Theo báo cáo tình hình kinh tế -xã hội của Cục Thống kê TP. Hà Nội, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 5,1 triệu lượt người, tăng 93,7% so với năm 2022. Sự tăng trưởng này không chỉ là động lực mới cho nền kinh tế địa phương mà còn là biểu hiện rõ nét về sức hấp dẫn lâu dài của Hà Nội như một điểm đến du lịch tiềm năng.
Khách du lịch tăng 93,7% so với năm 2022
Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi ấn tượng và đạt được nhiều kết quả rất tích cực sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khách quốc tế đến Hà Nội tháng Mười hai ước tính đạt 393 nghìn lượt người, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 57,1% so với cùng kỳ năm trước; ước tính quý IV/2023 đạt 1.107 nghìn lượt người, tăng 41,7% so với quý trước và tăng 76,5% so với quý IV/2022.
Khách du lịch tăng 93,7% so với năm 2022
Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi ấn tượng và đạt được nhiều kết quả rất tích cực sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khách quốc tế đến Hà Nội tháng Mười hai ước tính đạt 393 nghìn lượt người, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 57,1% so với cùng kỳ năm trước; ước tính quý IV/2023 đạt 1.107 nghìn lượt người, tăng 41,7% so với quý trước và tăng 76,5% so với quý IV/2022.
Ảnh minh họa
Tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đạt 3.337 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần năm trước (năm 2022 đạt 1.227 nghìn lượt người). Trong đó, khách đến từ Hàn Quốc đạt 469,8 nghìn lượt người, gấp 2,2 lần; Trung Quốc 310,7 nghìn lượt người, gấp 5,9 lần; Mỹ 230,5 nghìn lượt người, gấp 2,5 lần; Nhật Bản 224,9 nghìn lượt người, gấp 2,5 lần; Anh 171,3 nghìn lượt người, gấp 2,8 lần; Pháp 144,5 nghìn lượt người, gấp 2,9 lần; Ma-lai-xi-a 113,1 nghìn lượt khách, gấp 2,4 lần; Đức 110,8 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần; Xin-ga-po 104,8 nghìn lượt người, tăng 43,8%; Thái Lan 97,4 nghìn lượt người, gấp 2,2 lần.
Khách nội địa tháng Mười hai ước tính đạt 164 nghìn lượt người, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 46% so với cùng kỳ năm trước; ước tính quý IV năm 2023 đạt 488 nghìn lượt người, tăng 3,3% so với quý trước và tăng 49,1% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, khách nội địa đạt 1.733 nghìn lượt người, tăng 24,7% so với năm 2022 (năm 2022 đạt 1.390 nghìn lượt người).
Số lượt khách du lịch đến Hà Nội các năm 2020 – 2023
Đơn vị tính: Nghìn lượt người
Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | |
Tổng lượng khách | 2.667 | 1.093 | 2.617 | 5.070 |
Khách nội địa | 1.905 | 919 | 1.390 | 1.733 |
Khách quốc tế | 762 | 174 | 1.227 | 3.337 |
Đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, tính đến cuối tháng 12/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.759 cơ sở lưu trú du lịch với 71,1 nghìn phòng, trong đó có 606 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao với 26,4 nghìn phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng.
Trong tháng Mười hai, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt 60,1%, tăng 6,9% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung cả năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 59,4%, tăng 21,3% so với năm trước (năm 2021 đạt 23%; năm 2022 đạt 39,5%).
Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 37 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút lượng lớn du khách và người dân đến thăm quan, mua sắm.
Sự tăng trưởng đáng kể trong lượng khách du lịch đã có tác động tích cực đối với nền kinh tế Hà Nội. Doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,7% và tăng 47,5%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 107,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,9% tổng mức và tăng 11,2% (dịch vụ lưu trú đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% và tăng 18,5%; dịch vụ ăn uống đạt 97,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,6% và tăng 10,5%). Đây không chỉ là động lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế, mà còn là minh chứng cho khả năng thích ứng và phục hồi của ngành du lịch Thủ đô trước những thách thức toàn cầu.
Năm 2023 bội thu giải thưởng quốc tế với nhiều xếp hạng cao
Những năm gần đây, thương hiệu du lịch Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao trên bản đồ du lịch quốc tế. Đặc biệt, năm 2023 là năm Hà Nội bội thu giải thưởng quốc tế với nhiều vị trí đánh giá, xếp hạng cao như: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á, điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2023 (Tổ chức giải thưởng Golf thế giới); điểm đến du lịch thành phố hàng đầu trên thế giới… Các giải thưởng đã khẳng định Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc, an toàn và chất lượng.
Ngoài ra, năm 2023 cũng là năm Hà Nội có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin - Giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực Thế giới: 48/103 nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn, trong đó 3 nhà hàng được công nhận 1 sao Michelin. Đây là những dấu ấn rõ nét, khẳng định vị trí quan trọng, vững chắc của ngành du lịch Thủ đô trên bản đồ du lịch khu vực và trên thế giới.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành công của ngành Du lịch Thủ đô năm 2023 có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong khâu quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Trong đó, có thể kể đến như: Phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch (dulich.myhanoi.vn) đưa vào khai thác từ đầu năm 2023; Điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn và phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; hình thành bản đồ số du lịch (bằng nhiều thứ tiếng) thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh của Hà Nội (đã thí điểm tại Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất)…
Đặc biệt, trong năm 2023, ngành Du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Sở Du lịch cho ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Ngành tổ chức một số chương trình, nội dung nhằm phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội như Du lịch ẩm thực, du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội họp...), du lịch chăm sóc sức khỏe.
Ngành Du lịch Thủ đô đã và đang phát triển các nhóm sản phẩm du lịch mới phục vụ đa dạng nhu cầu của từng nhóm khách du lịch như: - Ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm, bao gồm các tour du lịch đặc sắc: Chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ", tour tham quan Hỏa Lò về đêm, các không gian đi bộ, tour "Giải mã Hoàng thành Thăng Long", đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám "Tinh hoa đạo học"… - Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm tại huyện Ba Vì. - Phát triển tour du lịch golf kết hợp du lịch văn hóa tại Sơn Tây - Phát triển các sản phẩm du lịch thể thao: Tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour", các tour leo núi, chạy bộ tại khu vực huyện Sóc Sơn... - Mở rộng các tuyến du lịch xe bus du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với Hồ Tây, Làng gốm sứ Bát Tràng... |
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, các doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản, di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội-Thanh Trì-Thường Tín-Phú Xuyên, tuyến Trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hòa-Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội-Sơn Tây-Ba Vì. Đồng thời, tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ-Bát Tràng-đền thờ Chử Đồng Tử; tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Năm 2024, ngành Du lịch Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế và 21,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đặt mục tiêu đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến; đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: Du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe…
Thu Hường