Chi phí đi lại và tính đồng bộ

|

Theo Th.S Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM, bài toán chi phí đi lại và tính đồng bộ, thuận tiện của mạng lưới vận tải hành khách công cộng (cụ thể là tuyến metro số 1 với các tuyến buýt kết nối) là những yếu tố quyết định sự thành công của việc đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nói riêng và toàn hệ thống giao thông công cộng của thành phố nói chung.\r\n

Nếu hành khách sử dụng metro đi từ nhà đến ga mất trung bình 1-2 chuyến xe buýt (giá vé xe buýt từ 3.000-5.000 đồng, tùy chặng, đối tượng) hoặc đi xe máy đến ga và phải tốn xăng, thêm chi phí gửi xe rồi lên metro với tổng chi phí vượt hơn 20.000-30.0000 đồng/ngày/người thì chắc chắn người dân sẽ đi xe cá nhân thay vì sử dụng giao thông công cộng.

Tính sơ bộ, tổng chi phí cho việc đi lại của một người dân đã lên tới gần 1 triệu đồng/tháng; nếu so với mức lương của đại đa số người lao động, công nhân TPHCM (khoảng 10 triệu đồng/người/tháng) thì chi phí này đã chiếm gần 10%. Đây là mức cao so với trung bình của thế giới.

Chưa kể, mức giá này chỉ để trả cho một người sử dụng vận tải công cộng. Nếu một gia đình 4 người với cha mẹ và 2 con (chưa đến tuổi đi làm) thì tỷ lệ chi phí đi lại trong tổng thu nhập còn cao hơn... Do đó, vấn đề hiện nay, thành phố phải đưa ra được mức vé metro hợp lý. Cùng với đó, nên xem xét giá vé xe buýt để tính chung lại, khi người dân thấy rằng đi phương tiện công cộng có lợi hơn thì họ sẽ chọn. 

TPHCM đã có sự chuẩn bị cho việc kết nối hoạt động giữa tuyến metro số 1 với các tuyến xe buýt, đồng hành với việc hình thành các khu dân cư tập trung quanh các nhà ga.

Đây là điều đáng ghi nhận nhưng hiện nay đã là những tháng cuối của năm 2022, thời gian đến hạn không còn nhiều, do đó, hãy triển khai ngay các kế hoạch mà thành phố đã dự trù. Chi phí vận hành metro rất lớn, nên nếu hoạt động trơn tru ngay từ đầu thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.