Liệu hiệu ứng domino có diễn ra với ngành ngân hàng Mỹ?

|

Liệu hiệu ứng domino có diễn ra với ngành ngân hàng Mỹ?

Tháng 3 vừa qua được cho là khoảng thời gian đen tối của thị trường tài chính Mỹ khi liên tiếp nhận thông tin phá sản từ các ngân hàng nước này. Trước tâm lý lo ngại xảy ra cuộc khủng hoảng, giới chức Mỹ đã nhanh chóng có những hành động khẩn cấp ngăn chặn sự sụp đổ tài chính lan rộng.
Sự đổ vỡ hàng loạt
Ngày 9/3, thị trường tài chính Mỹ nhận tin dữ Silvergate Capital Corp, công ty mẹ của ngân hàng Silvergate Bank (SIB) thông báo sẽ dừng hoạt động mảng ngân hàng và hoàn trả toàn bộ tiền gửi dành cho khách hàng. SIB là một ngân hàng lớn ở California hoạt động từ năm 1988, chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch USD cho nhiều sàn giao dịch tiền mã hóa hàng đầu tại Mỹ từ năm 2013. Nguyên nhân của sự sụp đổ này bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng thanh khoản xảy ra trong ngành tiền điện tử (crypto) vào tháng 5/2022, sau đó vài tháng là sự phá sản của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. Ngân hàng SIB đã không thể tồn tại sau cuộc khủng hoảng kép này và bị bỏ rơi bởi chính những khách hàng mà SIB đã hỗ trợ.
 
Ngay ngày hôm sau 10/3, thị trường tài chính Mỹ tiếp tục bất ngờ trước thông tin ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) rơi vào trạng thái chấm dứt giao dịch. Đây là ngân hàng thương mại hàng đầu ở Thung lũng Silicon và nằm trong top 16 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, có chi nhánh ở 8 quốc gia (Israel, Đan Mạch, Đức, Trung Quốc...), được thành lập năm 1983, với mục đích chuyên cho vay trong lĩnh vực công nghệ, sức khỏe, khởi nghiệp (startups)... Tổng tài sản của SVB cuối năm 2022 là 212 tỷ USD (bằng một nửa quy mô nền kinh tế Việt Nam). Sự sụp đổ của SVB đã đánh dấu vụ ngân hàng phá sản lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 và lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) phá sản cách đây 15 năm.
 
Giới phân tích nhận định, sự đổ vỡ của SVB bắt đầu bùng nổ từ ngày 8/3 khi Tập đoàn Tài chính SVB (công ty mẹ của SVB) thông báo lỗ 1,8 tỷ USD sau khi phải bán các khoản chứng khoán trị giá 21 tỷ USD và dự kiến phát hành thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để tăng năng lực tài chính, bù đắp các khoản lỗ. Sau sự việc này, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã đánh tụt hạng SVB, cùng với việc một số Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khuyến nghị các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư rút tiền khỏi SVB dẫn đến giá cổ phiếu của SVB giảm mạnh 60% trong phiên ngày 9/3. Bất chấp những phát ngôn trấn an của lãnh đạo SVB, ngay trong 9/3, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và các startup đã ồ ạt rút tiền gửi lên tới 42 tỷ USD tính đến cuối ngày. Việc lượng tiền rút ra quá lớn đã kéo theo đà lao dốc của cổ phiếu SVB, mất giá thêm 60% trong sáng 10/3 và bị buộc rơi vào trạng thái chấm dứt giao dịch.
 
Thảm họa SVB dường như châm ngòi cho sự đổ vỡ tiếp theo của Ngân hàng Signature Bank (SB) có trụ sở tại New York (Mỹ) chỉ hai ngày sau đó. SB là một ngân hàng thương mại có văn phòng cho khách hàng tư nhân ở New York, Connecticut, California, Nevada và Bắc Carolina, có 9 ngành kinh doanh quốc gia bao gồm bất động sản thương mại và ngân hàng số. Với 40 năm hoạt động, Signature Bank là một trong những ngân hàng cho vay lớn trong ngành công nghiệp tiền điện tử, có 40 chi nhánh với khối tài sản lên tới 110,36 tỷ USD. Trong đó, số tiền gửi trong năm 2022 là 88,59 tỷ USD.
 
Từ vụ sụp đổ của Ngân hàng SVB, các khách hàng của Signature Bank lo ngại rằng tiền gửi của họ có thể bị khóa hoặc xóa sổ nên đã “cuống cuồng” rút hơn 10 tỷ USD tiền gửi để chuyển sang những ngân hàng lớn hơn, bao gồm JPMorgan Chase và Citigroup, mặc cho các giám đốc điều hành của Signature đã tìm kiếm“đủ mọi cách” để củng cố tình hình của ngân hàng, bao gồm cả việc tìm thêm vốn và những đơn vị mua lại tiềm năng. Điều này đã khiến Signature Bank nhanh chóng đi đến kết cục phá sản. Vụ phá sản của SB là vụ ngân hàng phá sản lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ.
 
Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, Mỹ có đến 3 ngân hàng sụp đổ. Giới quan sát cho rằng, mọi chuyện vừa qua diễn ra quá nhanh, song cuộc khủng hoảng của các ngân hàng đã được dự đoán từ lâu và không phải một sự cố đơn lẻ mà là hệ quả của vấn đề mang tính hệ thống. Đây là hậu quả của việc Cục Dữ trữ Liên bang (Fed) liên tục tăng lãi suất, đồng thời là sự đổ vỡ của thị trường tiền điện tử.
 
Một điểm chung của các ngân hàng phá sản vừa qua là đều có hoạt động giao dịch liên quan đến tiền mã hóa. Và thay vì đa dạng hoá nguồn thu và đối tượng khách hàng, thì ba ngân hàng trên đều chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng nhất định, chủ yếu là các công ty khởi nghiệp vốn không có tài sản đảm bảo.
 
Đơn cử như sự sụp của SVB chủ yếu là do đầu tư quá nhiều vào trái phiếu được xem là các công cụ nợ, để tạo ra các dòng thu nhập ổn định. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất, từ tháng 3/2022 đến nay đã đẩy lên chạm mức 4,5%, dẫn đến giá trái phiếu của SVB đang nắm giữ bị giảm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc huy động vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB có xu hướng rút tiền ra để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, buộc ngân hàng phải bán toàn bộ danh mục đầu tư trái phiếu thanh khoản của mình với giá thấp hơn so với thực tế để thu tiền mặt. Do giá trị tài sản không đủ bù đắp những tổn thất đã đưa ngân hàng SVB lâm vào tình trạng mất thanh khoản.
Khó diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính
Tốc độ vỡ nợ một cách "chóng vánh" của các ngân hàng đã khiến thị trường tài chính Mỹ rơi vào cảnh hỗn loạn, khốn đốn. Theo tính toán của Reuters, hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ đã bị “xóa sổ” trong hai ngày 9-10/3. Trước đòn giáng mạnh vào một lĩnh vực ngân hàng đang quay cuồng, Moody’s Investors Service đã hạ triển vọng đối với toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ từ mức ổn định xuống mức tiêu cực.
 
Nhiều nhà kinh tế cũng tỏ rõ tâm lý lo ngại hiệu ứng domino - sự tan vỡ dây chuyền tiếp theo. Cựu Phó chủ tịch, cự giám đốc điều hành Lehman Brothers, Lawrence McDonald cho rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể làm sụp đổ thêm 50 ngân hàng khu vực khác ở Mỹ nếu chính quyền nước này không thực hiện các giải pháp nhanh chóng và thích hợp để giải quyết các vấn đề cơ cấu. Không chỉ tại Mỹ, dư chấn từ sự sụp đổ của các ngân hàng trên cũng đã đẩy cổ phiếu ngân hàng toàn cầu lao dốc. Ngày 14-3, cổ phiếu các ngân hàng lớn của Úc như ANZ, Westpac và NAB đều giảm hơn 2%. Trong khi đó, ở đầu phiên giao dịch ngày 14-3, chỉ số phụ của nhóm cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản giảm 6,7% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Còn tại châu Âu, chỉ số ngân hàng STOXX đóng cửa thấp hơn 5,7%, cổ phiếu Commerzbank của Đức giảm 12,7%, Credit Suisse (Thụy Sĩ) giảm 9,6% xuống mức thấp kỷ lục.
 
Trước nguy cơ trên, nhằm trấn an và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, cũng như ngăn chặn sự sụp đổ tài chính lan rộng, các cơ quan điều hành của Mỹ nhanh chóng có các hành động kiểm soát và ổn định tình hình thị trường. Giới chức Mỹ ra thông báo đảm bảo toàn bộ tiền gửi của khách hàng tại SVB, như gửi đi một thông điệp các khoản tiền gửi đang rất an toàn và mọi người tránh đi rút tiền hàng loạt ở các ngân hàng khác.
 
Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo việc thành lập Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) với mục tiêu bảo vệ các định chế tài chính khỏi những bất ổn thị trường mà vụ sụp đổ của các ngân hàng gây ra. Bên cạnh đó, Fed có kế hoạch nới lỏng điều kiện vận hành cửa sổ chiết khấu tương tự như điều kiện áp dụng BTFP. Đây là công cụ cho vay của ngân hàng trung ương nhằm giúp ngân hàng thương mại giải quyết nhu cầu thanh khoản trong ngắn hạn. Việc làm này có thể giúp các ngân hàng chuyển những tài sản bị giảm giá trị thành tiền mặt, mà không phải chịu tổn thất như SVB. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chi tối đa 25 tỷ USD để bù lỗ cho chương trình BTFP nếu cần thiết.
 
Fed và Bộ Tài chính Mỹ cũng chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ tiền gửi thông qua chương trình cho vay khẩn cấp của Fed. Chương trình này là một đạo luật trong thời kỳ suy thoái thuộc Đạo luật Dự trữ Liên bang, cho phép ngân hàng trung ương cho vay trực tiếp sau khi chứng minh được rằng bên vay không thể có được thanh khoản từ những nơi khác. Quyền cho vay khẩn cấp của Fed thường được dùng cho các trường hợp bất thường và cấp bách. Động thái thực hiện chương trình cho vay khẩn cấp này báo hiệu rằng cơ quan quản lý Mỹ coi tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của SVB là dấu hiệu rủi ro hệ thống trên thị trường.
 
Ngày 21/3, một số phương tiện truyền thông Mỹ cũng đưa tin rằng các quan chức tại Bộ Tài chính nước này đang thảo luận về việc tăng bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp lĩnh vực ngân hàng suy thoái.
 
Các chuyên gia nhận định hiệu ứng domino như giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 khó có thể xảy ra, bởi các ngân hàng đổ vỡ lần này có quy mô nhỏ hơn rất nhiều và tính lây lan trong hệ thống không lớn như trường hợp Lehman Brothers xảy ra trong năm 2008. Thêm vào đó, cơ quan chức năng của Mỹ (cụ thể là cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ - FDIC) đã có những phản ứng rất nhanh trong việc trấn an dư luận, ngăn chặn hiệu ứng rút tiền khỏi ngân hàng của những người gửi tiền. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng như chính quyền Mỹ cũng đã có những đánh giá lại về lộ trình tăng lãi suất. Bên cạnh đó, các quy định về giám sát hệ thống ngân hàng cũng đã được xem xét và chuẩn bị sửa đổi trong thời gian tới để nâng cao tính an toàn trong các hoạt động của hệ thống ngân hàng./.

Bích Ngọc