Giải “bài toán” nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số

|

Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về nước sạch, song do nhiều nguyên nhân, đến nay, nước sinh hoạt vẫn đang là nỗi trăn trở của người dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là trong thời điểm nắng nóng cao điểm và kéo dài hiện nay.

Làm thế nào để đưa nước sạch về với từng hộ gia đình đồng bào DTTS là điều mà các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình và người dân thật sự trăn trở.

Linh hoạt đưa nước sạch đến với đồng bào

Ðồng bào DTTS tỉnh Quảng Bình sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn. Do địa hình nơi đây dốc, sông, suối ngắn cho nên mùa mưa lũ thì nước lũ chảy mạnh, mùa khô thì nhanh cạn kiệt. Trong khi đó, hầu hết đồng bào DTTS đều sử dụng nước từ các khe suối để sinh hoạt. Nguồn nước này vừa không bảo đảm vệ sinh, vừa thường xuyên khan hiếm về mùa khô. Nhiều nơi bà con phải đi rất xa mới lấy được nước về dùng. Trước thực trạng đó những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều cách làm như: Ðầu tư kinh phí, tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho miền núi, vùng sâu, lồng ghép các dự án, kêu gọi tài trợ... để xây dựng công trình cấp nước và hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho đồng bào DTTS. Nỗ lực đó đã mang lại nguồn nước sinh hoạt, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Minh Hóa là huyện có đông đồng bào DTTS của tỉnh Quảng Bình, với 2.741 hộ, chiếm 20,33% số dân toàn huyện. Người dân sinh sống tập trung ở bốn xã biên giới, gồm: Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn. Ðể giúp đồng bào có nước sử dụng, huyện Minh Hóa đã đầu tư các công trình nước sạch, dẫn nước tự chảy về các bản, làng. Mới đây, thực hiện Quyết định 2085/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, UBND huyện Minh Hóa phân bổ 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt cho 1.072 hộ đồng bào DTTS nghèo. Nhờ đó, xã Dân Hóa, nơi đồng bào DTTS chiếm hơn 91% số dân, hiện có tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt 60%. Chia sẻ niềm vui có nước sạch chảy về tận bản, chị Hồ Thị Hoa ở bản Tà Leng, xã Dân Hóa nói: “Trước đây, bà con trong bản phải leo qua con dốc cao bên kia núi để lấy nước về dùng. Mùa mưa, nguồn nước dồi dào, nhưng mùa khô thì cạn kiệt, có khi vài ngày không có nước để tắm. Giờ nước sạch chảy về tận nơi, mừng lắm. Bà con ai cũng vui cái bụng!”.

Cứ đến mùa nắng nóng, đồng bào DTTS ở hai xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) luôn thiếu nước sinh hoạt. Chia sẻ khó khăn với người dân, cán bộ, chiến sĩ Ðồn biên phòng Cồn Roàng đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức hảo tâm quyên góp, hỗ trợ để cùng đơn vị thực hiện được tám giếng nước tại tám bản của hai xã vùng cao. Thời điểm hiện tại, nắng nóng dài ngày, lượng nước bên trong tuy xuống thấp nhưng tất cả các giếng nước này đều đủ nước để cung cấp cho người dân sinh hoạt. Thiếu tá Nguyễn Văn Hiển, cán bộ Ðồn Biên phòng Cồn Roàng tăng cường cho xã Tân Trạch cho biết, hằng ngày, ngoài các công việc tại xã, anh còn phụ trách bơm nước vào bể lọc, để người dân mang can đến lấy nước về.

Tuy không phải là vùng DTTS nhưng nhiều năm nay xã miền núi khó khăn Quảng Kim, huyện Quảng Trạch luôn thiếu nước sinh hoạt do công trình cấp nước tự chảy xuống cấp. Vừa qua, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tài trợ gần 1,5 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước xã Quảng Kim. Công trình được lắp đặt mới đường ống nước thô dài hơn 2 km, nâng cấp, sửa chữa cụm xử lý nước, thay thế toàn bộ hệ thống lọc, lắp mới tuyến ống dẫn nước về cụm dân cư, từ đó người dân đấu nối dẫn nước vào từng nhà. Công trình hoàn thành cung cấp nước sạch cho gần 5.000 người dân của xã Quảng Kim sử dụng lâu dài, góp phần ổn định cuộc sống.

Tăng tính bền vững cho công trình cấp nước vùng DTTS

Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình, hiện nay, ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh có hơn 50 công trình cấp nước, đều được đầu tư đã khá lâu, phương thức cấp nước đơn giản. Hầu hết công trình cấp nước tự chảy từ khe suối đầu nguồn, do đó đường ống dẫn nước dài, nước yếu và hay hư hỏng. Tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa 15 trong số 18 bản có công trình cấp nước sinh hoạt theo phương thức tự chảy. Thiếu kinh phí và nhân lực bảo dưỡng, nâng cấp cho nên các công trình xuống cấp nghiêm trọng, chỉ hoạt động được khoảng 30% công suất. Bản làng đồng bào DTTS ở Quảng Bình khá thưa thớt, địa hình phức tạp cho nên việc đầu tư công trình cấp nước có quy mô là hết sức khó khăn, đòi hỏi nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước tập trung  của  một số hộ đồng bào DTTS chưa cao, dẫn đến tình trạng đường ống, van khóa thường xuyên hỏng, mất nước, công trình xuống cấp. Mặt khác, do ở xa các công trình hồ chứa nước lớn cho nên công trình cấp nước ở vùng sâu đều phải lấy nước đầu nguồn khe suối, mùa nắng nóng khe cạn thiếu nước đầu vào thì công trình cấp nước cũng không hoạt động được. Ðến đầu tháng 7 này, hầu hết công trình cấp nước tự chảy ở các vùng đồng bào DTTS đều thiếu nước cho nên đã dừng hoạt động. Người dân phải đi gùi nước ở các khe, suối xa về sử dụng.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, những năm qua, việc đầu tư công trình cấp nước và hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho đồng bào đều do các địa phương chủ động thực hiện trên cơ sở kiến nghị của từng xã. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế cho nên mức độ hỗ trợ còn chưa được như mong muốn. Xác định phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ cấp bách, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành chương trình hành động và đưa ra các giải pháp quy hoạch lại khu dân cư, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS và đầu tư xây dựng các trung tâm cụm, xã dọc tuyến biên giới. Ðến nay, 100% số xã vùng DTTS có đường ô-tô đến trung tâm xã, có điện sinh hoạt. Tuy nhiên, tỷ lệ các hộ dân được dùng nước sạch còn thấp và thiếu ổn định. Vì thế, để bảo đảm tính bền vững, an toàn sử dụng lâu dài đối với các công trình nước sạch vùng đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Bình cần có kế hoạch, đề án cụ thể với các biện pháp căn cơ và ưu tiên nguồn vốn đầu tư công trình cấp nước công suất lớn ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời giáo dục, tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức trong việc sử dụng và bảo vệ công trình cấp nước để phát huy tác dụng lâu dài.