Lắng nghe ý kiến nhân dân, doanh nghiệp

|

NDO - NDĐT- Đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, gần gũi với nhân dân, doanh nghiệp và cầu thị, thời gian vừa qua hàng loạt cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên với người dân và doanh nghiệp được tổ chức. Qua đó, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn được nắm bắt, giải quyết kịp thời, uy tín của cấp uỷ, chính quyền tăng lên.

Giải quyết nhiều vấn đề qua đối thoại

Sau khi công bố nguyên nhân gây ra sụt lún, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ là do khai thác khoáng sản gây ra, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống mà nhân dân chưa được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Giáp Tết 2019, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ Nguyễn Văn Thuỷ đã đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân để nắm bắt sâu sắc tình hình, đồng thời khẳng định: Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm đền bù, hỗ trợ người dân, nhưng các doanh nghiệp chưa có điều kiện chi trả thì ngân sách huyện ứng tiền để hỗ trợ 50% mức thiệt hại và người dân nhận tiền trước 28 Tết. Với cách giải quyết ngay tại đối thoại nhận được sự đồng tình của người dân.

Cũng tại thị trấn Trại Cau, thời gian vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau về việc quản lý đền Đá Thiên gây ảnh hưởng đến sinh hoạt tín ngưỡng bình thường của người dân địa phương và du khách. Ngày 27- 12 vừa qua, Bí thư Huyện uỷ và Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ về địa phương tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Với tinh thần dân chủ, người dân thẳng thắn nêu rõ tâm tư, ý kiến của mình, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền huyện cầu thị lắng nghe, tiếp thu. Bí thư Huyện uỷ Đồng Hỷ Ngô Xuân Hải cho biết: Qua tiếp xúc, đối thoại, chúng tôi nắm bắt rõ hơn về thực trạng quản lý, sinh hoạt tín ngưỡng tại đền Đá Thiên, thời gian tới sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề liên quan đến ngôi đền để sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân diễn ra bình thường.

Tại cuộc đối thoại giữa Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, người dân kiến nghị huỷ bỏ quy hoạch làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phương Độ, vì không có sự đầu tư nên làng nghề không phát triển, trong khi đó nhiều hộ muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì vướng vào quy hoạch. Vấn đề này không thuộc thẩm quyền nên xã Xuân Phương báo cáo UBND huyện Phú Bình giải quyết.

Bà Trần Thị Bốn ở xóm Tân Sơn 9, xã Xuân Phương cho biết: “Tôi đã đi dự nhiều hội nghị đối thoại, người dân phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng, hoạt động của chính quyền, đời sống, sản xuất và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương đều nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu, giải đáp thấu đáo, vấn đề gì vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên. Điều đó thể hiện cấp uỷ, chính quyền sâu sát với thực tiễn, thêm gắn bó với nhân dân”. Năm 2019 người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền huyện Phú Bình và các xã, thị trấn tổ chức ít nhất hai cuộc đối thoại với nhân dân, tiếp nhận hơn 450 ý kiến, trong đó 400 ý kiến đã được giải quyết.

Cuộc đối thoại của Thường trực Tỉnh uỷ với doanh nghiệp, doanh nhân cuối năm 2018, gần 100 ý kiến phản ánh nhiều vấn đề về thu hút đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh, giải phóng mặt bằng... Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Khánh Nguyễn Văn Thắng kiến nghị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn, các cơ quan quản lý đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng nhất để các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Tất cả các ý kiến tại hội nghị đều được giải đáp, trả lời bằng văn bản cụ thể.

Đặc biệt, sau hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó chỉ đạo nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng bộ máy chính quyền kỷ cương, liêm chính, hành động và phục vụ.

Tạo đồng thuận xã hội

Những năm qua, kinh tế huyện Đại Từ phát triển nhanh, thu hút đầu tư tăng mạnh cả về số lượng và quy mô dự án. Từ đó, nẩy sinh nhiều về đề về giải phóng mặt bằng, sinh kế bền vững cho nhân dân. Điển hình là Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tác động đến sáu xã, trong đó có khoảng một nghìn hộ dân phải di chuyển đến chỗ ở mới để nhường đất cho dự án nên lo lắng về cuộc sống, sản xuất của mình.

Cán bộ Dự án Núi Pháo hỗ trợ người dân sản xuất chè an toàn.

Trước tình hình đó, Thường trực Huyện uỷ Đại Từ đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại để tiếp thu ý kiến về các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân. Sau các cuộc đối thoại, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo tích cực cùng với huyện Đại Từ giải quyết những ý kiến kiến nghị của nhân dân, đó là xây dựng các khu tái định cư với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tốt hơn nơi ở cũ; đào tạo nghề, tiếp nhận con em các gia đình thuộc diện giải phóng mặt bằng làm việc tại dự án Núi Pháo và các doanh nghiệp phụ trợ; hỗ trợ các xã thành lập các tổ hợp tác; hỗ trợ đầu tư thiết bị tưới chè, hỗ xây dựng vùng sản xuất chè an toàn; thành lập quỹ tín dụng với số vốn gần mười tỷ đồng cho nhân dân vay...

Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Đại Từ Nguyễn Xuân Quang chia sẻ: Thông qua đối thoại và với sự hỗ trợ, tác động lan toả của Dự án Núi Pháo đã tạo đồng thuận của người dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại các xã trong vùng dự án giảm xuống chỉ còn từ 4 đến 5%. Mỗi năm Công ty đóng góp cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên khoảng một nghìn tỷ đồng, hỗ trợ hàng chụ tỷ đồng cho địa phương thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Tương tự như vậy, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên và huyện Phổ Yên (nay là thị xã) đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu, đồng thời giải quyết những ý kiến một cách kịp thời, thoả đáng nên nhân đồng thuận, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm ha đất đã giải phóng mặt bằng sạch để giao cho Công ty TNHH Samsung thực hiện dự án sản xuất điện thoại di động công nghệ cao. Khi dự án đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm xuất khẩu khoảng 25 tỷ USD, đưa Thái Nguyên trở vào tốp năm tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, giải quyết việc làm cho hơn 60 nghìn lao động với thu nhập ổn định.

Những năm gần đây, kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, biểu hiện rõ nhất là thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 15 nghìn tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đạt 83,5 triệu đồng/ người, tăng 1,6 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3%, chính trị ổn định. Việc thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp theo định kỳ, hoặc đột xuất để giải quyết kịp thời nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, qua đó góp phần tích cực tạo sự đồng thuận xã hội đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Để việc tiếp xúc, đối thoại đi vào nề nếp, Tỉnh uỷ Thái Nguyên ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp với người dân trên địa bàn. Qua đó, đã góp phần tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp uỷ theo hướng sát thực tiễn, gần dân, trọng dân và vì thế uy tín của các cấp uỷ Đảng ngày càng được củng cố.