Nâng bước học sinh DTTS nghèo tới lớp

|

Trong những năm qua, Bắc Cạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giúp học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo, khó khăn ở các thôn, bản vùng cao đến lớp. Ngoài ra, tỉnh còn chăm lo chỗ nghỉ, bữa ăn, miễn, giảm học phí, cho nên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, chất lượng học tập của các em được nâng lên.

Trường là nhà

Những năm trước, tình trạng học sinh DTTS nghèo bỏ học ở Bắc Cạn xảy ra khá phổ biến, do đường đến trường khó đi, xa xôi, cuộc sống còn thiếu ăn, thiếu mặc. Từ khi tỉnh Bắc Cạn nhân rộng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), trở thành “mái nhà” chung cho nhiều học sinh nghèo DTTS, tỷ lệ bỏ học đã giảm hẳn.

Trường PTDTBT THCS Thượng Quan, huyện Ngân Sơn được kiên cố hóa khang trang, có hơn 70 học sinh các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, trong đó hơn 40 em được bố trí ở bán trú. Em Đặng Thị Ngọc Hà, dân tộc Dao, học lớp 7 cho biết, nhà em ở thôn Nà Sánh, cách trường hơn một giờ đi bộ, vào mùa đông đi học rất vất vả. Được bố trí ở nhà bán trú kiên cố, an toàn, cho nên em rất yên tâm học tập, nhiều năm liền đạt học sinh khá. Em Triệu Văn Học, dân tộc Dao, học lớp 7, nhà ở thôn Cốc Lùng chia sẻ: “Ở bán trú, chúng em được các thầy giáo, cô giáo phụ đạo mỗi tối, hướng dẫn ăn, ở hợp vệ sinh, cho nên an tâm học tập, sức khỏe bảo đảm hơn”.

Theo Hiệu trưởng Chu Minh Toàn, hằng tháng, trường hỗ trợ tiền ăn hơn 500 nghìn đồng/học sinh, 15 kg gạo/học sinh, hỗ trợ tiền điện, hợp đồng người nấu ăn tập trung. Trường miễn hoàn toàn học phí cho học sinh nghèo, giảm 70% học phí cho các em thuộc vùng khó khăn. Nhờ vậy, trường không còn học sinh bỏ học, chất lượng dạy và học được nâng lên.

Tại huyện vùng cao Pác Nặm, UBND huyện tập trung phát triển, củng cố 30 trường các bậc học, trong đó có tám trường PTDTBT. Năm học 2017-2018, huyện đã hỗ trợ gần 2.240 học sinh mầm non với số tiền hơn một tỷ đồng; hỗ trợ 2.650 học sinh bán trú với số tiền hơn 12 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 300 tấn gạo cho 2.290 em; hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh cho 1.541 em với số tiền hơn một tỷ đồng. Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm Hoàng Văn Duy cho biết, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh với học sinh đồng bào DTTS nghèo đã giúp các em được đến trường, được chăm sóc, nuôi dạy, giúp đỡ. Từ đó, giảm gánh nặng cho gia đình, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng dạy và học, thể chất, tinh thần cho các em.

Bắc Cạn tập trung nguồn lực củng cố trường, lớp học gắn với địa bàn dân cư, nhất là vùng cao, khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Tỉnh có 123 trường mầm non, 104 trường tiểu học, 77 trường THCS, 25 trường tiểu học và THCS; 15 trường THPT, sáu trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; một trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Trong đó, trường PTDTBT có 16 trường, gồm: Ba trường tiểu học, một trường tiểu học và THCS, 12 trường THCS ở năm huyện vùng cao là Pác Nặm, Na Rì, Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Ðồn cùng sáu trường phổ thông dân tộc nội trú huyện.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Bắc Cạn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, gồm: Quyết định 60/2011/QĐ-TTg ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch 109/TTLT/BTC/BGDĐT ngày 29-5-2009 của Liên Bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo; Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ; Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ. Từ năm 2010-2017, tỉnh hỗ trợ ăn trưa cho hơn 41.740 trẻ mẫu giáo với số tiền hơn 35 tỷ đồng; cấp học bổng chính sách cho 26.752 học sinh với số tiền hơn 99 tỷ đồng; hỗ trợ khác cho 22.823 học sinh với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Với học sinh ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn, trường PTDTBT, tỉnh hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, gạo cho 64.818 lượt em học sinh với số tiền 100 tỷ đồng; miễn, giảm học phí cho 93.031 học sinh với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 61.600 học sinh với số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Bên cạnh chính sách của Trung ương, Bắc Cạn ban hành thêm chính sách riêng, như: Đề án xây dựng nhà ở nội trú dân nuôi và các công trình thiết yếu cho học sinh THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015; quy định mức học bổng khuyến khích học tập cho học sinh giỏi Trường THPT Chuyên Bắc Cạn và mức khen thưởng cho học sinh và giáo viên có học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, khu vực quốc tế.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2016/NÐ-CP, ngày 6-11-2016, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/2016/NQ-HÐND quy định một số chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú. Theo đó, học sinh tiểu học nhà xa trường từ 4 km trở lên, THCS từ 7 km trở lên, THPT từ 10 km trở lên được ở lại trường. Tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí thuê người phục vụ nấu ăn; định mức hỗ trợ người quản lý học sinh ngoài giờ học; hỗ trợ tiền điện mức 10 kW/học sinh/tháng. Nghị quyết đã tháo gỡ khó khăn, giúp các trường thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý, nấu ăn cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS đi học. Thông qua những chính sách riêng, từ năm 2012 đến nay, Bắc Cạn đã đầu tư xây mới 56 phòng ở, 11 nhà bếp, 10 công trình vệ sinh cho các trường THCS; hỗ trợ hơn một tỷ đồng cho các trường thực hiện nấu ăn cho học sinh, tiền điện và quản lý học sinh ở bán trú.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Cạn, nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục, năm 2015, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quan tâm đầu tư. Học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao. Năm 2017, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95,69%, tỉnh có thêm tám trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 80 trường.

Để hỗ trợ phát triển giáo dục tốt hơn, từ năm 2019, Bắc Cạn rà soát, sắp xếp lại trường, lớp học. Theo đó, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng một xã; xem xét ghép các trường tiểu học quy mô dưới 10 lớp với trường THCS ở cùng một xã; các xã có hai đến ba trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường theo hướng bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Xóa các điểm trường nằm gần trường chính mà điều kiện đi lại thuận lợi cho học sinh; đối với các điểm trường xa trường chính, xem xét đưa học sinh từ lớp ba đến lớp năm về học tại trường chính nếu bố trí, sắp xếp được nhà nội trú. Dồn ghép hợp lý các điểm trường xa trường chính, các trường học có ít học sinh trong một xã và giữa các xã giáp ranh.