La Nina kéo dài có đưa nông sản lên những đỉnh giá mới vào năm 2022 ?

|

La Nina xuất hiện vào tháng 8/2020 đã gây ra nhiều mô hình thời tiết cực đoan trên khắp thế giới và ảnh hưởng tới mùa vụ nhiều loại cây trồng. Hiện tượng này được dự báo sẽ quay trở lại trong cuối năm nay, đe dọa nguồn cung thị trường nông sản.

La Nina là một hiện tượng thời tiết xuất hiện theo chu kỳ vài năm một lần khi nhiệt độ bề mặt biển thấp hơn bình thường ở Đông và Trung Thái Bình Dương. Hiện tượng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến áp suất khí quyển, lượng mưa và hoàn lưu khí quyển toàn cầu. Ở một số khu vực trên thế giới, lượng mưa sẽ tăng lên, trong khi ở các khu vực khác sẽ phải trải qua tình trạng cực kỳ khô hạn. Và rõ ràng, nông sản là thị trường sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, do khả năng sản xuất nông nghiệp của bất kỳ nước nào cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố về thời tiết.

 

Sau vài tháng theo dõi và dự báo về khả năng xuất hiện của La Nina, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) đã vừa xác nhận sự trở lại của hình thái thời tiết này ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương. Chu kỳ năm nay dự kiến có thể sẽ kéo dài tới giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022.

Thời tiết là yếu tố chính khiến giá nông sản tăng vọt trong năm 2021

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 4/11 cho biết tháng 10 là tháng thứ 3 liên tiếp giá lương thực thế giới tăng và lên mức cao nhất trong 10 năm, do giá ngũ cốc và giá dầu thực vật tăng. La Nina xuất hiện vào cuối năm ngoái chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự lạm phát giá nông sản và làm rung chuyển ngành nông nghiệp toàn cầu.

La Nina đã khiến cho tình trạng khô hạn nghiêm trọng kéo dài ở Brazil, Argentina và một số khu vực của Mỹ, các quốc gia sản xuất nông sản lớn nhất thế giới. Hạn hán chưa từng có trong 91 năm ở Brazil khiến cho sản lượng ngô của nước này bị thiệt hại nặng nề. Trước khi gieo trồng, mọi dự báo đều hướng đến mức sản lượng khoảng 110 triệu tấn. Nhưng ảnh hưởng của La Nina trong năm ngoái đã khiến sản lượng sụt giảm tới gần 30% so với các kỳ vọng ban đầu. Trong Báo cáo cung-cầu nông sản tháng 9, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã điều chỉnh ước tính sản lượng ngô của Brazil xuống còn 87 triệu tấn. Điều này đã đóng góp không nhỏ vào đà tăng phi mã của giá nông sản toàn cầu trong nửa đầu năm nay do quốc gia Nam Mỹ này là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới.

 

Không những gây ra mất mùa mà La Nina còn kéo theo các vấn đề liên quan đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Argentina cũng đã trải qua đợt hạn hán lịch sử làm giảm mực nước của con sông vận chuyển ngũ cốc chính của nước này, khiến cho việc xuất khẩu bị ảnh hưởng. Cụ thể, mực nước thấp khiến cho tải trọng tàu đi từ cảng Rosario (nơi xuất khẩu 80% ngũ cốc của Argentina) giảm 18-25%. Chi phí vận chuyển cũng bị tăng cao khi đậu tương và ngô phải được chuyển đến cảng khác để xuất khẩu.

Giá nông sản sẽ không tăng mạnh như niên vụ trước

Trong 35 năm qua, đã có 3 lần mô hình La Nina xảy ra 2 năm liên tiếp là 2008/09, 2011/12 và 2017/18. Trong thời gian đó, sản lượng ngô và đậu tương tại quốc gia Nam Mỹ này đều đáng thất vọng. Việc La Nina tái xuất hiện trong cuối năm nay sẽ khiến cho các loại cây trồng có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự như trong niên vụ 20/21. Không chỉ Brazil, Argentina cũng sẽ chịu ảnh hưởng không chỉ về sản lượng ngô, đậu tương mà còn cả hoạt động xuất khẩu quan trọng của nước này.

Tuy nhiên, cơ quan Thời tiết Quốc gia Brazil (Inmet) dự báo, mô hình thời tiết La Nina hiện tại không mạnh như năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng mưa đáng kể ở Úc cũng góp phần thúc đẩy sản lượng lúa mì và tác động tích cực đối với an ninh lương thực và giúp hạ nhiệt giá lúa mì trong thời gian qua. Tại Argentina, độ ẩm được cải thiện đáng kể giúp hoạt động gieo trồng ngô vụ 1 diễn ra tương đối thuận lợi và giảm bớt áp lực trong giai đoạn khô hạn sau này. Thời tiết không quá khắc nghiệt đồng nghĩa với việc giá nông sản trong năm 2022 có thể sẽ không tăng mạnh như giai đoạn nửa đầu năm nay.