Kinh nghiệm một số quốc gia về phát triển thị trường tín chỉ carbon

|

Kinh nghiệm một số quốc gia về phát triển thị trường tín chỉ carbon

Thị trường carbon là nơi diễn ra các giao dịch về việc mua bán, trao đổi tín chỉ carbon giữa các công ty, đơn vị, tổ chức hoặc giữa các quốc gia. Đây là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.
 
Việc hình thành thị trường tín chỉ carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện là thể hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero), là bước cụ thể hóa cho những chính sách về giảm phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch phát thải, trao đổi tín chỉ carbon, tạo nguồn lực tài chính xanh… Thị trường vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon. Thông qua thị trường carbon, các công ty hoặc cá nhân có thể bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
 
Đến nay, một số quốc gia trên thế giới đã đạt được những đồng thuận về quy trình và phương thức để xây dựng và vận hành thị trường carbon nhằm tạo nguồn tài chính cho các hành động giảm phát thải khí nhà kính.

Châu Âu - thị trường tín chỉ carbon năng động thế giới
 
Châu Âu là khu vực dẫn đầu thế giới về sử dụng thị trường tín chỉ phát thải carbon với các giải pháp đã và đang được triển khai với mục đích nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
EU đã thiết lập cơ chế thị trường tín chỉ carbon với bước đi đầu tiên là triển khai hệ thống giao dịch khí thải (Emission Trading System - ETS) vào năm 2005, để trao đổi giấy phép phát thải, nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hiệu quả, đồng thời thúc đẩy đổi mới và đầu tư vào công nghệ sạch. Đây là hệ thống giao dịch phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và được xem là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhất được thiết kế để EU đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến sự ổn định của môi trường tự nhiên và đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại.
 
Hệ thống này dựa trên nguyên tắc “cap and trade”, nghĩa là đặt ra một giới hạn (cap) về lượng phát thải khí nhà kính mà các ngành công nghiệp và sản xuất điện được phép thải ra. Các doanh nghiệp sau đó có thể mua bán quyền phát thải trong khuôn khổ của giới hạn này, tạo điều kiện cho việc giảm phát thải theo cách hiệu quả về chi phí.
 
Bằng cách đặt giá cho carbon, hệ thống EU ETS khuyến khích các công ty tìm kiếm giải pháp sáng tạo và hiệu quả để cắt giảm lượng khí thải, từ đó đóng góp vào mục tiêu lớn hơn là giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững bằng cách hướng đến một nền kinh tế ít carbon.
 
Hiện tại, EU ETS đang nhắm tới nhóm ngành sản xuất điện và nhiệt, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Ngoài ra, hệ thống cũng bao gồm đường hàng không trong Khu vực Kinh tế Châu Âu và khởi hành các chuyến bay đến Thụy Sĩ và Vương quốc Anh cũng như ngành vận tải hàng hải của khu vực. Tổng cộng, EU ETS quy định lượng khí thải từ 8.757 nhà máy điện và nhiệt và các cơ sở sản xuất, cũng như 371 nhà khai thác máy bay bay giữa các sân bay của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) và từ EEA đến Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Con số này chiếm khoảng 36% tổng lượng khí thải của EU.
 
Để hỗ trợ phát triển thị trường carbon, EU đã thực hiện hàng loạt các chính sách. Đơn cử như chính sách giới hạn lượng khí thải phát hành, áp dụng thông qua hệ thống ETS, chính sách này nhằm mục tiêu giảm thiểu lượng khí thải của các nhà máy và nhà sản xuất năng lượng. Theo EU, giới hạn lượng khí thải được phát hành trong giai đoạn 2021-2030 đã được xác định là 1,57 tỷ tấn CO2, thấp hơn so với giai đoạn trước đó (2013- 2020) là 1,95 tỷ tấn CO2.
 
Châu Âu cũng áp dụng các chính sách và biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, bao gồm chương trình đổi mới và nâng cấp hạ tầng năng lượng, tăng cường tiêu chuẩn hiệu suất cho các sản phẩm và thiết bị tiêu dùng, khuyến khích sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp và đầu tư xây dựng. Châu Âu còn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ để cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm lượng khí thải từ các quá trình sản xuất.
 
Lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu, EU quyết định cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU’s Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM). Về bản chất, Cơ chế CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
 
EU tin rằng, một cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp trong khối, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giảm lượng khí thải trên toàn cầu.
 
Bên cạnh đó, Châu Âu thực hiện các chính sách như: Chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ sạch, đầu tư vào các công nghệ sạch, đặc biệt là các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng từ chất thải và năng lượng hạt nhân. Cung cấp nguồn tài chính để hỗ trợ các hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ sạch cho các doanh nghiệp và tổ chức, giúp họ hiểu và áp dụng các công nghệ sạch vào sản xuất và kinh doanh của mình; thiết lập các cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm thiểu khí thải, tạo ra một thị trường carbon có tính minh bạch và công bằng. Áp dụng các chính sách về thuế carbon, thành lập các cơ quan và chương trình hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển thị trường carbon, trong đó mức thuế carbon cũng được áp dụng thông qua các chính sách khác như thuế năng lượng và thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm liên quan đến carbon. Áp dụng các chính sách carbon pricing (giá đặt quyền khí thải) bên ngoài hệ thống ETS để đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải.
 
Để đạt được nhiều hơn các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, EU dự kiến tiếp tục thực hiện chương trình cải cách. Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua thỏa thuận với các nhà đàm phán của các thành viên EU vào năm 2022, nhằm cải cách thị trường carbon để lượng khí thải vào năm 2030 giảm 62% so với mức của năm 2005. Theo quy định mới, đến năm 2034, các nhà máy sẽ không được cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí như hiện nay và khí thải của ngành vận tải sẽ được bổ sung vào thị trường CO2 từ năm 2024.
 
Các nghị sỹ EP cũng ủng hộ kế hoạch ra mắt thị trường carbon mới của EU có tính đến khí thải từ nhiên liệu được sử dụng trong ô tô và các tòa nhà vào năm 2027, cùng với một quỹ của EU có trị giá 86,7 tỷ EUR để hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng do chi phí tăng.
 
Các nhà lập pháp EP cũng ủng hộ kế hoạch từ năm 2026 từng bước áp thuế nhập khẩu các loại hàng hóa thải nhiều khí carbon gồm sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và hydro (CBAM). Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí thải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU.
 

Canada xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường carbon

Tại Canada đã cho phép các tỉnh, bang, vùng lãnh thổ được linh hoạt, thiết kế định giá carbon riêng theo từng vùng phù hợp với nhu cầu địa phương (như Đạo luật Quản lý Khí thải và Biến đổi khí hậu Alberta năm 2003, Đạo luật Thuế Carbon Quebec năm 2007, Đạo luật Thuế Carbon British Columbia năm 2008) nhưng cũng đồng thời thiết lập hệ thống định giá Liên bang (Backstop) làm cơ sở đối chiếu, tuân thủ.
 
Thuế nguyên liệu Liên bang (Carbon Tax) nhằm làm giảm lượng carbon dioxide thải ra từ nguyên liệu hóa thạch. Thuế carbon là loại thuế gián thu, đánh vào hàng hóa, dịch vụ, quy trình và hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên mỗi đơn vị tiêu thụ khí đốt. Lượng carbon dioxide thải ra khi đốt cháy mỗi nguyên liệu không giống nhau nên mức thuế cũng sẽ khác nhau.
 
Đến năm 2018, Canada hình thành một thiết chế pháp lý về định giá carbon trên toàn lãnh thổ quốc gia bằng việc xây dựng Đạo luật Định giá ô nhiễm khí nhà kính (Greenhouse Gas Pollution Pricing Act).
 
Trên cơ sở Đạo luật Định giá ô nhiễm khí nhà kính, năm 2019, Canada ban hành Quy định về Hệ thống định giá dựa trên đầu ra (Output-Based Pricing System Regulations - OBPS), áp dụng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có lượng phát thải lớn như sản xuất dầu khí, điện than, hóa chất, khai thác chế biến quặng,... Thông qua tiêu chuẩn về hiệu suất phát thải, Chính phủ Liên bang hoặc tỉnh bang, vùng lãnh thổ đặt giới hạn cụ thể cho từng ngành nghề và yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải từ quá trình sản xuất. Doanh nghiệp có thể thuộc trường hợp bắt buộc tham gia nếu mức phát thải từ 50.000 tấn carbon dioxide/năm trở lên hoặc tự nguyện đăng ký khi mức phát thải từ 10.000 tấn đến dưới 50.000 tấn carbon dioxide/năm. Lượng phát thải ở mỗi hoạt động công nghiệp đánh giá theo giới hạn phát thải hàng năm. Nếu một doanh nghiệp giảm lượng khí thải xuống dưới mức giới hạn thì khoản tín chỉ carbon dư thừa có thể mua bán hoặc tích lũy để bù trừ với nghĩa vụ phát thải trong tương lai. Ngược lại, nếu doanh nghiệp phát thải nhiều hơn tiêu chuẩn thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn thanh toán cho Chính phủ theo mức giá quy định hoặc mua tín chỉ carbon từ doanh nghiệp khác. Tương lai lâu dài, Chính phủ Canada có thể điều chỉnh OBPS nghiêm ngặt hơn bằng việc giảm lượng phát thải ở mỗi đơn vị sản xuất hoặc tăng giá tín chỉ carbon mua từ Chính phủ.
 
Tháng 8/2021, Chính phủ Liên bang tiến hành điều chỉnh Tiêu chuẩn Định giá ô nhiễm carbon (Federal benchmark) áp dụng cho giai đoạn 2023 - 2030. Tiêu chuẩn định giá mới ấn định mức 80 USD/tấn carbon dioxide kể từ ngày 01/4/2024, xác lập lộ trình tăng hàng năm với mức tăng 15 USD/năm cho đến khi đạt 170 USD/tấn carbon dioxide vào năm 2030. Cùng với đó, để đảm bảo sự ổn định của hệ thống định giá, Chính phủ Canada ràng buộc mỗi tỉnh bang hoặc vùng lãnh thổ phải thiết lập khung pháp lý về giá ô nhiễm carbon qua các năm. Mức giá cho mỗi tấn khí thải carbon đủ cao, thay đổi tăng theo từng thời kỳ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, người tiêu dùng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, nguyên liệu carbon thấp.
 
Cũng như EU, Canada xây dựng khá nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thị trường carbon. Đầu tiên phải kể đến là chính sách phát hành miễn phí tín chỉ phát thải - một cơ chế hệ thống C&T được thiết kế để giúp duy trì khả năng cạnh tranh của các công ty và tránh “rò rỉ carbon”. Ngoài ra, Canada xây dựng mối quan hệ đối tác thông qua Chương trình Khí thải và Chất lượng Khí quyển, nhằm tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon và đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải. Chính phủ Canada cũng đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng năng lượng sạch, tăng cường năng suất và giảm thiểu khí thải. Mối quan hệ đối tác của Canada cũng bao gồm việc hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực Bắc Mỹ và trên toàn thế giới để phát triển thị trường carbon toàn cầu.

Nhật Bản - dẫn đầu xây dựng thị trường carbon ở châu Á
 
Dù đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản chưa thiết lập thị trường carbon bao phủ toàn quốc; tuy nhiên, thủ đô Tokyo và tỉnh Saitama đã xây dựng và vận hành thị trường carbon suốt nhiều năm qua. Chính phủ đã đầu tư vào các chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả năng lượng.
 
Đầu tiên là Nhật Bản vận hành Chương trình Cap-and-Trade của chính quyền thành phố Tokyo (TMG) vào tháng 4/2010 và là ETS bắt buộc đầu tiên của Nhật Bản. Tokyo ETS đề cập đến lượng khí thải CO2 từ các tòa nhà lớn, nhà máy, nhà cung cấp nhiệt và các cơ sở khác tiêu thụ một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Giới hạn được tổng hợp từ dưới lên từ cấp cơ sở. Các thực thể được quản lý phải giảm lượng khí thải xuống dưới mức cơ sở cụ thể, với các khoản tín dụng được cấp cho những người có lượng khí thải thấp hơn mức cơ sở của họ.
 
Tiếp đến, Nhật Bản ra mắt thị trường carbon của tỉnh Saitama vào tháng 4/2011. Thị trường này bao phủ khoảng 20% lượng khí thải năm 2019 của tỉnh Saitama, bao gồm khoảng 600 đơn vị trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp và thương mại. ETS của Saitama được liên kết với Chương trình Cap-and-Trade của Tokyo, với các khoản tín dụng có thể trao đổi lẫn nhau giữa hai khu vực pháp lý.
 
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường carbon như: Áp dụng nhiều chính sách để hỗ trợ việc phát triển và áp dụng công nghệ sạch, bao gồm Chương trình Khí thải và Năng lượng tiết kiệm (TRP) và Chương trình Giảm khí thải (JCM); Áp đặt thuế carbon từ năm 2012, bắt đầu từ 289 yên (khoảng 2,6 USD) mỗi tấn CO2 và tăng dần lên 459 yên (khoảng 4,2 USD) vào năm 2020; Cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật giúp giảm lượng khí thải đến 5 triệu tấn CO2 mỗi năm theo Chương trình khí thải và năng lượng tiết kiệm; Áp dụng các chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như chương trình hỗ trợ giá điện tái tạo, chương trình hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp đặt thiết bị năng lượng tái tạo; Thực hiện Chương trình giảm khí thải trong ngành đô thị, nhằm giúp giảm lượng khí thải đến 23 triệu tấn CO2 mỗi năm.
 
Việc hình thành và xây dựng cơ chế phát triển thị trường tín chỉ carbon của các quốc gia trên sẽ là bài học quý cho Việt Nam nói riêng và các nước khu vực châu Á nói riêng học hỏi và xây dựng thành công thị trường tín chỉ carbon cho riêng mình, góp phần trong nỗ lực thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0./.
 
Quang Vinh (tổng hợp)