Huyện Phú Lương: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

|

Huyện Phú Lương: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân

Với hướng đi và các giải pháp linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo điều hành, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn (2021-2022) của huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đều đạt và vượt kế hoạch: Nhiều lĩnh vực có những chuyển biến rõ nét; kinh tế tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện từng bước được hoàn thiện. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, thực hiện tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.
 
Đồng chí Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương
 
Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 1.320,8 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 4,4% (vượt 0,8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV); giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 112,9 triệu đồng/ha (vượt 5,9 triệu đồng so với Nghị quyết); hằng năm bình quân trồng mới và trồng lại 116,6 ha chè (vượt 66,6 ha so với Nghị quyết), 673,6 ha rừng (vượt 173,6 ha so với Nghị quyết); ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng 41,23% trở lên. Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN địa phương tăng bình quân hằng năm 8,4% (vượt 0,1% so với Nghị quyết). Thu cân đối ngân sách huyện (trừ thu tiền sử dụng đất và các yếu tố đột biến) tăng bình quân hằng năm 16,3% (vượt 6,3% so với Nghị quyết).
 

Trải nghiệm hái chè với người dân sẽ là hoạt động được đưa vào các chuyến tham quan của du khách
tại Phú Lương

 
Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của Huyện là việc triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng chuỗi giá trị. Đặc biệt việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của Huyện gắn với thực hiện 05 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình là phát triển cây chè (cây trồng chủ lực của địa phương). Đến nay, toàn huyện có 4.136,1 ha chè; sản lượng ước đạt 45.200 tấn; diện tích được cấp chứng nhận mới, chứng nhận lại theo tiêu chuẩn VietGAP lũy kế đến năm 2023 đạt 1.127,7 ha; diện tích được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ là 20 ha, có 12 sản phẩm chè được công nhận OCOP 3 sao trở lên, sản phẩm chè của Phú Lương bước đầu đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới.
 

Bánh chưng Bờ Đậu là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Phú Lương. Ảnh: Kiều Hải
 
Sản phẩm Gạo nếp Vải Phú Lương cũng được chú trọng mở rộng diện tích và ngày càng được nâng cao giá trị. Đến năm 2023 toàn huyện có 180 ha lúa nếp vải đặc sản. Trong đó, diện tích lúa nếp vải được hỗ trợ chứng nhận VietGAP là 76 ha. Năm 2022, sản phẩm Gạo Nếp vải Ôn Lương được công nhận OCOP 3 sao. Trong chăn nuôi nhờ thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, chăn nuôi nhỏ lẻ đã dần được thay thế bằng quy mô trang trại, liên kết tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định, bền vững. Đàn lợn, đàn gà của Huyện tiếp tục phát triển ổn định, quy mô sản xuất trang trại tập trung chiếm 53,5% tổng đàn. Chăn nuôi lợn, gà an toàn thực phẩm chiếm 56,08% so với tổng đàn.
 

Người dân tộc Sán Chay trình diễn hát Sấng Cọ tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng xóm Đồng Tâm,
xã Tức Tranh

 
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được nâng cấp, đầu tư theo quy hoạch; kinh tế nông thôn từng bước đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy lợi thế địa phương. Đến nay, toàn Huyện có 12/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 92,3%; trong đó có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 15,4%); 26/194 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu đạt 13,4%; 01 xóm nông thôn mới thông minh; 16 sản phẩm đạt OCOP đạt 3 sao trở lên; huyện Phú Lương đã đạt 2/9 tiêu chí (21/36 chỉ tiêu) theo Bộ tiêu chí Quốc gia huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
 
100% trục xóm và đường liên xóm thuộc các xóm đạt nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện
Phú Lương đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa

 
Việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án đảm bảo đồng bộ, đúng kế hoạch đề ra, có sự lồng ghép, phát huy hiệu quả các nguồn lực. Công tác thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ được tăng cường; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án lớn cơ bản đạt tiến độ đề ra; Lĩnh vực thu hút đầu tư cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Đáng chú ý là huyện đã phối hợp với nhà đầu tư tích cực triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Lạc; đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục pháp lý để thành lập Cụm công nghiệp Yên Ninh; đồng thời đề xuất đưa vào quy hoạch của tỉnh một số cụm công nghiệp mới trên địa bàn Huyện…
 

Huyện Phú Lương trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại VINCOM PLAZA,
thành phố Thái Nguyên

 
Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Phú Lương đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng chỉ tiêu cụ thể. Nhanh chóng hoàn thành nội dung được đề ra trong Nghị quyết: Phấn đấu xây dựng huyện Phú Lương phát triển nhanh, bền vững, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.
Trọng Nghĩa