Thành lập từ năm 2011, đến năm 2016, HTX Minh Anh đã cải tổ theo mô hình kiểu mới với 11 thành viên. Ngành nghề hoạt động mạnh nhất là trồng nấm ăn, nấm dược liệu. Các sản phẩm của HTX tuân thủ quy trình kiểm định chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng như được cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc. HTX đã đăng ký nhãn hiệu, in ấn bao bì để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những cây nấm sò, nấm mộc nhĩ thường được người dân trồng trên mùn cưa nhưng sản phẩm của HTX Minh Anh trồng trên bã củ dong riềng đã được sấy, không chứa tạp chất cho nên không mất công sàng. Tuy giá thành nguyên liệu cao nhưng thành quả bông nấm rất ngon và chất lượng cao. Với nguồn nguyên liệu 100% từ địa phương, quy trình trồng nấm của HTX tuân thủ hoàn toàn theo quy chuẩn hữu cơ.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Minh Anh Nông Thị Biệt cho biết: “Tôi luôn tìm tòi học tập các mô hình mới, tự đúc rút kinh nghiệm phù hợp hoàn cảnh cụ thể của địa phương, học tập cách làm, mô hình tốt ở tỉnh bạn, cập nhật, tìm hiểu kiến thức mới áp dụng vào thực tế để nâng cao chất lượng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu sạch cung cấp cho thị trường. Đến nay, HTX đã nuôi trồng thành công các loại nấm ăn có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao như: nấm hương, nấm linh chi, nấm mỡ… và các sản phẩm mới như giò nấm, nem nấm, ruốc nấm, trà nấm…”.
Năm vừa qua, do dịch Covid-19, việc trao đổi mua bán với khách hàng bị gián đoạn. “Khi không thể tiếp cận với khách hàng ngoài tỉnh, chúng tôi chuyển hướng đến nhóm khách hàng ngay tại địa phương mình. HTX áp dụng cách làm “Mỗi một thành viên phụ trách một tổ, một xã” mang lại hiệu quả cao. Nếu trước đây bán hàng tại chợ thì nay các chị bán hàng cho bà con chòm xóm ngay nơi mình sinh sống” - chị Biệt chia sẻ. Năm 2020, HTX sản xuất được 31 nghìn bịch nấm, cho doanh thu gần một tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi thành viên HTX là năm triệu đồng/người/tháng.
Mới đây, HTX Minh Anh đã được lựa chọn tham gia dự án “Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của phụ nữ dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi Covid-19” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp Công ty TNHH Hỗ trợ Phát triển Xanh HTC và Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn tổ chức. Các thành viên HTX có cơ hội tham gia tập huấn nâng cao năng lực, trau dồi kiến thức và được thực hành ngay tại chỗ. Đây cũng là cơ hội để HTX Minh Anh tham gia các phiên kết nối thị trường, liên kết với các HTX khác để đưa nông sản bản địa Bắc Kạn đến với đông đảo người tiêu dùng. Khi được hỏi về sự chuẩn bị cho những thách thức trong năm 2021, chị Nông Thị Biệt nói: “Đó là thay vì làm việc riêng lẻ, thì sự gắn kết và làm việc nhóm là chìa khóa đến thành công”.