Nhóm kim loại đồng loạt tăng mạnh, thị trường năng lượng gặp sức ép bán

|

NDO - Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, đóng cửa tuần giao dịch vừa qua (07/11-13/11), chỉ số hàng hóa MXV- Index quay đầu giảm gần 1,2%, xuống mức 2.537 điểm, sau tuần tăng giá rất mạnh trước đó. Lực bán chủ yếu đến từ nhóm năng lượng với toàn bộ các mặt hàng đồng loạt giảm rất mạnh. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, thị trường kim loại đón nhận lực mua tích cực với tất cả 10 trên 10 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh.

Đáng chú ý, dòng tiền đến thị trường tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 5.300 tỷ đồng mỗi phiên, cao hơn 6,5% so với mức trung bình của tuần trước và cao hơn đến 24% so với mức trung bình trong tháng 10.

Thị trường kim loại đón nhận lực mua rất mạnh trước dữ liệu lạm phát tích cực hơn tại Mỹ

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, bảng giá kim loại phủ kín trong sắc xanh, ghi nhận lực mua rất mạnh. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 4,25% lên 21,66 USD/ounce, mức đóng cửa tuần cao nhất trong vòng 5 tháng. Bạch kim đón nhận lực mua mạnh nhất trong nhóm kim loại quý với mức tăng trong tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay, sau khi tăng 8,08% lên 1038,1 USD/ounce.

Nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim trong tuần qua là do tâm điểm về dữ liệu lạm phát của Mỹ đang khiến các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn về việc lãi suất sẽ tăng chậm lại trong thời gian tới. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ ở mức tăng 7,7% trong tháng 10 so cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 8,2% vào tháng 9 và đánh bại dự đoán ở mức 8,0% của thị trường. Dữ liệu niềm tin tiêu dùng của Michigan đã giảm từ mức 59,9 trong tháng 10 xuống mức 54,7, thấp hơn dự đoán 59,5 của các chuyên gia kinh tế, cho thấy môi trường chi phí vay tăng cao đang làm hạn chế mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng. Điều này làm tăng hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm tốc tiến trình thắt chặt tiền tệ và mức đỉnh lãi suất có thể không cao hơn 5% như lo ngại của nhiều nhà đầu tư. Dollar Index giảm mạnh hơn 4% trong tuần qua xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng, đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với lãi suất.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng bạc xanh suy yếu cũng là một trong những nguyên nhân chính hỗ trợ cho đà tăng của giá. Kết thúc tuần, giá đồng COMEX tăng mạnh tuần thứ 2 liên tiếp với mức tăng 6,16% lên 3,91 USD/pound. Bên cạnh yếu tố vĩ mô, niềm tin về việc Trung Quốc sẽ sớm có những nới lỏng trong chính sách kiểm soát Covid-19 cũng giúp gia tăng kỳ vọng về nhu cầu phục hồi, qua đó thúc đẩy giá. Quốc gia này cũng đã có thông báo giảm lượng thời gian cách ly đối với các du khách từ 10 ngày xuống còn 8 ngày. Các tin tức tích cực hơn từ phía Trung Quốc cũng đã hỗ trợ cho đà tăng mạnh của kim loại cơ bản còn lại, trong đó thiếc LME dẫn đầu đà tăng hơn 15%, niken LME cũng tăng hơn 13%. Quặng sắt cũng đón nhận lực mua tích cực trước tin tức này, ghi nhận mức tăng 6,2% lên 91,28 USD/tấn.

Giá dầu giảm điều chỉnh trong tuần khi số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng cao

Giá dầu giảm trở lại trong tuần vừa rồi, khi thị trường đối mặt với sức ép suy giảm nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch 7/11-13/11, giá WTI giảm 3,94% xuống 88,96 USD/thùng giá Brent giảm 2,62% xuống 95,99 USD/thùng.

Dầu thô chịu sức ép điều chỉnh trong các phiên đầu tuần, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng lên mức kỷ lục kể từ tháng 4, đặc biệt Bắc Kinh cũng đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Một loạt quan chức cấp cao lên tiếng ủng hộ và nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách Zero-Covid càng khiến cho thị trường lo ngại rằng các đợt phong tỏa kéo dài và nặng nề giống tình hình của Thượng Hải đầu tháng 4. Ngay cả Báo cáo Triển vọng thị trường năng lượng ngắn hạn cũng cắt giảm dự báo sản lượng dầu thế giới trong năm 2023 từ 100,73 triệu thùng/ngày xuống 100,67 triệu thùng/ngày, do tăng trưởng sản lượng của Mỹ thấp hơn dự báo trước đó, giá cũng không cải thiện nhiều.

Tuy vậy, tâm lý thị trường cải thiện dần sau số liệu Chỉ số giá Tiêu dùng của Mỹ tháng 10, đã khiến cho thị trường kỳ vọng FED có thể bắt đầu giảm tốc quá trình tăng lãi suất. Dollar Index giảm rất mạnh sau dữ liệu này, và hiện đang ở mức 106,29, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Như vậy, rủi ro về suy thoái kinh tế được giảm bớt, trong khi dollar Mỹ giảm cũng khiến cho giá dầu đối với người mua nắm giữ các tiền tệ khác. Việc Trung Quốc nới lỏng một số quy định về cách ly đối với khách du lịch ngay khi số ca nhiễm vẫn đang lên cao cũng hỗ trợ lực mua trong phiên cuối tuần, giúp cho giá phục hồi phần nào.

Triển vọng tích cực của thị trường trong tuần mới

Ngày hôm nay, giá dầu đang được hỗ trợ khi Trung Quốc thay đổi một loạt chính sách liên quan đến bất động sản, như công bố gói giải cứu bao gồm 16 điều khoản nhằm cứu nguy cho lĩnh vực này, ngay trước cuộc gặp giữa người đứng đầu Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thị trường cũng sẽ chờ đợi các dự báo mới từ Báo cáo Thị trường dầu của OPEC hôm nay, đặc biệt là số liệu sản lượng dầu thực tế của các thành viên và đồng minh sau quyết định cắt giảm hạn ngạch 2 triệu thùng/ngày. Giá nhiều khả năng sẽ được hỗ trợ nếu sản lượng của 20 nước tham gia thỏa thuận cho thấy mức giảm ý nghĩa trên 800.000 thùng/ngày. Bản chất, các quốc gia trong nhóm OPEC+ đang sản xuất dưới mức hạn ngạch, trong khi dòng chảy dầu sang các quốc gia châu Á đều đang khá ổn định. Trong trường hợp mức cắt giảm thực tế không quá lớn sẽ khó tạo động lực tăng mạnh cho giá dầu. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn đang còn không chắc chắn, nhất là chưa đầy 1 tháng tới, lệnh giới hạn giá dầu Nga sẽ được thực hiện, có thể sẽ là yếu tố giúp giá dầu phục hồi trong tuần này.

Trong khi đó, việc quốc gia tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc đang có các dấu hiệu nới lỏng kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thị trường hàng hóa có thể sẽ đón nhận lực mua tích cực hơn. Đặc biệt, các mặt hàng trên thị trường kim loại sau một tuần tăng mạnh do sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô nhiều khả năng sẽ tiếp nối đà phục hồi trước kỳ vọng này.