Đưa chữ về bản vùng cao

|

Vào năm 2014, tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 ở Bắc Cạn chiếm gần 6% số dân trong tỉnh. Không biết chữ cho nên đồng bào “nghèo” thông tin, chính là nguyên nhân càng khó thoát nghèo. Bắc Cạn tập trung triển khai đề án xóa mù chữ đến năm 2020. Sau hơn 5 năm, tỷ lệ đồng bào biết đọc, biết viết tăng lên đáng kể.

Thôn Nà Lẩy, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm trong tiết trời đêm cuối năm, cái rét len lỏi khắp ngõ, xóm. Cầm chiếc đèn pin, như mọi ngày, cô giáo Nguyễn Thị Quyên lại lặn lội đến điểm dạy lớp xóa mù chữ trong thôn. Trên đường đi, đến nhà ai, cô Quyên lại cất tiếng gọi học viên. Dọn dẹp nốt mâm cơm sau bữa ăn, chị Sằm Thị Đì, dân tộc Sán Chay khoác chiếc cặp sách đựng sách vở được tỉnh tài trợ, vội xuống đi cùng cô giáo Quyên tới lớp. Chị Đì cho biết, từ trước tới giờ, gia đình có mấy ai biết chữ đâu, thiệt thòi nhiều lắm vì chỉ nghĩ lo làm lúa, chăn nuôi, chứ nghĩ gì đến học hành. Giờ được vận động, khuyến khích, chị cùng nhiều chị em rất phấn khởi tham gia lớp xóa mù chữ trong thôn.

Đúng 20 giờ, lớp học bắt đầu. Hơn 10 học viên tuổi từ 20 đến 40 chăm chú nghe cô giáo Quyên ôn lại bài cũ, dạy bài mới. Bàn tay chai sạn của những người phụ nữ vùng cao quen cầm cuốc, cầm dao… nay run run cầm bút viết từng nét chữ. Cô giáo Quyên cẩn thận cầm tay từng học viên viết chữ cho đúng, uốn nắn những học viên đọc sai. Cứ như thế, những lớp học xóa mù chữ ở Nà Lẩy nói riêng và toàn xã Bộc Bố nói chung đã thắp “ánh sáng” tri thức cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cô Quyên cho biết, khi mới nhận nhiệm vụ đứng lớp cũng rất lo vì không biết với độ tuổi cao như vậy liệu khả năng tiếp thu của học viên có được tốt không. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả cô và “trò” thì trung bình, mỗi học viên sau ba tuần bắt đầu biết đọc, biết viết những câu đơn giản.

Chúng tôi vượt dốc lên bản Khâu Vai, xã Bộc Bố, đến với điểm trường xóa mù chữ. Chiều chiều, nơi rẻo cao này, trong những lớp học được ghép bằng gỗ, ván tạm bợ, văng vẳng tiếng đánh vần ê a, những câu đọc thuộc lòng làm quen con chữ… Phần lớn các học viên ở đây đều làm nông nghiệp, quanh năm vất vả với việc đồng áng, mùa vụ, nhiều người đã ở tuổi từ 20 đến 30, có những người đã “lên chức” ông, bà. Xác định học chữ để nuôi ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, do vậy, từ khi có lớp học xóa mù chữ, họ bận rộn hơn, vừa sắp xếp công việc gia đình, đồng áng, vừa dành thời gian đến lớp.

Chị Dương Thị Dua, dân tộc Mông cho biết, trước đây không biết chữ, đi chợ phiên chị cũng không biết tính toán, cần làm giấy chứng minh nhân dân, hay nhận hỗ trợ cũng không biết viết tên mình, chỉ biết điểm chỉ. Được học lớp xóa mù chữ, đến nay, chị không còn gặp nhiều khó khăn như trước nữa. Còn chị Hoàng Thị Diến cho biết, giờ chị đã có thể đọc báo, học hỏi thêm được nhiều thông tin hữu ích áp dụng vào phát triển kinh tế hộ, có thể dạy con nhỏ đang học lớp 1 ôn bài mỗi tối. Cô giáo Dương Thị Nội cho biết, các “trò” toàn lớn tuổi, có người ngang tuổi cô giáo nhưng vẫn như học sinh lớp 1, phải dạy dần, cầm tay uốn chữ, nắn nót. Dù vất vả, nhưng chúng tôi luôn tự hào, cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao.

Pác Nặm đã có nhiều nỗ lực triển khai xóa mù chữ cho đồng bào DTTS. Đến hết năm 2017, thông qua việc thường xuyên mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ hai (trong độ tuổi từ 15 đến 60) đạt 65,7%; có 10 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm Hoàng Văn Duy cho biết, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp học xóa mù chữ, vận động học viên đến lớp, tạo phong trào xã hội học tập. Thông qua các lớp học, nhiều người đã biết đọc, biết viết, tiếp tục học lên các lớp sau xóa mù chữ, tiếp cận được thông tin khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh tế. Nhiều người cao tuổi tham gia học xóa mù chữ là những tấm gương để lớp trẻ nỗ lực vươn lên trong học tập.

Từ năm 2014, Bắc Cạn triển khai đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” với mục tiêu “đưa cái chữ” đến với đồng bào DTTS vì nhiều lý do chưa được đến lớp, chưa biết chữ. Tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện hiệu quả giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; chỉ đạo mở các lớp xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ và giáo dục thường xuyên cấp THCS; tham mưu tổ chức kiểm tra công nhận kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định…

Đến nay, Bắc Cạn có 98,42% số người trong độ tuổi từ 15 đến 25; 97,4% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 và 94,54% số người trong độ tuổi 15 đến 60 đạt chuẩn biết chữ mức độ một. Tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ hai trong độ tuổi từ 15 đến 25 đạt 96,66%; từ 15 đến 35 đạt 93,99%; từ 15 đến 60 đạt 88,02%. Tỉnh có 36 trong số 122 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một; 86 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ hai; năm đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một, ba đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ hai. Tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một.

Từ năm 2018, Bắc Cạn triển khai chính sách hỗ trợ học phẩm cho các học viên. Theo đó, mỗi học viên các lớp xóa mù chữ trong một năm học sẽ được hỗ trợ một bộ com-pa, thước đo độ, tẩy, thước kẻ, cặp đựng; 17 bút viết và 20 quyền vở ô-li 80 trang. Bắc Cạn phấn đấu, đến năm 2020, xóa mù chữ cho gần 2.210 người độ tuổi từ 15 đến 60, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 95,09%; xóa mù chữ cho hơn 2.060 người DTTS, nâng tỷ lệ người DTTS biết chữ đạt 94,57%; 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ. Toàn bộ số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một; 75% số đơn vị đạt chuẩn mức độ hai. Toàn bộ số đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ một và 87,70% số đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ hai.