Nga tham vọng lọt Top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030

|

Nga tham vọng lọt Top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030

Ngày 07/5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 5. Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có lắng dịu và mối quan hệ với phương Tây rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, kinh tế được xem là một những trọng tâm chính trong nhiệm kỳ 6 năm tới của vị lãnh đạo đứng đầu nước Nga.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt mục tiêu đưa Nga vào “Top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới” vào năm 2030, đồng thời chỉ thị cho các bộ, ban ngành đẩy mạnh các chính sách và biện pháp nhằm đạt được tham vọng này. Cụ thể, Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu Chính phủ Nga nâng tổng giá trị gia tăng trong ngành chế tạo và sản xuất lên thêm ít nhất 40% vào năm 2030, so với mức của năm 2022. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga muốn giảm tỷ trọng của ngành nhập khẩu trong cơ cấu GDP xuống mức 17% và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng không thuộc ngành tài nguyên và năng lượng lên tối thiểu khoảng 66%. Bắt đầu nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cam kết sẽ nâng cao mức sống ở Nga bằng cách tăng chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng công cộng.
 
Để thực hiện các cam kết của mình, ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 ngày 07/5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một văn kiện quan trọng - Nghị định Tháng Năm, nhằm xác định các mục tiêu quốc gia phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Nghị định Tháng Năm xác định các mục tiêu cụ thể phát triển quốc gia như: Bảo tồn dân số và hỗ trợ gia đình, giáo dục tinh thần yêu nước và thái độ trách nhiệm xã hội, tạo dựng môi trường sống thoải mái và an toàn, phúc lợi môi trường, nền kinh tế bền vững và sôi động, lãnh đạo công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước và đô thị, kinh tế và xã hội… 
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt mục tiêu đưa Nga vào “Top 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới” vào năm 2030

Trong hai năm qua, tình hình chính trị của Nga bất ổn do những cuộc xung đột với một số quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống khó khăn đó, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, thậm chí còn đạt kết quả gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia kinh tế.
 
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, nền kinh tế Nga vẫn đang đi đúng hướng, bất chấp những thách thức chưa từng có mà đất nước phải đối mặt trong vài năm qua, các xu hướng tích cực trong nền kinh tế vẫn đang được củng cố trong nền kinh tế, năm 2023 GDP đã tăng 3,6%. Đầu tháng 2/2024, Nhà lãnh đạo này tuyên bố nền kinh tế Nga đã trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới xét về sức mua tương đương (PPP - một thước đo phổ biến với nhiều nhà kinh tế để so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ).
 
Số liệu thống kê cho những tháng đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy sự khả quan. GDP của Nga trong tháng Một và tháng Hai tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. nguồn thu ngân sách Liên bang Nga 3 tháng đầu năm tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ 2023. Một trong những động lực của nền kinh tế Nga là nỗ lực của các doanh nghiệp, công ty và toàn thể cộng đồng doanh nhân, cùng nhau làm việc không chỉ vì lợi nhuận của riêng mình mà còn nhằm được các mục tiêu phát triển quốc gia. Mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng trong những điều kiện khó khăn đã cho phép Nga đối phó thành công với những khó khăn bên ngoài.
 
Trong báo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Nga sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc 3,2% trong năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng dự kiến của các nền kinh tế phát triển khác như 2,7% của Mỹ, 0,2% của Đức, 0,5% của Anh và 0,9% của Nhật Bản. Ước tính này tăng mạnh so với dự báo trước đó của tổ chức này là nền kinh tế Nga sẽ tăng 2,6% trong năm nay. IMF chỉ ra các yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của Nga là nhờ xu hướng đầu tư mạnh và tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ.
 
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các mục tiêu trên, nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức khi giá hàng hóa, dịch vụ vẫn tiếp tục tăng.  Bên cạnh đó nước này đang phải dành tới 1/3 ngân sách của đất nước (9.600 tỉ rúp, tương đương 105 tỉ USD trong năm 2023 và 14.300 tỉ rúp, tương đương 157 tỉ USD vào năm 2024) cho chi tiêu quốc phòng, tăng gấp ba so với năm 2021. Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, nền kinh tế Nga cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến làn sóng di cư của công nhân lành nghề và khả năng tiếp cận công nghệ giảm dần theo các biện pháp trừng phạt.
 
Kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Quỹ Dư luận Xã hội (FOM) cho thấy, đa số (82%) người Nga đánh giá công việc của Tổng thống Vladimir Putin là khá tốt và có tới 82% người dân nước này tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tổng thống VladimirPutin trong nhiệm kỳ 6 năm sắp tới./.
B.N