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, bao gồm quyền tự do trên internet, tự do ngôn luận, tự do báo chí trên không gian mạng.