Những kết quả nổi bật trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Ngay từ năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao thu nhập cho hộ nông dân thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tăng quy mô hộ sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các tác nhân, nhất là giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân (hay các Hợp tác xã, tổ nhóm).
Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình kiểm tra công tác
phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa tại huyện Hưng Hà
Theo đó, trên cơ sở thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và các Chương trình, kế hoạch đã đề ra trong thời gian qua, nông nghiệp Thái Bình đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước đạt 2,5%/năm (đạt mục tiêu Đề án giai đoạn này đề ra). Năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 2,5% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, đã hình thành các mô hình tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản là 20.330,7 ha, trong đó có 9.276,7 ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đạt 11.054,03 ha đất tập trung theo hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ giữa Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Kết quả đến hết năm 2021, đã cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất; 80% khâu thu hoạch, 11,8% khâu gieo cấy, góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp của người nông dân từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, giải quyết khan hiếm lao động lúc mùa vụ, rút được phần lớn lao động nông thôn chuyển sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao có diện tích 1,7 mẫu tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà
cho thu nhập 600 triệu đồng/năm
Về kết quả thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp: Đến thời điểm 31/12/2020, đã có 373 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 7,6% tổng doanh nghiệp toàn tỉnh. Tiếp tục thu hút một số doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với những dự án có quy mô diện tích lớn, tổng mức đầu tư cao mà điển hình là Dự án đầu tư trồng rau xuất khẩu của Tập đoàn TH; Dự án nuôi Tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco…
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện và theo hướng sản xuất hàng hóa
Về trồng trọt: Tổng diện tích lúa cả năm 2021 đạt 153.196 ha, năng suất lúa cả năm đạt 131 tạ/ha, tổng sản lượng thóc đạt gần 1 triệu tấn. Diện tích cấy các giống lúa chất lượng cao tăng dần, đến năm 2021, diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng cao cả năm chiếm hơn 39,1% diện tích gieo cấy, cao hơn 30% so với năm 2015. Diện tích sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn, thực hành nông nghiệp tốt tăng dần theo từng năm (năm 2021 đạt 75.000 ha, trong đó lúa đạt 60.000 ha, rau màu đạt 15.000 ha). Diện tích gieo trồng rau tăng nhanh từ 38.242 ha năm 2016 lên 42.346 năm 2021. Đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa HTX với các doanh nghiệp, tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống diện tích 270 ha/năm của HTX Đông Quý, huyện Tiền Hải; mô hình tập trung ruộng đất sản xuất quy mô lớn, ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của HTX SXKD DV nông nghiệp Bình Định, huyện Kiến Xương; mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây màu giá trị kinh tế cao, diện tích trên 300 ha của HTX dịch vụ nông nghiệp Điệp Nông, huyện Hưng Hà,... Hầu hết các mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt năm 2021 đạt 176,41 triệu đồng/ha (tăng 53,67 triệu đồng/ha so với năm 2015).
Vịt biển ở xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải - Sản phẩm OCOP tiêu biểu
Về chăn nuôi: Phát triển khá mạnh theo hình thức gia trại và trang trại quy mô lớn, phương pháp công nghiệp và công nghệ hiện đại. Năm 2021, toàn tỉnh có 2.390 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo quy định của Luật Chăn nuôi. Tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết tiếp tục được hình thành và phát triển; toàn tỉnh hiện có: 01 hiệp hội, 05 Hợp tác xã, 09 Tổ hợp tác chăn nuôi, 05 doanh nghiệp thực hiện liên kết với gần 49 chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với trên 13.000 lợn nái, trên 100.000 lợn thịt, lợn con, trên 240 nghìn con gia cầm (Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi Mavin, Công ty TNHH CJ Việt Nam; Tập đoàn Hòa Phát). Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi VietGAHP được tuyên truyền, nhân rộng áp dụng rộng rãi.
Về thủy sản: Tiếp tục phát huy thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh ven biển. Trong nuôi trồng, đã phát triển nuôi trên nước mặn, nước lợ, nước ngọt và phát triển nuôi cá lồng trên sông. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 14.696 ha, có 633 lồng nuôi cá/69.318 m3; đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong và ngoài tỉnh. Giá trị sản phẩm trên 1 ha mặt nước nuôi trồng năm 2021 đạt 265,41 triệu đồng/ha (tăng 60,12 triệu đồng/ha). Khai thác thủy sản phát triển theo hướng hiện đại, tăng cường khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để xây dựng nghề cá phát triển bền vững. Toàn tỉnh hiện có 724 tàu cá đã đăng ký khai thác đánh bắt (công suất 137.377 CV). Số tàu đã lắp máy giám sát hành trình là 174/185 tàu, đạt 94,0%. Xây dựng nghề cá phát triển bền vững, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền bển đảo Quốc gia.
Mô hình nuôi tôm tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Thực hiện thành công Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP
Phát huy thành quả đạt được của hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Thái Bình nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 11/02/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng tập trung hoàn thiện các tiêu chí NTM theo Bộ Tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Đồng chí Vũ Mạnh Thía – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra mô hình sản xuất nấm
ứng dụng tưới thông minh có bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Lập, huyện Vũ Thư
Đến nay, phong trào thi đua xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng, nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phát triển khá đồng bộ: Hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, khu xử lý rác thải tập trung, hạ tầng thương mại nông thôn,... được đầu tư hoàn thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng cao; chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá được nâng lên; các thiết chế văn hoá ở cơ sở được tăng cường, văn hoá truyền thống được khôi phục và phát huy; quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Tính đến hết tháng 6/2022, tỉnh Thái Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7 huyện và thành phố Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM; có 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến hết năm nay sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 64 sản phẩm OCOP (có 32 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao; trong đó: Năm 2020 có 17 sản phẩm đạt 4 sao; năm 2021 có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thái Bình có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 01 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.
Mô hình nuôi ong hữu cơ cho lượng mật hoàn toàn tự nhiên tại huyện Thái Thụy
Trong thời gian tới, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn, đòi hỏi tỉnh Thái Bình cần tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, trong đó, sản xuất nông nghiệp thông minh giữ vai trò chủ đạo để từng bước đưa nông thôn trở thành các vùng quê đáng sống.
Theo đó, Thái Bình cần tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thương mại, dịch vụ theo hướng liên kết, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Tổ chức thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất, làm cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới, các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chú trọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh công tác dạy nghề, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho lao động nông thôn... để phát triển lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề, lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
Động thổ dự án nhà máy chế biến thực phẩm sạch do Tập đoàn TH đầu tư tại huyện Quỳnh Phụ
Bên cạnh đó, Thái Bình cần tiếp tục nâng cao năng lực dự tính, dự báo thị trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo và phân tích thị trường nông sản trong nước và quốc tế; phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh, kết nối thị trường nông sản của tỉnh với chuỗi cung ứng nông sản toàn quốc; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh và đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, trước hết là các thương hiệu gạo chất lượng cao (Nếp làng Keo, gạo thơm Thái Bình, gạo Japonica), lúa giống, mít giai vàng, hồng xiêm, hành, tỏi, lợn thịt, lợn sữa, gà lông màu bán chăn thả...; xây dựng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh./.
Nguyễn Mạnh Khương
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Bình