Vu lan thắng hội ở Minh Đức Cung không tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch như nhiều nơi khác, mà tổ chức từ 18 đến 20 tháng 7 âm lịch hằng năm.
Minh Đức Cung còn gọi là chùa Ông Bổn, vì theo tín ngưỡng của người Hoa ở đây lấy Bổn đầu công làm vị thần chính để thờ tự. Từ thế kỷ 16-17, vùng đất Nam Bộ bắt đầu đón nhận di dân từ miền nam của Trung Quốc đến định cư. Sau thời gian ổn cư, người Hoa bắt đầu xây dựng các điểm thờ tự. Theo ghi chép, Minh Đức Cung được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Đến năm 1885, Minh Đức Cung được tu bổ quy mô, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo và được giữ nguyên vẹn đến nay.
Từ ngày xây dựng cho đến nay, Minh Đức Cung không thay đổi các vị thần, như: Bổn đầu công, Thần nông đại đế, Quan âm bồ tát, Tiền hiền, Hậu hiền, Thần long, Thần hỗ, Thiên công… Minh Đức Cung tọa lạc trên diện tích 711 m2. Như các kiến trúc tín ngưỡng của người Hoa khác, Minh Đức Cung được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc. Mái chùa lợp ngói âm dương, ngói bịt đầu được tráng men màu xanh; khung sườn chịu lực được làm bằng các loại gỗ quý. Các khánh thờ, bàn thờ, hoành phi, liễn đối, tượng, tranh… được trang trí, chạm khắc tinh xảo độc đáo.
Với độ dài của thời gian, di tích Minh Đức Cung còn là một minh chứng cụ thể cho lịch sử vùng đất Nam Bộ, vùng đất này đã có nhiều dân tộc cùng đến sinh sống từ rất lâu, trong đó có cộng đồng người Hoa ở vùng đất Trà Kháo, Hòa Ân, Cầu Kè.