Phát huy sức mạnh đoàn kết cùng phát triển

|

Những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát triển khá ổn định. Thành tích chung đó có được một phần là nhờ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết.

Bảo tồn văn hóa cộng đồng

Vào những tháng cuối năm, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Sóc Trăng vừa đón mùa lễ Oóc Om Bóc - Ðua ghe ngo 2020, vừa tham gia Hội thi trang phục hoa và lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) công nhận nghề truyền thống làm bánh pía, cùng với nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, múa Rom - Vong của đồng bào Khmer là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Cùng với sự kiện này, còn có hoạt động kỷ niệm 100 năm nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam Bộ hình thành trên đất Sóc Trăng.

Tại thị xã Vĩnh Châu, nơi có hơn 53% dân số là đồng bào DTTS của tỉnh Sóc Trăng trong những ngày diễn ra lễ hội Dâng bông (Kathina), các phum sóc nô nức đám rước với rực rỡ sắc mầu nối nhau tạo nên bức tranh thanh bình, thịnh vượng. Ông Thạch Mênh, ấp Trà Vôn, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Châu) bộc bạch, đồng bào DTTS ở đây luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho nên đời sống kinh tế gia đình khấm khá, vậy nên lễ hội năm nay thật tưng bừng, cùng dâng bông cúng Phật cầu nguyện mưa thuận gió hòa, ai cũng cố gắng làm giàu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng khẳng định, các hoạt động kỷ niệm có mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp, nét đẹp văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Trong đó tôn vinh giá trị nghệ thuật sân khấu Dù kê, thể hiện sâu sắc sự tri ân và tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân đã có công lao đối với nghệ thuật sân khấu Dù kê.

Giám đốc Sở VH-TT và DL tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho rằng, nghệ thuật sân khấu Dù kê đã được Bộ VH-TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã hình thành rất sớm ở Sóc Trăng và được các nghệ nhân Khmer phát triển thành nghệ thuật sân khấu có sự tiếp biến văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm cho nên được công chúng yêu thích. Ðến nay, nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ đã có bề dày lịch sử 100 năm. Trong khuôn khổ lễ hội Oóc Om Bóc 2020, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê, tọa đàm "Nghệ thuật sân khấu Dù kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng".

Tập trung nguồn lực phát triển bền vững

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách đánh giá, toàn tỉnh có hơn 36% dân số là đồng bào DTTS, cao nhất khu vực Tây Nam Bộ. Nhiệm kỳ qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng. Ðó là nhờ sự nỗ lực của toàn Ðảng bộ, nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp của đồng bào DTTS.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đúc kết: Thành quả này không chỉ tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong xã hội, mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Sóc Trăng hiện vẫn còn khoảng 16.000 hộ nghèo, chiếm hơn 4,9%. Trong đó, đồng bào DTTS còn hơn 7.600 hộ nghèo; hơn 14.700 hộ cận nghèo. Vì vậy, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 dành cho tỉnh Sóc Trăng nguồn vốn thực hiện các dự án như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch...

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhận định, đây là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư lớn. Tỉnh Sóc Trăng đưa dự án vào kế hoạch hành động của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là thể hiện quyết tâm lớn. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng đề án, thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời chọn điểm chỉ đạo thực hiện Ðề án chắc chắn đạt hiệu quả để vùng đồng bào DTTS Sóc Trăng tiếp tục khởi sắc, vươn lên.

Bài và ảnh: Nguyễn Phong