Lợi ích kép từ hỗ trợ phát triển rừng

|

Những năm qua, Bắc Cạn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ trương đúng mang lại lợi ích “kép”, vừa nâng cao diện tích, giá trị rừng, vừa tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Xanh bóng cây rừng

Pác Nặm là huyện 30a, nhiều năm trước, đồng bào chủ yếu trồng ngô nên đất xấu dần, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi có hỗ trợ phát triển rừng, nhiều diện tích đồi, núi trọc nay đã xanh mầu của cây keo, mỡ và thông. Ông Đặng Văn Cao, thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố có gần 1 ha đất rừng, được hỗ trợ hoàn toàn chi phí cây giống, công chăm sóc ba năm đầu, ông đã trồng toàn bộ bằng cây keo, mỡ. Chỉ chưa đầy sáu năm sau, số cây trên rừng của ông đã có trị giá hàng trăm triệu đồng. Thấy trồng rừng hiệu quả, bà con trong thôn học tập kinh nghiệm sản xuất và dần mở rộng diện tích. Đến nay, Khuổi Bẻ có 46 trên tổng số 51 hộ trồng rừng, nhiều hộ đã có thu nhập từ rừng và thoát nghèo. Hạt trưởng Kiểm lâm Pác Nặm Lê Xuân Diệu cho biết, hằng năm, đơn vị phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn rà soát, thống kê nhu cầu trồng rừng của người dân để lên phương án hỗ trợ. Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác tại địa bàn mình phụ trách. Nhờ vậy, từ 2016 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được 1.137 ha.

Bên cạnh trồng mới, chính sách hỗ trợ giao khoán đã giúp Bắc Cạn bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng đặc dụng. Khu vực rừng Nà Noọc, TP Bắc Cạn giáp ranh xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới có hơn 400 cây nghiến và trai cổ thụ quý hiếm. Do gần quốc lộ 3 cho nên vài năm trước diễn ra tình trạng khai thác gỗ trái phép, thiệt hại 10 cây nghiến hàng trăm tuổi. Căn cứ chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, UBND thành phố Bắc Cạn và huyện Chợ Mới đã giao khoán cho đồng bào Dao ở thôn Nặm Dất, xã Tân Sơn bảo vệ rừng nghiến với mức 300 nghìn đồng/ha/năm trên diện tích 52 ha. Ngoài ra, Ban quản lý rừng cộng đồng của thôn gồm hơn 10 người thực hiện chia tốp luân phiên tuần tra rừng, tuyên truyền nhân dân giữ rừng. Nhờ vậy, từ năm 2014 đến nay, tại rừng nghiến Nà Noọc chưa xảy ra vụ khai thác trái phép nào.

Từ năm 2016, Bắc Cạn ban hành mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, người dân được hỗ trợ chi phí một năm trồng, ba năm chăm sóc là 30 triệu đồng/ha. Trồng, chăm sóc rừng sản xuất tại huyện 30a được hỗ trợ gần 12 triệu đồng/ha. Đối với các huyện ngoài chương trình 30a, khi trồng, chăm sóc rừng sản xuất, người dân được hỗ trợ hơn chín triệu đồng/ha rừng gỗ lớn; hơn sáu triệu đồng/ha rừng gỗ nhỏ. Trồng cây phân tán được hỗ trợ không quá năm triệu đồng/ha. Khoán bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên được hỗ trợ từ 300 đến 500 nghìn đồng/ha/năm. Nhờ chính sách đúng, đến nay, Bắc Cạn trồng mới được 20.307 ha rừng, trong đó có 11.312 ha rừng gỗ lớn. Diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng cơ bản được bảo vệ, phát triển tốt.

… đến tạo nguồn vốn hỗ trợ

Hiện tại, diện tích đất trống của Bắc Cạn còn hơn 62 nghìn ha. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ chi phí trồng, chăm sóc của Nhà nước thì rất khó khăn, do vậy, tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực giúp nhân dân phát triển trồng rừng. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Cạn, cho vay vốn để trồng rừng là một “kênh” dẫn vốn rất hiệu quả tại địa phương. Đến nay, chi nhánh đã cho 13.475 hộ vay số vốn hơn 568 tỷ đồng để trồng rừng. Hầu hết vốn vay được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Năm 2013, chị Đinh Thị Bèn, thôn Khu Chợ, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn được tư vấn vay 50 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội để trồng rừng. Chị mua cây giống, trồng chín héc-ta rừng. Sau gần 5 năm chăm sóc, rừng cho khai thác tỉa, chị hoàn trả xong tiền vay. Hiện tại, diện tích rừng trồng của chị đã được thương lái trả giá gần một tỷ đồng.

Từ nguồn vốn đầu tư và phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ 99 thôn, bản vùng rừng đặc dụng với hơn 8 nghìn hộ hưởng lợi từ rừng. Thực hiện Đề án hỗ trợ gạo cho người dân tự nguyện bảo vệ rừng tự nhiên trong thời gian chưa tự túc được lương thực, giai đoạn 2019 - 2023, Bắc Cạn sẽ hỗ trợ hơn 31.272 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 23.465 hộ ở 607 thôn đặc biệt khó khăn thuộc tám huyện, thành phố. Ngoài ra, từ nguồn vốn Dự án “Quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2” (gọi tắt là KFW8), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì với sự tài trợ của Chính phủ CHLB Ðức thông qua Ngân hàng Tái thiết Ðức (KFW), Bắc Cạn đầu tư gần ba triệu ơ-rô giúp người dân cải tạo rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Dự án hỗ trợ tỉa thưa, trồng xen cây bản địa đối với 2.100 ha rừng keo tại huyện Chợ Mới và 1.300 ha rừng thông tại huyện Ngân Sơn đã giúp mỗi héc-ta keo tăng giá trị kinh tế gấp từ 2,5 đến 3 lần; cây thông tăng giá trị gấp từ 2 đến 2,5 lần so với rừng gỗ nhỏ.

Chính sách hỗ trợ đúng đã tạo nên phong trào trồng rừng ở Bắc Cạn. Tuy nhiên, chính điều này, khiến số diện tích được hỗ trợ tăng nhanh, vượt quá mức tổng kinh phí hỗ trợ được giao giai đoạn 2016-2020. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn, hiện tại, tỉnh còn “nợ” gần 14 tỷ đồng tiền hỗ trợ trồng rừng mới và chăm sóc rừng trồng ba năm đầu. Mức hỗ trợ khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng hiện tại cũng rất thấp, không bảo đảm đời sống cho người nhận khoán. Nhiều diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên dù có quy định hỗ trợ khoán bảo vệ nhưng hiện chưa có tiền chi trả, dẫn tới một số diện tích bị khai thác, chặt phá trái phép.

Chi Cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, diện tích rừng tự nhiên chiếm tới 75% tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh. Nếu chỉ tính riêng kinh phí khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ chưa tính rừng đặc dụng thì mỗi năm cần tới khoảng 120 tỷ đồng là rất lớn, vượt quá khả năng cân đối của tỉnh. Do vậy, Bắc Cạn kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh Nghị định 75/2015/NĐ-CP (ngày 9-9-2015) về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 theo hướng mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ gạo khi nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng.