Đại hội đại biểu các DTTS tại Nghệ An và Bình Định

|

NDO - NDĐT - Ngày 12-9, tại Nghệ An và Bình Định, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019 được tổ chức với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.

* Tại Nghệ An, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ III - năm 2019 đã tổ chức vào chiều 12-9 với chủ đề “Nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.

Báo cáo chính trị tại Đại hội nhấn mạnh: Miền Tây Nghệ An là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng miền Tây của tỉnh từng bước ổn định và phát triển theo hướng toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 29 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đầu tư xây dựng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Chất lượng và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên. Các giá trị và bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả. Quốc phòng được củng cố và giữ vững; an ninh chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Mối quan hệ hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An với các bộ tộc Lào anh em ngày càng bền vững; vùng biên giới ổn định về mọi mặt. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc được tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả. Lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước các cấp ngày càng sâu sắc…

Tại Đại hội, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.Quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ bé, tính liên kết còn thấp, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn ở mức cao. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, người dân không tạo được thu nhập ổn định hay sinh kế bền vững trên quê hương của chính mình. Đồng bào sống gần rừng nhưng không có được thu nhập ổn định từ rừng. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đến nay, trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn chín xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; còn hơn 300 thôn, bản ở các xã thuộc huyện vùng miền núi chưa có điện lưới quốc gia; nhiều thôn bản chưa có sóng điện thoại di động…Nhiều dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu… Có 7/27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường đến năm 2020 nêu trong Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II - năm 2014 dự báo khó đạt; Trong số này có đến bốn chỉ tiêu về kinh tế như: Tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân đầu người/năm, cơ cấu kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn.

Đại hội cũng thống nhất một số mục tiêu phấn đấu thời gian tới. Đó là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả; kết hợp khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân...Tiếp tục thu hút các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng vùng miền Tây phát triển, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, người lao động là người dân tộc thiểu số...

* Sáng 12-9, tại TP Quy Nhơn, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Định lần thứ III chính thức diễn ra với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn trao bằng khen của UBDT cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2014 – 2019. (ẢNH: CÁT HÙNG)

Tại đại hội, các đại biểu đã nghe ông Trần Quốc Lại - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thông qua báo cáo chính trị về tình hình dân tộc, miền núi thời gian qua. Địa bàn vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Đây là vùng căn cứ địa cách mạng của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Toàn tỉnh Bình Định có 10.813 hộ dân tộc thiểu số, với khoảng 40.430 người, chiếm 2,7% dân số toàn tỉnh, với 31 dân tộc thiểu số, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời là Bana (chiếm 55,9%), H’rê (chiếm 26,6%), Chăm (chiếm 16,6 %) và các dân tộc thiểu số khác 0,9% sống tại 33 xã, thị trấn, thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Có 3 huyện thực hiện Chương trình hỗ trợ Giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; có 26 xã khu vực III và 5 xã, thị trấn khu vực II có thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135.

Tỉnh Bình Định là một trong những địa phương nổi bật trong việc triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách dân tộc. Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm bình quân 5,57%; trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn. Thu nhập bình quân của vùng đồng bào DTTS đạt gần 21,9 triệu đồng/người/năm; 100% đường trục liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa; 88% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ giao thông vận tải; trên 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 98% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; người DTTS trong độ tuổi lao đã qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo trên 80%, trong đó có 20% được đào tạo nghề bài bản.

Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế; phương thức sản xuất lạc hậu chưa được thay đổi căn bản, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, còn nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn; giáo dục đào tạo, trình độ dân trí thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh; một số cán bộ, công chức, viên chức vùng DTTS còn hạn chế về năng lực, trình độ, chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới; đời sống văn hóa - xã hội một số nơi còn mê tín dị đoan, nghi kỵ cầm đồ, thuốc độc, tự tử; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thiếu tính chủ động, còn trông chờ và ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá: Những thành quả mà đồng bào các DTTS tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Nhân dân Bình Định nói chung và đồng bào các DTTS dũng cảm kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và cần cù, thông minh, sáng tạo trong xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ông Nông Quốc Tuấn cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định cần tiếp tục triển khai có trọng tâm, trọng điểm công tác dân tộc phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Cần đánh giá sâu những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân tồn tại để từ đó tìm ra những giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời có kế hoạch phát triển lâu dài cho miền núi và đồng bào các dân tộc của tỉnh trong tương lai. Cần ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc nhằm tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vừng DTTS và miền núi của tỉnh; phát huy ý chí tự lực, tự cường của cấp ủy, chính quyền đồng bào các DTTS. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phổ biến tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, các gương điển hình tiên tiến, lao động giỏi và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo...

Nhằm biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2014 - 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tặng bằng khen cho năm tập thể và 20 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng tặng bằng khen cho ba tập thể và chín cá nhân.