Để đấu tranh với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân ngày càng có diễn biến phức tạp, nhất là phương thức và thủ đoạn của các đối tượng luôn thay đổi và manh động, sẵn sàng chống trả các lực lượng cức năng khi bị phát hiện, bắt giữ; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh nhấn mạnh: Thời gian tới, lực lượng QLTT cả nước cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng như: công an, hải quan, bộ đội biên phòng, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nâng cao ý thức của người dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh an thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài không có giải pháp khắc phục…
Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết: Đây là hội thảo khoa học, vì vậy các đại biểu cần tập trung đánh giá thực trạng những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là ở các địa phương có nhiều cửa khẩu, tuyến biên giới, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới; Từ năm 2014 đến năm 2018, các lực lượng chức năng của Trung ương và các địa phương trong cả nước đã phát hiện xử lý 1.579.340 vụ vi phạm, xử phạt hơn 91 nghìn tỷ, khởi tố hơn 10 nghìn đối tượng;
Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung đến các nội dung như những thách thức và giải pháp đối với lực lượng QLTT trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời kỳ hợp tác đa phương; thực trạng và vướng mắc khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Những thách thức và kiến nghị, giải pháp trong kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số…
Thông qua Hội thảo này sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.