Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp (hay còn gọi là chùa Phổ Minh) được xây dựng từ năm 1695 là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả ba đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là Kinh đàn (Thiêu hương) và 2 gian tả hữu.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả ba đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là Kinh đàn (Thiêu hương) và 2 gian tả hữu.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Trong đó, đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang. Cung Trùng Quang là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường được xây vào năm 1894, là nơi đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Đền Trùng Hoa mới được xây dựng từ năm 2000, xưa kia đây là nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị Thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm.
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư “xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc khu Di tích lịch sử - văn hóa thời Trần” với tổng mức đầu tư 734,03 tỷ đồng.
Dự án có tổng diện tích 92,5 ha, gồm ba phân khu công trình chính: Khu công viên văn hóa Trần; khu trung tâm lễ hội; khu đệm, dịch vụ, hệ thống đường giao thông kết nối các phân khu, giao thông nội bộ, công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật chung và hệ thống chiếu sáng. Dự án hoàn thành sẽ hình thành điểm du lịch đặc sắc cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa thời Trần, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và phù hợp mong muốn của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh còn là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hàng năm, tại di tích diễn ra một số kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang ý nghĩa. Để hoạt động của khu di tích lịch sử ngày càng chuyên nghiệp, văn minh, đặc biệt trong thời gian diễn ra các lễ hội, Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp tích cực phối hợp với UBND phường Lộc Vượng, các cơ quan, ban ngành liên quan, tổ chức và duy trì các hoạt động lễ hội một cách văn minh nhằm tạo nên phần “hồn” cho hoạt động du lịch. Trong những năm qua, theo đánh giá của các cơ quan chức năng và nhân dân, việc triển khai lễ hội đền Trần đảm bảo đúng Luật Di sản văn hóa. Các hoạt động phần lễ gồm: Lễ Rước nước tế cá, lễ Rước kiệu Ngọc Lộ, lễ Khai ấn, lễ kỷ niệm ngày hóa Đức Thánh Trần, lễ kỷ niệm ngày hóa Phật hoàng Trần Nhân Tông đảm bảo trang trọng đúng với nghi lễ truyền thống, đẹp về hình thức trang trí, tuyệt đối an toàn về người và tài sản công.
Về phần hội, nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo đã diễn ra như: Chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan và xin ấn mỗi năm với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài./.
Đình Long