Đột phá trong đầu tư, quản lý hạ tầng giao thông nhờ chuyển đổi số

|

Hội nghị khoa học về chuyển đối số trong lĩnh vực đầu tư, quản lý hạ tầng giao thông được tổ chức tại Hà Nội ngày 7-10, với sự tham dự của đại diện Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KH-CN và các chuyên gia.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số là vấn đề được Bộ GTVT đặc biệt quan tâm. Một trong những nhiệm vụ mà Bộ GTVT đang thực hiện để đạt được các mục tiêu về chuyển đổi số là thực hiện đề án Xây dựng và Quản lý khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo đề án này, đến năm 2030, ngành giao thông sẽ hoàn thành 100% chuyển đổi số toàn diện các nghiệp vụ của tất cả các đơn vị; hoàn thiện cơ sở dữ liệu lớn, kết nối và chia sẻ giữa các lĩnh vực GTVT, giữa Trung ương và địa phương…

Đặc biệt, đề án sẽ đẩy mạnh việc áp dụng rộng rãi mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình giao thông. Các tổ chức tư vấn thiết kế, đầu tư và các nhà thầu xây dựng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng BIM và các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được khuyến khích.

Đồng thời, mô hình quản lý khai thác và bảo trì các công trình giao thông theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo các hư hỏng công trình… cũng sẽ được nghiên cứu thực hiện.

Tại hội nghị, các chuyên gia, các đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều thông tin về chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải đang được triển khai tại các quốc gia, mang lại những hiệu quả to lớn trong quản lý hạ tầng giao thông.

Theo ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật cảng biển, chuyển đổi số trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng là một xu hướng tất yếu trên thế giới. Các công nghệ kỹ thuật số đã và đang được tích hợp vào các dự án ở các quốc gia phát triển.

Ví dụ, nhờ mô hình BIM 3D, 4D, 5D sử dụng trong suốt quá trình thiết kế và xây dựng, dự án nâng cấp tuyến đường cao tốc Great Eastern (Western Australia) từ 4 làn xe lên 6 làn xe đã tiết kiệm được 14% tổng chi phí và vượt tiến độ 3 tháng.

Với sân bay Changi (Singapore), việc số hóa và áp dụng mô hình thông tin BIM cũng đã tạo ra quy trình làm việc được tối ưu hóa, cho phép lên kế hoạch và thiết kế dù không cần vào sân bay, giúp không làm gián đoạn đến các luồng hành khách liên tục tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đầy đủ về vai trò chuyển đổi số, còn hạn chế trong việc đầu tư để thực hiện chuyển đổi số.

Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật cảng biển (Portcoast) đã tập trung mạnh mẽ vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ số hóa cơ sở hạ tầng. Các nhóm công nghệ mà công ty nghiên cứu đã và đang được áp dụng tại nhiều công trình tại Việt Nam và một số nước khác.

Trong đó, công nghệ khai thác thông tin, vị trí địa lý (Geo-enabled technologies), công nghệ lập bản đồ di động cho phép thu thập khối lượng dữ liệu lớn… trở thành một phần thiết yếu trong công tác khảo sát, quy trình cho việc quản lý vòng đời dự án.

Hệ thống thông tin công trình (BIM) trên điện toán đám mây cho phép truy cập vào dự án cho bất kỳ ai tại mọi vị trí và địa điểm, nâng cao hiệu quả cho công tác thiết kế, thi công và vận hành công trình.

Công nghệ thực tế mở rộng (XR) giúp cải thiện khả năng làm việc cộng tác, chia sẻ thông tin từ công trường đến văn phòng và tăng tốc độ ra quyết định.

Công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twin), áp dụng các công nghệ chuyển đổi số để chuyển đổi dữ liệu từ đối tượng thực thành mô hình bản sao số. Các phân tích, dự đoán hỗ trợ ra quyết định tại nhiều thời điểm trong thế giới thực sẽ được thực hiện trong mô hình ảo.

Tại hội nghị, đại diện Bộ GTVT, Bộ KH-CN cũng đã ghi nhận ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp và khẳng định sẽ quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển, quản lý hạ tầng giao thông trong tương lai gần.