Được ví như là “mạch máu” của nền kinh tế, những năm qua, hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều chương trình đồng hành, chia sẻ hỗ trợ doanh nghiệp, cùng khách hàng vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sau đại dịch. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã chú trọng đầu tư tầng, ứng dụng công nghệ CNTT vào các hoạt động và đa dạng hóa các dịch vụ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.
Đồng chí Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ
Theo ông Phạm Trường Giang - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất; đẩy mạnh huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân, đi đôi với đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng; tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, thực hiện tốt chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn… qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 74.210 tỷ đồng, tăng 3.494 tỷ đồng (tương đương 4,9%) so với cuối năm 2021, đạt 90,3% kế hoạch năm 2022. Tổng dư nợ cho vay đạt 89.201 tỷ đồng, tăng 7.509 tỷ đồng (tương đương 9,2%) so với cuối năm 2021, đạt 95% kế hoạch năm 2022. Cơ cấu tín dụng hợp lý, được đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, chương trình kinh tế trọng điểm, các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh Phú Thọ, trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 28.823 tỷ đồng, chiếm 33%/tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, tăng 18,3% so với cuối năm 2021. Chất lượng tín dụng duy trì ở mức tốt, nợ xấu ở mức thấp và nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai các dịch vụ
thanh toán trực tuyến mang lại nhiều tiện lợi cho khách hàng.
Trong ảnh: Người dân sử dụng mã QR để thanh toán phí giải quyết
thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản giải ngân mới; tranh thủ nguồn vốn ngân hàng cấp trên, triển khai các chương trình giảm lãi suất, miễn giảm phí dịch vụ; từng bước thực hiện đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng năm 2022 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.666 tỷ đồng (của 1.139 khách hàng). Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 290 tỷ đồng (của 647 khách hàng). Số tiền miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 1.856 tỷ đồng (của 414 khách hàng).
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động, đẩy mạnh phát triển mạng lưới hoạt động, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tín dụng. Đến nay, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có 21 chi nhánh ngân hàng (loại I), 14 chi nhánh loại II thuộc hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, 128 phòng giao dịch và 225 điểm giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội; 01 tổ chức tài chính vi mô được NHNN Việt Nam cấp phép; Bảo hiểm tiền gửi khu vực Tây Bắc bộ, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Công thương; đặc biệt có 39 Quỹ tín dụng nhân dân và 16 phòng giao dịch trực thuộc hoạt động trên địa bàn 77 xã, phường, thị trấn.
Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng trên địa bàn đã tiên phong thực hiện việc chuyển đổi số, tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ; tập trung phát triển ngân hàng số, thanh toán số đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, đến nay gần 100% các doanh nghiệp nộp thuế điện tử và các khoản phí, lệ phí, điện, nước và các khoản phí khác cũng được thực hiện qua hệ thống ngân hàng; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh vị trí và đầu tư mở rộng địa điểm cung cấp dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả, đến nay tổng số có 1007 máy POS, có 173 máy ATM. Trên địa bàn hiện nay đã lặp đặt được 09 máy gửi, rút tiền tự động (AutoBank) và hệ sinh thái số Onebank của Chi nhánh NH Nam Á.
Không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh doanh, các ngân hàng trên địa bàn tham gia tích cực hoạt động xã hội
Để có hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động và cạnh tranh một cách lành mạnh, đồng thời đảm bảo tính an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Phú Thọ tổ chức giám sát các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tuân thủ quy định về an toàn trong hoạt động; giám sát chặt chẽ tình trạng các chương trình, dự án, doanh nghiệp có vấn đề; kết quả xử lý nợ xấu, việc tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ngân hàng Nhà nước CN tỉnh Phú Thọ đã cảnh báo các ngân hàng, tổ chức tín dụng về hiện tượng “bong bóng” đầu tư kinh doanh bất động sản, hoa lan; cảnh báo về nguy cơ, rủi ro khi tham gia sàn giao dịch điện tử; cảnh báo về loại hình tội phạm liên quan đến vụ án Hồ sơ “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”; cảnh báo hiện tượng sử dụng báo cáo kiểm toán giả, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả; sử dụng các công ty “ma” để hợp thức việc mua bán hàng hóa thông qua các hợp đồng kinh tế, sau đó làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Hàng năm thực hiện giám sát đối với 60 đầu mối tổ chức tín dụng, giám sát đối với 01 chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô, 03 chương trình, dự án tài chính vi mô.
Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước CN tỉnh Phú Thọ cũng chú trọng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng đảm bảo an toàn, kỷ cương, kỷ luật. Từ năm 2019 đến nay Ngân hàng nhà nước CN tỉnh Phú Thọ đã thực hiện 106 cuộc thanh tra, cuộc kiểm tra (trong đó thanh tra, kiểm tra ngân hàng 36 cuộc, Qũy tín dụng nhân dân 70 cuộc). Qua công tác kiểm tra, giám sát đã có 405 kiến nghị chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Mặt khác, Ngân hàng nhà nước CN tỉnh Phú Thọ còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy trong công tác xử lý, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trên địa bàn; chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự khi thu giữ tài sản đảm bảo.
Thanh Hà