Yên Thế phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

|

Yên Thế phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội

Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, những năm qua, Huyện đã triển khai nhiều giải pháp, khai thác hiệu quả lợi thế này để phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2016 -2020, nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đã được huyện Yên Thế triển khai. Trong đó nổi bật là việc Huyện đã xây dựng và thực hiện 03 đề án phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với sản phẩm mũi nhọn, chủ lực như: Đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững giai đoạn 2016 – 2020; Đề án nâng cao chất lượng sản xuất chè hàng hóa giai đoạn 2016-2020 và Đề án Phát triển đàn dê thương phẩm, gắn với xây dựng Nhãn hiệu Chứng nhận Dê Yên Thế giai đoạn 2019 – 2020. Bên cạnh đó, Huyện triển khai, lồng ghép linh hoạt các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh để phù hợp với các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp của Huyện. Đặc biệt, huyện Yên Thế luôn chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, khuyến khích phát triển các HTX, Tổ hợp tác để làm cơ sở xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

 


Trồng rừng ở Yên Thế mang lại thu nhập cao giúp người dân ổn định đời sống 
 
Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thế tăng bình quân 3,3%/ năm. Năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thế đạt trên 3.800 tỷ đồng; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi (năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 65%); chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính; giá trị sản xuất trên 01ha đất nông nghiệp (cây hằng năm) đạt 80 triệu đồng (tăng 25 triệu đồng so với năm 2015). Trên địa bàn Huyện hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, đặc trưng của địa phương như: Vùng chăn nuôi gà, vùng trồng rừng kinh tế, vùng trồng chè, vùng trồng cây ăn quả. Đặc biệt, thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”, “Chè Bản ven” và “Mật ong hoa rừng” đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn sử dụng. Kinh tế rừng mang lại thu nhập cao, giúp ổn định đời sống cho nhân dân.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Yên Thế luôn ở mức khá, trong đó nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, giúp Yên Thế thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Theo đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của Huyện được tăng cường, từ năm 2017 đến năm 2020, huyện Yên Thế đã cứng hóa được 617km đường GTNT; nâng tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa lên trên 85%; Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại và chuẩn hoá, toàn Huyện có 58/61 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 95,1%, chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được duy trì và từng bước nâng cao. Đến nay trên địa bàn toàn Huyện đã có 06 xã (An Thượng, Đồng Tâm, Xuân Lương, Hương Vĩ, Hồng Kỳ, Đồng Lạc) đạt chuẩn xã NTM, trong đó có 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (An Thượng, Đồng Tâm); 36 thôn đạt chuẩn thôn NTM và NTM nâng cao.

 


Người dân thôn Tân Vân xã An Thượng vui mừng khấn khởi khi quê hương ngày thêm đổi mới
 
Bên cạnh đó, huyện Yên Thế đã thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách an sinh xã hội đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%, tăng 18,1% so với năm 2015; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99%. Đáng chú ý, Yên Thế đã tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn nên không để xảy ra dịch bệnh lớn, đặc biệt trong đó là tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.  Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt kết quả tích cực. Hằng năm tỷ lệ gia đình, thôn, bản, phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá đạt kế hoạch đề ra. Quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.
Nhận định dư địa cho phát triển nông nghiệp còn rất lớn và nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội nên huyện Yên Thế đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Đề án tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực như: gà đồi, Rừng kinh tế, gia súc lớn và cây ăn quả mà trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi; xây dựng thành công vùng sản xuất Gà đồi an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu cát sơn; nâng cao chất lượng rừng kinh tế theo hướng phát triển rừng gỗ lớn; phát triển vùng sản xuất vải thiều.. hướng đến xuất khẩu.

 


Mô hình nuôi gà đồi tiếp tục được huyện Yên Thế khuyến khích phát triển trong giai đoạn 2021-2025
 
Song song với đó, huyên Yên Thế cũng đang tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện công bố rộng rãi, đầy đủ và kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp; các đề án phát triển ngành, lĩnh vực; danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đồng thời tạo môi trường đầu tư thân thiện, bình đẳng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất trên địa bàn Huyện.

Hiện nay tỉnh Bắc Giang đang triển khai các dự án lớn về giao thông trên địa bàn huyện Yên Thế như: Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh lộ 292 (đoạn từ đầu cầu Bố Hạ đến thị trấn Phồn Xương); dự án cải tạo Quốc lộ 17 (đoạn từ thị trấn Nhã Nam đến thị trấn Phồn Xương); dự án Đường nối Quốc lộ 37-QL17- Võ Nhai (Thái Nguyên). Các dự án giao thông này sẽ giúp mở rộng không gian phát triển và tăng cường kết nối giao thông cho Huyện, taọ điều kiện thuận lợi để Yên Thế tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội bứt phá, toàn diện trong thời gian tới.
Thành Nam