Từ trai bản trở thành Hiệu trưởng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại bản Nà Ín I, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, ngoài 20 tuổi, Khoàng Văn Van đã lấy vợ, sinh con giống như những người bạn cùng lứa. Thế rồi, khi nhìn những đứa trẻ trong bản, trong xã không đi học, không biết chữ, cuộc sống luẩn quẩn trong nheo nhóc, đói nghèo thì năm 23 tuổi, Khoàng Văn Van quyết định để lại vợ dại con thơ, theo học lớp đào tạo giáo viên cấp tốc tại Trường trung cấp Sư phạm Lai Châu. Gần hai năm sau trở về quê cũ, anh Van được nhận làm giáo viên tại Trường PTCS Chà Cang (nay là Trường tiểu học Chà Nưa).
Tưởng như thế là yên việc mọi bề, ấy vậy mà không. Năm 1998, khi đã 28 tuổi và là bố của ba đứa con, Khoàng Văn Van lại lần nữa tạm biệt vợ dại con thơ để lên đường đi học bởi suy nghĩ, “phải học thêm để thêm kiến thức về dạy bọn trẻ!”. Học xong lại trở về trường cũ tiếp tục sự nghiệp xóa mù, dạy chữ cho những đứa trẻ, thời gian sau anh được cất nhắc lên Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường tiểu học Chà Nưa. Bằng sự tâm huyết và tận tụy, chỉ trong vòng tám năm sau đó, anh và đồng nghiệp đã xây dựng thành công Trường tiểu học Chà Nưa, từ một ngôi trường khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ thành ngôi trường đạt chuẩn cấp Quốc gia…
Năm 2014, khi huyện Nậm Pồ được thành lập trên cơ sở chia tách một số xã của huyện Mường Chà và Mường Nhé, thầy Hiệu trưởng Khoàng Văn Van được tin tưởng giao đảm nhiệm Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện. Trong bộn bề khó khăn của một huyện nghèo mới thành lập, song anh đã nhanh chóng thích nghi, hoàn thành tốt công việc nhưng mỗi khi dời nhiệm sở, những hình ảnh khó khăn vất vả của người nghèo xã Chà Nưa lại ùa về, ám ảnh. Thế rồi, tháng 6-2015, khi huyện Nậm Pồ có chủ trương đưa cán bộ về cơ sở, anh đã xin về Chà Nưa với lời hứa, “làm mọi việc tổ chức tin tưởng giao phó, giúp đồng bào Chà Nưa sớm thoát cảnh đói nghèo!”.
Người Bí thư tiên phong mở đường kinh tế…
Con số 53% tỷ lệ hộ nghèo (năm 2016) trong khi Chà Nưa cũng có “ruộng mật bờ xôi” khiến Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van mất ngủ triền miên. Trong lòng anh luôn canh cánh câu hỏi, “làm gì để Chà Nưa thoát nghèo, để trẻ nhỏ Chà Nưa không bỏ học, để người già được ấm dạ bát cơm đầy?”, như nỗi ám ảnh dày xéo tâm can anh. Và rồi, sau nhiều buổi chiều lang thang khắp bản gần bản xa, trò chuyện với người già trẻ nhỏ, cuối cùng Bí thư Khoàng Văn Van cũng tìm được lời giải cho câu hỏi của mình.
Trong khi chờ cấp ủy, chính quyền đồng thuận với chủ trương ban hành nghị quyết chuyên đề về lộ trình phát triển kinh tế - xã hội ở Chà Nưa, giai đoạn 2016-2020, Bí thư Khoàng Văn Van đến từng nhà vận động cán bộ, đảng viên tiên phong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Với người trong gia đình, dòng họ, Bí thư Van thường xuyên vận động, hướng dẫn con cháu cải tạo đất trống ven suối để giữ nước, làm ao thả cá. Hơn một năm sau (cuối năm 2017), hai ao cá của người trong gia đình anh đã cho thu hoạch. Ngày tháo nước vét ao, Bí thư Van không quên dặn người nhà phải mời bà con trong bản đến cùng bắt cá và ai cũng được vài cân mang về.
Được nhìn thấy, nghe thấy cách làm hiệu quả của người nhà Bí thư Van, nhiều người trong xã Chà Nưa đã mạnh dạn làm theo và cuộc sống của các gia đình ngày càng khấm khá hơn. Phong trào nhà nhà phát triển kinh tế ở Chà Nưa có sức sống từ đó. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã chỉ còn 11,41% (giảm hơn 40% trong vòng hai năm). Điều đó đã không chỉ đem lại niềm vui, tự hào cho người dân Chà Nưa mà còn là niềm tự hào chung của cấp ủy, chính quyền huyện biên giới Nậm Pồ. Bởi trong lịch sử mảnh đất miền biên viễn, chưa xã nào có bước chuyển kinh tế ấn tượng như Chà Nưa.
…và tác giả những dự án “0” đồng
Cùng chúng tôi đi trên con đường nhựa phẳng phiu dưới tán những cây hoa ban xanh mướt ở trung tâm xã Chà Nưa, anh Khoàng Văn Van phấn khởi khoe, đây là một trong những dự án “0” đồng thành công ở Chà Nưa đấy! Và rồi anh mới nói, sở dĩ Đảng ủy, chính quyền xã Chà Nưa quyết định chọn cây hoa ban trồng ven trục Quốc lộ 4H và các đường về bản là bởi Chà Nưa có 83% dân số là là dân tộc Thái, mà với người Thái thì hoa ban đã là biểu tượng cho vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết của người con gái Thái. Vậy nên, chủ trương trồng hoa ban ở Chà Nưa được người dân đồng tình ủng hộ lắm.
Theo đó, người có chuyên môn ở xã thì chủ động đi rừng tìm hạt, tìm cây ươm giống, còn nhân dân góp sức chuyển cây về trồng dọc Quốc lộ 4H và tất cả tuyến đường trong xã; đường về bản giờ cũng rợp bóng những hàng ban. Chỉ trong thời gian ngắn, 1.200 cây hoa ban đã được trồng, chăm sóc tốt ở Chà Nưa mà chính quyền địa phương không phải bỏ một đồng công. Dự án thành công là nhờ sự ủng hộ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân địa phương mà trước nhất là sự tận tâm của Bí thư Đảng ủy Khoàng Văn Van.
Trò chuyện với cán bộ, nhân dân xã Chà Nưa, chúng tôi còn được biết, ngoài dự án 1.200 cây hoa ban, Bí thư Đảng ủy Khoàng Văn Van còn là “tác giả” của dự án 11 tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng dài 36km; dự án làm gần chục cây số đường nội đồng và 106 lò đốt rác thải sinh hoạt. Đây đều là những dự án “0” đồng, thành công nhờ sự chung sức, đồng lòng của nhân dân địa phương. Từ ý tưởng của Bí thư Đảng ủy Khoàng Văn Van và sự tận tâm của anh, phong trào góp sức, góp của thực hiện các dự án cứ như có luồng sức mạnh cháy từ người này sang người kia để người người đồng lòng với mục tiêu xây dựng Chà Nưa thành xã nông thôn mới, để người Chà Nưa tự hào với cuộc sống hôm nay.
Biết chúng tôi ở lại Chà Nưa không lâu, nhiều người có uy tín ở Chà Nưa đã tìm gặp để kể về Bí thư Đảng ủy xã của họ. “Chẳng ai như nó, khi huyện cho tiền để cứu đói cho dân thì nó bảo xã không lấy, đem đi cho nơi khác vì nhiều nơi còn khó khăn hơn. Người Chà Nưa sẽ tự “cứu đói” cho người Chà Nưa”. Hay như chuyện: “Huyện cho dự án nuôi dê thì nó cương quyết không nhận vì nó bảo vùng này không hợp để nuôi dê, có nuôi thì dê cũng chết trong khi nơi khác cứ cho họ nhận nấy, không nuôi được thì họ bán hoặc thịt! Thằng Van nó bảo không được làm thế, làm thế là có lỗi với Đảng, với Nhà nước”, cụ Tao Văn Vin đã kể câu chuyện ấy với niềm tự hào hiện rõ trong khóe mắt.
Trước khi chia tay Chà Nưa, Bí thư Khoàng Văn Van đưa chúng tôi đi một vòng quanh các bản trong xã. Vừa đi anh vừa kể câu chuyện đã căn dặn học sinh trong lễ khai giảng năm học mới vừa qua. Đó là mong muốn “Các cháu chăm ngoan, học giỏi và mỗi cháu hãy tự trồng một cây hoa ở nhà. Như thế các cháu tự tay làm đẹp thêm cho ngôi nhà, bản làng của mình rồi đấy!”.
Và câu chuyện của Bí thư Đảng ủy Khoàng Văn Van khiến tôi hiểu, vì sao Chà Nưa thành công với các dự án “0” đồng…
Một góc bản Nà Sự, xã Chà Nưa hôm nay.