Minh họa bài học lịch sử, văn học bằng những thước phim, hình ảnh sống động, chân thực được xem là một công cụ, phương pháp bổ trợ hữu hiệu giúp giáo viên truyền tải kiến thức hiệu quả cho học sinh. Nhưng vì một số lý do khác nhau, trong đó có sự thiếu thốn về trang thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, thiết bị lưu trữ,... nên nhiều năm nay phương pháp này mới chỉ được áp dụng hạn chế. Mặc dù vậy, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mà cụ thể là thiết bị di động thông minh, khó khăn này không còn là một thách thức lớn nữa. Tuy nhiên, một vấn đề mới lại được đặt ra là việc thiếu hụt kho tư liệu, hình ảnh số có liên quan đến chương trình giảng dạy.
Trên thực tế, đây cũng là khó khăn chung của nhiều quốc gia có nền giáo dục tiến bộ chứ không riêng với Việt Nam. Bởi lẽ, đầu tư sản xuất những bộ phim hay ứng dụng công nghệ “thực tế ảo” chỉ để phục vụ mục đích giảng dạy đòi hỏi chi phí cao, nguồn nhân lực lớn. Vì vậy liên kết, hợp tác, tận dụng những tác phẩm có chủ đề liên quan đến văn hóa, lịch sử, văn học trong công tác giảng dạy được xem là một lựa chọn tối ưu. Tính khả thi của phương án này đến từ sự phát triển của ngày một nhiều các dự án làm phim điện ảnh, phim hoạt hình, phim ngắn, sáng tác truyện tranh, trò chơi điện tử về đề tài lịch sử, văn học...
Trong những hình thức này, nếu so sánh với điện ảnh thì phim hoạt hình, truyện tranh đang có lợi thế, ưu điểm nhất định, chủ yếu là do kinh phí sản xuất, quảng cáo, phát hành thấp hơn so với việc sản xuất một bộ phim điện ảnh, trò chơi điện tử có cùng đề tài. Hơn nữa, đặc trưng của các hình thức này được xem là khá quen thuộc, gần gũi với thế hệ trẻ, các tác phẩm hoạt hình, truyện tranh, vlog về chủ đề lịch sử, văn học thường gây được sự hứng thú, gợi mở đam mê tìm hiểu kiến thức cho học sinh. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là sự phong phú của các dự án hoạt hình, truyện tranh, vlog, sách “thực tế ảo” về đề tài lịch sử, văn học, và có thể dễ dàng tìm kiếm trên in-tơ-net, mạng xã hội, kênh truyền hình hay cửa hiệu sách báo. Hiện nay, một số cá nhân, nhóm sáng tác đã lấy ý tưởng sáng tạo từ chương trình sách giáo khoa như 1977 Vlog, Chấm Comics, DeeDee Animation, Đuốc Mồi,... và đã thu được một số thành công nhất định. Chưa kể, một số bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử, văn học do các đơn vị, đội ngũ chuyên nghiệp sản xuất được trao giải thưởng vốn lâu nay chỉ được công chiếu trong thời gian ngắn, rồi gần như bị bỏ quên. Cho nên, nếu tận dụng được những văn hóa phẩm này vào chương trình giảng dạy tại các cấp học sẽ vừa giúp nâng cao khả năng tiếp thu cho học sinh, vừa là kênh quảng bá, tiếp thị cho những tác phẩm giải trí có chất lượng tốt đến với đông đảo công chúng.
Trên thực tế đã có nhiều tác phẩm có thể đáp ứng phần nào các yêu cầu này. Như Sơn Tinh Thủy Tinh, bộ phim vừa đoạt giải thưởng Cánh diều Bạc 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam, được cho là phù hợp với cả hai tiêu chí giải trí và giáo dục. Hay nằm trong sê-ri Ngày xưa cổ tích của Trung tâm Sản xuất các chương trình giáo dục VTV7, Sơn Tinh Thủy Tinh được đánh giá cao bởi sự kết hợp giữa phương pháp làm phim hoạt hình truyền thống cắt giấy kết hợp đồ họa vi tính hiện đại. Nhưng quan trọng hơn so với các bộ phim hoạt hình truyền thống cùng chủ đề là Sơn Tinh Thủy Tinh đã sáng tạo, phát triển thêm các chi tiết vốn không có trong nguyên bản Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái, nhưng vẫn bảo đảm được tính logic, hợp lý, và thuyết phục được khán giả xem truyền hình. Dự án sách thực tế ảo về cổ tích Việt Nam ra đời từ sự hợp tác giữa NXB Kim Đồng với họa sĩ trẻ Phan Hải Ngân mở đầu với tập truyện Thánh Gióng cũng thu hút được sự chú ý của một số giáo viên, phụ huynh và độc giả nhí. Như vậy thành công của các dự án Tranh truyện lịch sử Việt Nam, Lĩnh Nam chích quái, NXB Kim Đồng đã cho thấy sẽ là một chiến lược phát triển đúng đắn khi kết hợp hài hòa giữa các yếu tố giải trí và giáo dục cho trẻ nhỏ. Đồng thời, các tác phẩm như vậy chắc chắn sẽ là nguồn tư liệu quý giá, góp phần hỗ trợ các thầy, cô giáo trong các tiết giảng dạy về lịch sử, văn học...
Song ở Việt Nam, dù triển vọng tươi sáng thì việc ứng dụng phim trực tuyến, hoạt hình, truyện tranh vào chương trình giảng dạy mới là sự khởi đầu và phía trước vẫn còn một đoạn đường dài. Nguyên nhân chính là do các nhà sản xuất mới chỉ đề cao yếu tố giải trí, dành cho đối tượng khán giả trưởng thành, chưa chú tâm vào nhiệm vụ giáo dục, truyền bá kiến thức. Những điểm sáng nêu trên chưa thật sự được các nhà làm phim, làm sách tại Việt Nam chú ý. Vì căn cứ vào thực trạng thì dường như thay vì tập trung nhiều hơn vào các giá trị, ý nghĩa xã hội thì đa phần người sản xuất truyện tranh, phim hoạt hình về chủ đề lịch sử, văn học mới chỉ để mục đích thỏa mãn đam mê, sở thích cá nhân của họ? Và cũng dường như, một số diễn viên, họa sĩ, nhà sản xuất phim hoạt hình, truyện tranh chỉ sử dụng cảm hứng lịch sử, văn học làm bình phong để lăng-xê các sản phẩm kém chất lượng. Chưa kể không ít sản phẩm trong số này còn chứa đựng các yếu tố phản văn hóa, phản giáo dục, thậm chí xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc nguyên tác văn học một cách trắng trợn dưới hình thức thô tục, phản cảm. Hệ quả là, dù nhận được sự quan tâm của các đơn vị truyền thông, báo chí, cùng sự đóng góp, tài trợ của các quỹ cộng đồng (crowdfunding) và “mạnh thường quân”, các dự án này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của số đông người đọc, người xem. Đơn cử, có thể kể đến các dự án làm phim hoạt hình lịch sử có kinh phí lớn như Việt sử kiêu hùng và gần đây là She-kings (Trưng Vương). Phần mới nhất của loạt phim hoạt hình Việt sử kiêu hùng mang tên Bình Ngô đại chiến đã gây quỹ thành công với số tiền kỷ lục lên tới hơn 1,07 tỷ đồng. Tuy nhiên sau những sự cố như nghi án đạo văn, sử dụng nguồn sử liệu thiếu độ tin cậy, hình ảnh nhân vật tương đồng với phim hoạt hình nước ngoài, vẫn chưa rõ rồi đây Bình Ngô đại chiến sẽ có một cuộc “lột xác” so với các tập trước hay không?
Ra mắt ồn ào vào ngày 20-10-2019, dự án She-kings của nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh và nhà sản xuất Janet Ngô từng được hứa hẹn sẽ “mang tính lịch sử chân thật nhất của Việt Nam, nguyên gốc của Việt Nam”. Thế nhưng cho đến nay, dù đã ra mắt được ba tập phim, She-kings vẫn chưa thu hút được sự chú ý của khán giả. Nguyên nhân là do nội dung của bộ phim hoạt hình lịch sử này khá rời rạc, thiếu tính liên kết, chưa tái hiện được bối cảnh diễn ra cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong thời Bắc thuộc. Ngoài ra, yếu tố bạo lực tràn ngập trong nhiều thước phim hoạt hình lịch sử này cũng là lý do khiến tác phẩm khó tiếp cận với người xem. Đây quả là điều đáng tiếc với những dự án được đầu tư nguồn vốn lớn cùng ê-kíp thực hiện chuyên nghiệp với mục đích chính là đem đến cho người xem một sản phẩm tinh thần hấp dẫn và miễn phí.
Như vậy, nguồn video và hình ảnh về đề tài văn hóa, lịch sử, văn học dưới dạng hoạt hình, truyện tranh, công nghệ thực tế dù đang ngày một đa dạng, song chất lượng của chúng lại khó kiểm chứng. Nhiều nhóm tác giả chỉ thực hiện dự án vì yêu thích văn hóa, lịch sử, văn học nhưng lại chưa có thời gian, điều kiện, chưa đủ trình độ để tiến hành khảo sát, nghiên cứu cụ thể, chính xác. Như nhóm tác giả của Lam Mộc Kỷ, Lam Dũ và Việt sử kiêu hùng từng thừa nhận: “Thực tế chúng mình rất muốn độc giả có hoài nghi với nội dung trong sách. Họ phải có động lực tìm hiểu để bảo vệ hoặc hoàn thiện những cái này. Đây là nghiên cứu của một nhóm không có học hành, học vị nên các bạn phải có sự phản biện, tự tìm hiểu để xác nhận lại nội dung”.
Thêm vào đó, để tăng sự hấp dẫn cho các sản phẩm của mình, một số nhóm sản xuất thường đưa vào các chi tiết hư cấu, dã sử, giả thuyết lịch sử, giai thoại văn chương mang tính giật gân, hoang đường, thiếu căn cứ. Nên, muốn áp dụng các chi tiết này vào quá trình giảng dạy, giáo viên phải biết nghiên cứu, sàng lọc các tài liệu một cách kỹ lưỡng. Thậm chí, giáo viên có thể trực tiếp liên hệ, phản biện với chính các nhà làm phim hoạt hình, truyện tranh lịch sử để góp phần hoàn thiện, sửa chữa sản phẩm phù hợp với thị hiếu độc giả nhưng vẫn không bị sai lệch so với sự kiện lịch sử, nguyên tác văn học. Bởi lẽ: nếu minh họa chương trình giảng dạy bằng hoạt hình, truyện tranh lịch sử, văn học một cách tùy tiện thì không khác sử dụng “con dao hai lưỡi”, vì có thể khiến học sinh nhận thức sai lệch, nhầm lẫn về sự kiện hoặc nhân vật lịch sử, về tác phẩm văn chương. Mối lo này phần nào đã được chứng minh qua bình luận của các bạn trẻ tại các trang mạng đăng tải phim hoạt hình, truyện tranh lịch sử. Đa số các bạn trẻ tỏ ra thích thú bởi hình ảnh, nội dung hài hước hơn là sự chân xác trong nội dung tác phẩm. Một số bạn còn đề xuất những câu chuyện, thước phim hoạt hình về sự kiện lịch sử hoặc nguyên tác văn học theo các chủ đề như đam mỹ (liên quan đồng tính luyến ái nam), bách hợp (liên quan đồng tính luyến ái nữ), hoặc nội dung gây chia rẽ vùng miền, có phát ngôn thù địch.
Để tạo không khí học tập hiệu quả, góp phần mang lại các bài giảng sinh động, thú vị nhưng không sai lệch về kiến thức, rõ ràng giáo viên đang đối mặt với thách thức rất lớn, nhất là trong các môn học như lịch sử, văn học. Sự hỗ trợ từ công nghệ và các sản phẩm văn hóa, giải trí khác như phim hoạt hình, truyện tranh có thể xem là một giải pháp rất hữu hiệu để thay đổi phương pháp đọc - chép truyền thống. Tuy vậy, sự hỗ trợ này cũng đòi hỏi giáo viên phải nâng cao năng lực, trau dồi kiến thức để có thể đưa ra những phân tích và lý giải phù hợp với học sinh, giúp các em tư duy chính xác và hiệu quả khi tiếp nhận các tri thức phức tạp.