Kết quả ước lượng khu vực nhỏ thu nhập bình quân đầu người 01 tháng của các quận/huyện theo vùng trên cả nước

|

Kết quả ước lượng khu vực nhỏ thu nhập bình quân đầu người 01 tháng của các quận/huyện theo vùng trên cả nước

Ước lượng khu vực nhỏ sử dụng dữ liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019 và Khảo sát mức sống dân cư 2020 cung cấp ước lượng gián tiếp chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người 01 tháng của 712 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện/quận) của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Mô hình ước lượng khu vực nhỏ thu nhập bình quân được xây dựng cho riêng từng vùng kinh tế, tương ứng 6 vùng là 6 mô hình. Chi tiết nhận định về kết quả ước lượng khu vực nhỏ thu nhập bình quân đầu người 1 tháng theo các vùng kinh tế như sau:
 
Đồng bằng sông Hồng có vị trí địa lý thuộc khu vực hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình vịnh Bắc Bộ, bao gồm 9 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2021, diện tích của vùng là trên 21 nghìn km² (chiếm tỷ lệ 6,4% diện tích cả nước) với mật độ dân số là 1091 người/ km² cao gấp 3 lần mật độ trung bình của cả nước (297 người/ km²). Thu nhập bình quân đầu người/tháng của vùng đồng bằng sông Hồng luôn đứng thứ hai cả nước trong nhiều năm liền, năm 2020, Hà Nội và Bắc Ninh là hai tỉnh có thu nhập cao nhất toàn vùng.
 
Theo ước lượng khu vực nhỏ thu nhập bình quân đầu người cấp huyện/quận, toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng có 130 đơn vị hành chính cấp quận/huyện, trong đó huyện có thu nhập cao nhất là Quận Cầu Giấy, Hà Nội (trung bình 8784,9 nghìn đồng/người/tháng) và huyện có thu nhập thấp nhất là Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (2965,0 nghìn đồng người/tháng).

Hình 01. Thu nhập bình quân đầu người/tháng các quận/huyện Hà Nội

 
Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019

Kết quả ước tính thu nhập của riêng thành phố Hà Nội cho thấy, 3 quận đứng đầu thành phố về thu nhập là Cầu Giấy, Thanh Xuân và Nam Từ Liêm (trên 8,27 triệu đồng/người/tháng) và huyện Mỹ Đức có thu nhập thấp nhất (4,36 triệu đồng/người/tháng). Theo nhiều ý kiến cho rằng Quận Hoàn Kiếm nên là quận có thu nhập bình quân cao nhất, tuy nhiên theo ước tính thì quận chỉ đứng thứ 12/30 quận, huyện của thành phố - thấp hơn cả thu nhập của quận Long Biên.
 
Ước lượng thu nhập bình quân đầu người/tháng các quận, huyện vùng đồng bằng sông Hồng. Có 3 huyện giáp Đông Bắc và 4 huyện giáp Tây Bắc của vùng Đồng bằng sông Hồng có thu nhập trong nhóm thấp (từ 2,9 – 3,7 triệu đồng/người/tháng). Nhóm các huyện có thu nhập thấp tập trung khá đông ở phần phía Nam của vùng, một số huyện thu nhập thấp có chung đặc điểm là nằm sâu trong đất liền và bị bao quanh bởi các huyện khác (không tiếp giáp với biển – một nguồn lợi về thủy sản và du lịch).
 
Hình 02. Thu nhập bình quân đầu người/tháng các huyện
vùng đồng bằng sông Hồng

 
Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019
 
Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm vùng núi Tây Bắc và vùng đồi núi Đông Bắc, trong đó vùng Tây Bắc chủ yếu là núi trung bình và núi cao, còn vùng Đông Bắc chủ yếu là núi trung bình và núi thấp. Vùng bao gồm 14 tỉnh phía Bắc Việt Nam kéo dài từ Hà Giang đến Hòa Bình. Năm 2021, diện tích của vùng là gần 95,2 nghìn km² (chiếm tỷ lệ 28,7% diện tích cả nước), với mật độ dân số là 136 người/km². Đây là vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong cả nước (năm 2020 là 2,75 triệu đồng/người/tháng), Bắc Giang có thu nhập cao nhất trong vùng và Điện Biên thấp nhất. Chênh lệch thu nhập giữa các tỉnh không quá lớn, tỉnh cao nhất hơn tỉnh đứng thứ hai khoảng 100 nghìn đồng/người/tháng.
 
10 huyện có thu nhập cao nhất trong vùng nằm rải rác ở khắp các tỉnh trong vùng và đều là các thành phố của tỉnh. Năm 2020, thành phố Thái Nguyên có mức thu nhập đứng đầu là 5,52 triệu đồng/người/tháng, chênh lệch giữa thành phố đứng thứ nhất và thứ hai là gần 500 nghìn đồng/người/tháng. Các huyện giáp biên giới có thu nhập bình quân thấp, trong khi các huyện/thành phố giáp vùng đồng bằng sồng Hồng lại có thu nhập cao. 5 huyện có mức thu nhập thấp nhất toàn vùng đều nằm ở tỉnh Điện Biên.
 
Hình 03. Thu nhập bình quân đầu người/tháng các huyện
vùng Trung du miền núi phía Bắc

 
Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019
 
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung bao gồm vùng Bắc Trung Bộ bắt đầu của dãy Trường Sơn, có địa hình phức tạp, đại bộ phận lãnh thổ là núi, đồi, hướng ra biển, có độ dốc, nước chảy xiết, thường hay gây lũ lụt bất ngờ. Vùng duyên hải miền Trung thuộc khu vực cận giáp biển gồm đồng bằng ven biển và núi thấp. Đây là vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước hàng năm hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là mưa bão. Vùng gồm 13 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích gần 96 nghìn km² (chiếm tỷ lệ 28,9% diện tích cả nước) với mật độ dân số là 215 người/ km².
 
Năm 2020 thu nhập bình quân của vùng là 3,4 triệu đồng/người/tháng, thành phố Đà Nẵng có thu nhập cao nhất trung bình 5,2 triệu đồng/người/tháng so với Quảng Nam thấp nhất 2,85 triệu đồng/người/tháng. 10 quận/huyện đứng đầu toàn vùng thì có 6 quận thuộc thành phố Đà Nẵng và 4 thành phố còn lại thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.
 
Bảng 01. 10 quận/thành phố có thu nhập cao nhất
vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

 
ĐV: 1.000 đồng
 
Tên Huyện/ Quận Thu nhập bình quân Xếp hạng trong vùng
Quận Hải Châu 6581.3 1
Quận Cẩm Lệ 6431.4 2
Quận Ngũ Hành Sơn 6352.8 3
Quận Thanh Khê 6281.7 4
Quận Sơn Trà 6213.1 5
Quận Liên Chiểu 5826.1 6
Thành phố Hà Tĩnh 5181.1 7
Thành phố Vinh 4935.8 8
Thành phố Thanh Hóa 4921.8 9
Thị xã Bỉm Sơn 4841.2 10
Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019

Tây Nguyên là khu vực với địa hình cao nguyên thuộc miền Trung Việt Nam, với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ Bazan ở độ cao khoảng 500 m đến 600 m so với mặt biển. Vùng gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Diện tích vùng gần 55 nghìn km² (chiếm tỷ lệ 16,5% diện tích cả nước) với mật độ dân số là 111 người/ km². Thu nhập bình quân của vùng Tây Nguyên thấp thứ hai trong cả nước (sau vùng Trung du miền núi phía Bắc), năm 2020 thu nhập của vùng là 2,8 triệu đồng/người-tháng.

Hình 04. Thu nhập bình quân đầu người/tháng các huyện vùng Tây Nguyên

Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019

Các huyện có thu nhập thấp tập trung ở phần phía nam của vùng, còn đa phần các huyện có thu nhập cao ở phần phía Bắc. Lâm Đồng là tỉnh có thu nhập cao nhất toàn vùng (trung bình 3,7 triệu đồng/người/tháng năm 2020), hai thành phố có thu nhập cao nhất toàn vùng là Đà Lạt (5 triệu đồng) và Bảo Lộc (4,6 triệu đồng). Huyện Đắk Glei và Huyện Tu Mơ Rông thuộc Kon Tum có mức thu nhập thấp nhất vùng (lần lượt là 1,3 triệu đồng và 953 nghìn đồng).

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất trong cả nước, cũng dễ hiểu vì nơi đây có thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (Bình Dương, Đồng Nai). Vùng Đông Nam Bộ có dân số đông thứ hai cả nước (sau đồng bằng sông Hồng), diện tích trên 23,5 nghìn km² (chiếm tỷ lệ 7,1% diện tích cả nước) với mật độ dân số là 778 người/ km². Nhiều năm liền, vùng Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân cao nhất trong cả nước, tuy hai năm 2020 và 2021 thu nhập có giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2020 là 6 triệu và 2021 là 5,8 triệu đồng/người/tháng).

Tỉnh Bình Dương có thu nhập cao nhất trong vùng (7 triệu đồng/người-tháng), đứng thứ hai là thành phố Hồ Chí Minh (6,5 triệu đồng/người/tháng). Nhìn vào cơ cấu thu nhập của Bình Dương, thu từ tiền lương và tiền công chiếm tới 71%, còn lại 29% là thu từ các hoạt động nông, lâm, nghiệp, thủy sản và phi nông, lâm nghiệp, thủy sản. Bình Dương là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp và lao động làm thuê, do vậy thu nhập chủ yếu là từ nguồn tiền công tiền lương. Tại Bình Dương, thành phố Thuận An, Thủ Dầu Một và Dĩ an có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt trên 7,5 triệu/người/tháng; thấp nhất là huyên Phú Giáo và Dầu Tiếng với mức thu nhập bình quân khoảng 5,6 triệu đồng/người/tháng/

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực nam của Việt Nam, có 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh. Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích gần 41 nghìn km² (chiếm 12,4% diện tích cả nước) và có tổng dân số là 17422,62 nghìn người (2021), mật độ dân số của vùng năm 2021 là 426 người/ km².

Thu nhập bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 là 3,87 triệu đồng/người/tháng, thành phố Cần Thơ có thu nhập cao nhất hơn 5 triệu đồng/người/tháng, xếp thứ hai và thứ ba là Tiền Giang và Kiên Giang (4,5 và 4,4 triệu đồng/người/tháng).

Hình 05. Thu nhập bình quân đầu người/tháng các huyện 
vùng Đồng bằng sông Cửu Long


Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019

Ước lượng thu nhập bình quân cấp huyện cho xếp hạng một là quận Ninh Kiểu, Cần Thơ và hạng hai là thành phố Tân An, Long An với mức thu nhập lần lượt là 5,9 và 5,5 triệu đồng/người-tháng. Các huyện thu nhập cao nằm tập trung ở phía đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Như vậy, tuy Cần Thơ là tỉnh có thu nhập cao nhất nhưng không tập trung nhiều huyện có thu nhập thuộc nhóm cao nhất. Chênh lệch thu nhập của các huyện/quận trong thành phố Cần Thơ khá lớn. Thu nhập bình quân của quận Ninh Kiều đứng đầu cả vùng, trong khi đó quận Ô Môn là thứ 30/134 huyện/quận toàn vùng và huyện Thới Lai đứng thứ 74/134. Có thể nói, phân bố thu nhập của thành phố Cần Thơ chênh lệch rất lớn, quận cao nhất hơn huyện thấp nhất tới 2,3 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn chung, kết quả ước lượng khu vực nhỏ toàn bộ quận/huyện trên toàn quốc cho thấy sự chênh lệch không nhỏ giữa quận có thu nhập cao nhất (8,8 triệu đồng/người/tháng) và huyện có thu nhập thấp nhất (842 nghìn đồng/người/tháng).

Những quận huyện có mức thu nhập cao nhất trên cả nước (từ 4,4 đến 8,8 triệu đồng/người/tháng) tập trung ở vùng phía đông thuộc đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, một số huyện rải rác ở giáp bờ biển Đông. Quận Cầu Giấy đứng đầu về thu nhập bình quân trong 712 huyện/quận trên cả nước (gần 8,8 triệu đồng/người/tháng); nhóm các quận (thành phố thuộc tỉnh) có thu nhập cao nhất cả nước tập trung ở 3 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh.

Trung du miền núi phía Bắc có thu nhập thấp nhất trong 6 vùng kinh tế nhưng phân bố thu nhập lại không đồng đều giữa huyện/quận cao nhất và thấp nhất là 6,6 lần. Đồng bằng sông Cửu Long có mức phân bố thu nhập giữa các huyện tương đối đồng đều, khoảng cách giữa huyện cao nhất và thấp nhất là 2,3 lần. Trị giá tuyệt đối chênh lệch thu nhập của vùng đồng bằng sông Hồng cao nhất, đạt tới 5,82 triệu đồng/người/tháng, tuy nhiên do mặt bằng chung mức thu nhập cao nên huyện cao nhất gấp 3 lần huyện thấp nhất.

Các huyện có thu nhập thuộc nhóm thấp nhất (từ 842 nghìn đến 2,5 triệu đồng/người/tháng) nằm chủ yếu ở vùng phía Tây, giáp các tỉnh biên giới và sâu trong lục địa (như khu vực Trung du miền núi phía Bắc và dọc phần sườn tây đất nước). Ba huyện có thu nhập thấp nhất trong cả nước đều thuộc tỉnh Điện Biên, huyện Mường Nhé thấp nhất (842 nghìn đồng/người/tháng)./.

Bảng 03. Kết quả ước lượng khu vực nhỏ 10 quận/huyện
thu nhập cao nhất và thấp nhất cả nước

Đơn vị tính: 1000 đồng

10 Huyện thu nhập thấp nhất

 

10 Quận/thành phố trực thuộc tỉnh thu nhập cao nhất

Tỉnh

Huyện

Thu nhập bình quân

 

Thành phố

Quận/TP

Thu nhập bình quân

Điện Biên

 Mường Nhé

842

 

Hà Nội

 Cầu Giấy

8784.9

Điện Biên

 Nậm Pồ

850.3

 

Hà Nội

 Thanh Xuân

8357.6

Điện Biên

 Điện Biên Đông

886.4

 

Hà Nội

 Nam Từ Liêm

8277

Kon Tum

 Tu Mơ Rông

953.6

 

Hà Nội

 Bắc Từ Liêm

8120.1

Điện Biên

 Tủa Chùa

963.2

 

Bình Dương

 Thuận An

7942

Điện Biên

 Mường Chà

997.6

 

TP. Hồ Chí Minh

 Bình Thạnh

7939.2

Lai Châu

 Sìn Hồ

1012.5

 

Hà Nội

 Hoàng Mai

7934.5

Sơn La

 Thuận Châu

1079.9

 

Bình Dương

 Thủ Dầu Một

7733.3

Sơn La

 Vân Hồ

1089.9

 

Bình Dương

 Dĩ An

7717.6

Sơn La

 Bắc Yên

1121.8

 

TP. Hồ Chí Minh

 Thủ Đức

7714.4

Nguồn: Ước lượng khu vực nhỏ từ Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2019


ThS. Tô Thúy Hạnh

Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường - TCTK