Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và dịch vụ thị trường trong nước

|

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và dịch vụ thị trường trong nước

Nhờ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, thời gian qua, thương mại, dịch vụ, du lịch của nước ta đã có những phục hồi tích cực và khẳng định tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại dịch vụ những tháng cuối năm diễn ra khá sôi động với sự chuẩn bị cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười Một ước đạt 552,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,0% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, đa dạng các hình thức mua hàng, khuyến mại, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 97/NQ- CP ngày 08/7/2023, Chương trình “Khuyến mại tập trung quốc gia 2023 - Vietnam Grand Sale 2023” (Chương trình) được tổ chức từ ngày 04/12/2023 đến ngày 10/01/2024 trên phạm vi toàn quốc với mức khuyến mại tối đa có thể lên đến 100%.

 

Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023 được kỳ vọng giúp tăng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ của cả nước

 
Hoạt động này được thực hiện để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam qua các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền của Việt Nam và thu hút du lịch.

Với sự hưởng ứng của các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, đặc biệt là từ hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam trên khắp cả nước, Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023 sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giúp khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế. Qua đó, doanh nghiệp có cơ hội triển khai các chương trình khuyến mại kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử giúp tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần tạo liên kết giữa các doanh nghiệp; đưa người tiêu dùng và doanh nghiệp đến gần nhau hơn thông qua việc giảm giá bán sản phẩm.

Các doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn hướng đến khách hàng, người tiêu dùng; chủ động quyết định áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa lên đến 100% theo quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đồng thời đảm bảo việc thực hiện các hoạt động khuyến mại hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như các quy định về thủ tục hành chính theo quy định hiện hành.

Với hiệu ứng kết nối cung cầu được lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp trên cả nước thông qua hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp sẽ chủ động phối hợp để triển khai hoạt động khuyến mại kết hợp với hoạt động hội chợ, triển lãm, các sự kiện… tại địa phương để không những thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và người dân luôn đồng hành, phối hợp với cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng/khách hàng trên cả nước trong trong việc quảng bá, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát… hoạt động khuyến mại của các doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kích cầu, phát triển và đẩy mạnh các liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa lần này được kỳ vọng sẽ giúp tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam năm 2023./.

 
P.V