Mốc son 50 năm hợp tác ASEAN-Nhật Bản

|

Mốc son 50 năm hợp tác ASEAN-Nhật Bản

Năm 2023 có ý nghĩa rất đặc biệt với cả ASEAN và Nhật Bản khi hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, đồng thời nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, hợp tác ASEAN-Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu to lớn. Hai bên thực sự là đối tác tin cậy của nhau, cùng đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Sau 50 năm thiết lập quan hệ, quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, cả về chính trị-an ninh, kinh tế lẫn văn hóa-xã hội.

Nhật Bản tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác chính trị-an ninh khu vực, là một trong những đối tác cùng ASEAN sáng lập các diễn đàn, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM Plus)…; ủng hộ đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN; chủ động, đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác an ninh biển, an ninh mạng, tội phạm kinh tế…

Năm 2019, Nhật Bản là nước đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (AOIP). Nhằm hỗ trợ triển khai Tầm nhìn AOIP, Nhật Bản thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể, phù hợp với 4 lĩnh vực ưu tiên của AOIP, bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), kinh tế và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác. Đồng thời hỗ trợ một số hoạt động của Ban Thư ký ASEAN nhằm thúc đẩy và triển khai AOIP thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực của cơ quan này; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trẻ cho các nước ASEAN.

Khẳng định mong muốn hợp tác sâu rộng và thực chất, ứng phó hiệu quả các thách thức, tháng 9/2023, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.
 
Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 đã thông qua Tuyên bố chung thiết lập
quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản

Tại Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AIPF) - một sự kiện thuộc chuỗi các hội nghị cấp cao của ASEAN diễn ra vào tháng 9/2023, Thủ tướng Kishida cũng công bố “Sáng kiến kết nối toàn diện Nhật Bản-ASEAN” trên 6 lĩnh vực cụ thể. Về phát triển cơ sở hạ tầng, Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển các cảng biển, đường bộ, đường sắt và sân bay để thúc đẩy dòng người và hàng hóa giữa các nước ASEAN. Các dự án mà Nhật Bản đang triển khai hiện nay đã lên tới gần 2.800 tỷ yen (khoảng 19 tỷ USD). Ngoài ra, Nhật Bản cũng thúc đẩy hợp tác về mặt kỹ thuật, tiếp tục cung cấp công nghệ và kiến thức của Nhật Bản cho các nước ASEAN. Về kết nối kỹ thuật số, Nhật Bản hợp tác để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc số hóa của các nước ASEAN, đồng thời tăng cường kết nối khu vực bằng công nghệ kỹ thuật số và đóng góp vào việc bảo đảm an ninh mạng. Về hợp tác hàng hải – một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường kết nối giữa Nhật Bản và các nước ASEAN thông qua đường biển, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật hàng hải bằng cách hỗ trợ đào tạo nhân viên hoặc cung cấp tàu tuần tra cho các lực lượng bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó, để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine, đảm bảo dòng hàng hóa ổn định và an ninh lượng thực, Nhật Bản đóng góp tích cực vào việc củng cố chuỗi cung ứng trong ASEAN và cùng nhau xây dựng một nền kinh tế bền vững trước các cuộc khủng hoảng. Nhật Bản đồng thời sẽ hỗ trợ cải thiện kết nối nguồn điện thông qua việc xây dựng quy hoạch tổng thể và đào tạo con người. Nhằm hỗ trợ phát triển của xã hội chính là con người và tri thức, Nhật Bản hợp tác phát triển nguồn nhân lực ở các nước ASEAN thông qua các chương trình trao đổi nhân sự, đào tạo nhân sự trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tăng cường mạng lưới giao lưu hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.

Trong hợp tác thương mại, Nhật Bản là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN. Năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN. Hợp tác kinh tế đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản được triển khai qua nhiều cơ chế/khuôn khổ khác nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP). Nhật Bản cũng là đối tác tích cực đóng góp cho triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Trong hợp tác văn hóa-xã hội, Nhật Bản có nhiều dự án hỗ trợ thực chất cho ASEAN trong các lĩnh vực, như giao lưu nhân dân, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, y tế và phòng chống dịch bệnh, già hóa dân số, trong đó tài trợ thực hiện Chương trình Mạng lưới trao đổi thanh niên và sinh viên Nhật Bản-Đông Á (JENESYS); hỗ trợ y tế cộng đồng ASEAN thông qua Sáng kiến Y tế ASEAN-Nhật Bản; cam kết ứng phó với các thách thức xuyên biên giới và toàn cầu, như biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, y tế và phòng chống dịch bệnh.

Năm 2006, Nhật Bản thành lập Quỹ hội nhập Nhật Bản-ASEAN, đã và đang triển khai nhiều dự án khác nhau, giúp thúc đẩy việc phát triển và xây dựng cộng đồng ASEAN, giảm sự chênh lệch trong khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản, với mức đóng góp tích lũy lên tới khoảng 769 triệu USD và thực hiện khoảng 560 dự án. Điều này thể hiện cam kết của Nhật Bản thúc đẩy quan hệ chặt chẽ với ASEAN.

Về hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và hội nhập khu vực thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF). Tháng 5/2019, ASEAN và Nhật Bản cùng nhau ký Hiệp định Hợp tác kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA) nhằm tạo điều kiện cho Nhật Bản hỗ trợ tốt hơn cho hợp tác phát triển cho toàn khu vực ASEAN.

Hai bên ủng hộ phối hợp duy trì đà hợp tác, nhất là tập trung kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm chuỗi cung ứng thương mại, đầu tư và thúc đẩy phục hồi. Nhật dành 50 triệu USD hỗ trợ ASEAN thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (AC-PHEED), đồng thời khẳng định tiếp tục hỗ trợ trung tâm này đi vào hoạt động bền vững. Nhật Bản đã hỗ trợ gói trang thiết bị y tế trị giá hơn 200 triệu USD song phương cho các nước ASEAN; đã hỗ trợ ASEAN 16 triệu liều vaccine cho các nước ASEAN trong tổng số 30 triệu liều cung cấp ra nước ngoài, dành 2,5 tỷ yên thiết lập kho lạnh bảo quản và vận chuyển vaccine, hỗ trợ vật tư, công nghệ y tế, máy tạo oxy cho nhiều nước ASEAN.

Trong thúc đẩy phục hồi toàn diện, hai bên nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư, ủng hộ việc duy trì chuỗi cung ứng khu vực, đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số, quản lý thiên tai, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh… Nhật Bản tích cực hỗ trợ ASEAN triển khai Khung Phục hồi tổng thể với khoản cho vay trị giá 192 tỷ yên với lãi suất thấp nhất.

Trong thành quả hợp tác chung giữa ASEAN và Nhật Bản có đóng góp quan trọng của thế hệ trẻ. Những hoạt động hợp tác, giao lưu thanh niên đã góp phần củng cố tình hữu nghị và sự gắn kết chặt chẽ giữa nhân dân ASEAN và Nhật Bản, làm nên nền tảng vững chắc cho quan hệ giữa hai bên.

Trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức phụ trách công tác thanh niên của các nước ASEAN - Nhật Bản đã phối hợp cùng nhau tổ chức thành công nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác thanh niên trong khuôn khổ hợp tác ASEAN – Nhật Bản.

Nổi bật trong hợp tác thanh niên giữa hai bên Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (SSEAYP) được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác vào tháng 01/1974 giữa Chính phủ Nhật Bản với Chính phủ 05 nước Đông Nam Á vào thời điểm đó gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Từ năm 2000, Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản đã có sự tham gia đầy đủ của 11 nước gồm Nhật Bản và 10 nước ASEAN.

Hay như Chương trình Giao lưu Thanh niên Sinh viên Nhật Bản – Đông Á (JENESYS) được khởi động từ năm 2007 theo sáng kiến của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Chương trình JENESYS gồm các chương trình giao lưu đa phương ASEAN – Nhật Bản và các chương trình giao lưu song phương giữa Nhật Bản và một trong các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm thúc đẩy hiểu biết và lòng tin chung giữa nhân dân Nhật Bản và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng tình hữu nghị và hợp tác trong tương lai, nâng cao hiểu biết toàn cầu về xã hội, văn hóa, chính trị và quan hệ ngoại giao. Nội dung chương trình giao lưu được tổ chức trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xây dựng hòa bình, thể thao…
 
Thanh niên các nước ASEAN- Nhật Bản tham gia chương trình Jenesys vào tháng 1/2023

Các chương trình giao lưu, hợp tác ASEAN - Nhật Bản là cơ hội để thanh niên của các nước ASEAN học tập kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của phía Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, tìm hiểu về đất nước, con người, sự phát triển của Nhật Bản, từ đó đóng góp vào chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trẻ của các nước ASEAN, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết và hợp tác giữa thanh niên và nhân dân các nước ASEAN - Nhật Bản.

Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) trong các ngày 15-17/12/2023 tới đây sẽ là cơ hội vàng để các nước sẽ cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua và đề ra những định hướng, tầm nhìn để tạo dựng kỷ nguyên mới, đưa quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Nhiều nhà lãnh đạo ASEAN hy vọng Hội nghị sẽ đặt ra tầm nhìn mới cho mối quan hệ và tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Hội nghị cũng một lần nữa khẳng định tinh thần “Cơ hội vàng, Tình bạn vàng” với hi vọng rằng thế hệ sau sẽ ghi nhận năm nay là “Cơ hội vàng” để truyền lại “Tình bạn vàng” lâu đời giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ sau. Sau sự kiện quan trọng này, các nước sẽ cùng tạo dựng tương lai thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm giải quyết các thách thức, hiện thực hóa một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tự do và rộng mở. ASEAN có một nền kinh tế đang phát triển và dân số đông, trong khi Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm và công nghệ. Sự hợp tác giữa hai bên có thể giúp thể giải quyết được các thách thức kinh tế đang nổi lên cũng như nhiều lĩnh vực khác. Hai bên đều cam kết và có thiện chí hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương với những kết quả cụ thể mang lại lợi ích cho thế hệ mai sau./.

 
P.V