Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

|

Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Thái Nguyên là tỉnh trung du, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nhưng nhiều năm qua tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Để hỗ trợ người dân, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
 

Nhiều hoạt động để triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Các cấp uỷ, tổ chức đảng luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện; ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo; hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có mức sống trung bình, khá giả, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội  tỉnh Thái Nguyên

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh được nâng cao, số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 14.624 hộ nghèo, tỷ lệ 4,35% (giảm 5.971 hộ, với tỷ lệ giảm là 1,79%, vượt 0,79% so với kế hoạch giao, cao hơn trung bình tỷ lệ giảm toàn quốc là 1,2%).
 
Có được những kết quả này là do tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, xóa nghèo đa chiều. Cụ thể, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh còn chú trọng tới việc hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Cây chè - một trong những loại cây "đặc sản" giúp giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên

Thực tế cho thấy, Thái Nguyên đã thực hiện tốt nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo như: 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tỉnh hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người hộ cận nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số và người nghèo; trợ cấp xã hội cho học sinh vùng khó khăn; hỗ trợ về nhà ở cho 1.238  hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo việc làm mới cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 là: 33.173 triệu đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương thực hiện các chính sách trợ giúp, hỗ trợ chung đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn: 1.268.296 triệu đồng.

Mô hình trồng chè hữu cơ đã giúp hàng nghìn hộ nghèo tỉnh Thái Nguyên thoát nghèo bền vững

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các địa phương, cơ sở tiếp tục duy trì các mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
 
Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chuẩn, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 16/6/2022 của HĐND tỉnh). Đồng thời, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh).

Mô hình chăn nuôi gà Mông của gia đình chị Triệu Thị Sen, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, 
đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo

Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trực tuyến. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành nhập dữ liệu 20.595 hộ nghèo và 16.203 hộ cận nghèo đầu kỳ chuẩn mới giai đoạn 2022-2025, đồng thời in cấp giấy chứng nhận cho 36.798 hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm căn cứ thực hiện quyền lợi hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
 
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung, công tác giảm nghèo tại Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn như các chỉ số thiếu hụt của các hộ gia đình nghèo trong giai đoạn đầu kỳ của chương trình còn cao, cần có sự đầu tư lớn của Nhà nước; điều kiện kinh tế của một bộ phận dân cư trên địa bàn chưa cao, dễ bị tổn thương và rơi vào hộ nghèo khi có các biến cố xảy ra. Kết quả rà soát cuối năm 2022 có 282 hộ nghèo và 664 hộ cận nghèo phát sinh do gặp khó khăn đột xuất.

Thành viên HTX bò Mông số 11, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chăm sóc bò 3B thương phẩm để nâng cao thu nhập

Bên cạnh đó, số hộ nghèo phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, xã khó khăn của tỉnh; Công tác kiểm tra, giám sát tuy đã được quan tâm, song chưa thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình triển khai từ khâu rà soát, đánh giá lập danh sách hộ nghèo, xác định nguyên nhân, xác định nhu cầu, lập kế hoạch trợ giúp và tổ chức thực hiện…

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo, ngày 27/4/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực 
thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu giảm 4.711 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó hộ nghèo là 3.365 hộ và hộ cận nghèo là 1.346 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng ít nhất 20 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động có việc làm bền vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trao quà
cùng 5 triệu đồng trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thái Nguyên cho gia đình cháu Đoàn Xuân Phúc
bị bệnh hiểm nghèo trú tại tổ 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên
 

Tỉnh Thái Nguyên cũng đặt mục tiêu 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo. Tỉnh quyết tâm thực hiện công tác giảm nghèo một cách bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Trọng Nghĩa