Ngành dầu khí Việt Nam trước cơ hội chuyển mình

|

NDO - Diễn biến bất ngờ của giá dầu thô và xu hướng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ đang đặt ra nhiều bài toán cho ngành dầu khí Việt Nam. Vậy làm sao để ngành có thể giảm bớt được những áp lực từ "vòng xoay" thế giới?

Mới đây, thông qua chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành dầu khí nước ta đã tìm thêm một "lối đi" bằng nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.

Hiện giá dầu thô thế giới đang đảo chiều sau hai tuần tăng liên tiếp. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết thúc phiên 25/10, giá dầu thô WTI đang ở mức 85,39 USD/thùng, và giá dầu thô Brent dừng chân ở mức 90,13 USD/thùng.

Cho tới nay, rủi ro địa chính trị tại khu vực Trung Đông vẫn là chất xúc tác chính lên giá dầu. Những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng Israel-Hamas đang làm cho giá dầu thô suy yếu so với tuần trước. Tuy nhiên, rủi ro xung đột leo thang còn tiềm ẩn, khiến cho giá dầu tiếp tục ở mức cao hơn so với trung bình nửa đầu năm nay.

Bên cạnh yếu tố địa chính trị, giá dầu cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi sự chuyển động của dòng tiền đầu tư liên thị trường. Trong đó, đà tăng của giá vấp phải lực cản từ đồng USD, khi mà chỉ số Dollar Index tiếp tục neo ở mức cao, trên ngưỡng 106 điểm.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết: "Tôi cho rằng những điều kiện quốc tế trái chiều sẽ khiến xu hướng giá dầu khó đoán định hơn. Trên thị trường hàng thực, giá dầu hiện tại có thể bị ảnh hưởng tiêu cực vì chi phí kinh doanh và giao nhận đi lên theo sức ép tỷ giá. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, bên cạnh chính sách cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất lớn vẫn sẽ khiến nhiều nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng và mua các hợp đồng dầu kỳ hạn tương lai".

Chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch để giảm thiểu rủi ro là tất yếu

Báo cáo tháng 10 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2023 đạt 102,06 triệu thùng/ngày và sẽ tăng lên mức 104,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024. OPEC hiện vẫn giữ quan điểm thận trọng nhất trong các tổ chức khi dự báo thị trường sẽ ở trạng thái thắt chặt giai đoạn quý IV năm nay, bởi sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC yếu đi.

Mức thâm hụt nguồn cung được OPEC dự báo có thể lên tới hơn 3 triệu thùng/ngày trong quý này. Tuy nhiên, con số trên sẽ còn thay đổi vì kịch bản xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn chưa xác định được quy mô trong tương lai. Nhìn chung, nguy cơ thâm hụt vẫn đang được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.

Mặc dù vẫn là nguồn năng lượng chính trên thế giới, nhưng giai đoạn qua, việc sử dụng dầu thô cho thấy nhiều rủi ro về giá và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế thế giới. Điều này đang góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sang các nguồn năng lượng bền vững trong tương lai.

Về dài hạn, báo cáo Triển vọng Năng lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tiêu thụ liệu hóa thạch thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3.629 GW (Gigawat) lên 11.008 GW theo kịch bản “phát thải ròng bằng không” vào năm 2023.

Đến năm 2030, IEA dự kiến ​​số lượng ô tô điện trên đường sẽ tăng gần gấp 10 lần. Các nguồn năng lượng tái tạo được ước tính sẽ chiếm 80% công suất điện mới vào năm 2030, trong đó riêng năng lượng mặt trời chiếm hơn một nửa. Xu hướng này cộng với các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch ở các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm giảm mức sử dụng dầu thô trong tương lai.

Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn cung xăng dầu thế giới, để giảm bớt, Chính phủ đang có nhiều chính sách để hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai. Trong bối cảnh nhiều rủi ro địa chính trị khó đoán, cùng biến động tài chính thế giới, việc tăng cường hợp tác với các quốc gia có thế mạnh về năng lượng, đa dạng hoá nguồn cung, và chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ năng lượng xanh sẽ là một giải pháp hữu hiệu đảm bảo ổn định giá cả trong nước.

Hợp tác quốc tế đem đến cơ hội 'tự chủ' nguồn cung cho ngành dầu khí

Sự biến động của thị trường dầu thô thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu dầu thô và xăng dầu các loại đạt lần lượt 7,81 triệu tấn và 8,03 triệu tấn, tương đương với mức tăng trưởng 8,3% và 23,1%. Trái lại, lũy kế xuất khẩu dầu thô 9 tháng đạt 2,03 triệu tấn, giảm 14,9% so cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu xăng dầu các loại cũng giảm 9,1%, đạt 1,66 triệu tấn.

Hơn nữa, Việt Nam cũng là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng lớn. Theo ước tính của World Bank, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,4% và 6% trong hai năm 2024 và 2025. Vì thế, nhu cầu tiêu thụ dầu thô nói riêng và năng lượng nói chung sẽ đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Song song với bảo đảm an ninh năng lượng và cung cấp đủ nhu cầu tiêu thụ theo sự phát triển của đất nước, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kinh tế bền vững và xanh hóa ngành năng lượng. Quá trình này kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh qua mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Ngày 20/10 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Hoàng Thái tử, Thủ tướng Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Thủ tướng đã đề nghị Tập đoàn Saudi Aramco - một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, tham gia đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của nước ta.

Chuyến thăm của Thủ tướng cũng tái khẳng định tiềm năng hợp tác song phương giữa Saudi Arabia và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dầu khí. Sau buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Saudi Aramco cũng bày tỏ mong muốn đầu tư và xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Việt Nam.

Nếu kế hoạch xây dựng nhà máy lọc hóa dầu của Tập đoàn Aramco được triển khai sẽ có nhiều dự án đầu tư có giá trị, công nghệ cao có mặt tại Việt Nam. Hơn nữa, tập đoàn này cũng đang hướng tới đầu tư vào công nghệ mới phát thải carbon thấp, giúp hạn chế lượng khí thải gây ô nhiễm. Đây vốn là mục tiêu dài hạn của Chính phủ trong việc phát triển các dự án về năng lượng tái tạo.

Hợp tác này cũng mở ra nhiều triển vọng để cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ cho các doanh nghiệp ngành dầu khí; giúp bảo đảm nguồn cung trong nước, an ninh năng lượng và phát triển nền kinh tế bền vững trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.