Bắc Giang: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN

|

Bắc Giang: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN

Căn cứ Quyết định số 752/QĐ-UBDT ngày 11/10/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về Phê duyệt khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Bắc Giang năm 2023.

Mục đích chính của Kế hoạch là trang bị, bổ sung những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ năng lực quản lý, điều hành Chương trình tại 2 địa phương; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất cho cộng đồng (người dân) tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) để vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình và cộng đồng (bao gồm: Quy trình triển khai dự án, tiểu dự án của Chương trình; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện…; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân…), các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung liên quan khác cho cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình cấp xã, cấp thôn và cộng đồng.

 
Lớp tập huấn Kỹ năng giám sát đầu tư cộng đồng tại Bắc Giang

Việc đào tạo, tập huấn phải đảm bảo đúng đối tượng; hình thức đào tạo cụ thể, hiệu quả và sát thực với nhu cầu thực tế của địa phương; nội dung đào tạo đảm bảo theo khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2025 quy định tại Quyết định số 752/QĐ-UBDT.

Việc thực hiện chế độ chính sách trong đào tạo, tập huấn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Quán triệt đầy đủ, kịp thời nội dung của chương trình đề ra và chấp hành tốt nội quy quy định, đồng thời tích cực học tập, nghiên cứu tiếp thu các kiến thức cơ bản vận dụng vào thực tiễn ở cơ sở.

Đối tượng Kế hoạch gồm: Cộng đồng Ban giám sát cộng đồng xã, đại diện cộng đồng, người dân, cộng tác viên giảm nghèo, các tổ duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng tại thôn, người có uy tín trong cộng đồng, ưu tiên người DTTS và phụ nữ trong các hoạt động nâng cao năng lực; Cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp Nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở các cấp (bao gồm cán bộ thuộc các cơ quan, ban ngành chủ trì và tham gia tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình) và cán bộ thuộc các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình.

Nội dung đào tạo, tập huấn theo quy định tại Quyết định số 752/QĐ-UBDT ngày 11/10/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về Phê duyệt khung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể: Nhóm cộng đồng: 102 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 7.500 lượt người; Nhóm cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp: 10 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 1.000 lượt người. Tổ chức 08 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện các dự án và 04 Đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh bạn.

Tài liệu đào tạo do Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan biên soạn và phát hành; Tài liệu do các sở, ban, ngành của tỉnh biên soạn; Tài liệu do các tổ chức, các trung tâm đào tạo, cá nhân (có đủ tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật) do Ban Dân tộc lựa chọn đặt hàng nếu cần thiết.

Tài liệu, chuyên đề, giáo trình biên soạn phải ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, bảo đảm tính khoa học, đúng pháp luật, dễ áp dụng vào thực tiễn, dễ hiểu, học tập lý thuyết đi đôi với thực hành, lấy người học làm trung tâm và có thể biên soạn bằng tiếng dân tộc, in đĩa, tờ rơi... Khuyến khích trao đổi, chia sẻ, thảo luận, nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình; các chuyên đề đảm bảo được nội dung, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng nhóm đối tượng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề liên quan đến nâng cao năng lực cộng đồng; ưu tiên các nội dung chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông lâm nghiệp; giới thiệu về cách tiếp cận, phương pháp và các mô hình giảm nghèo thành công.

Tổng vốn thực hiện là: 6.889.000.000 đồng (nguồn sự nghiệp giáo dục ngân sách trung ương).

Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, UBND các huyện tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án 4 Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo kế hoạch; Căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương, lựa chọn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đảm bảo số lượng, chất lượng và hiệu quả; quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán nguồn kinh phí được giao theo đúng quy định hiện hành;  Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có phát sinh tăng, giảm số lượng học viên, số lớp; Ban Dân tộc chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện đúng đối tượng, đúng nội dung.

Sở Tài chính: thẩm định và giao dự toán kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành.

Các sở, ban ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức triển khai và thực hiện kế hoạch đảm bảo theo quy định, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang: Phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này đạt hiệu quả, hoàn thành mục tiêu Chương trình đề ra; Chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc cấp huyện, các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ các cấp và cộng đồng tham gia lớp đào tạo, tập huấn theo kế hoạch đảm bảo đầy đủ, đúng thành phần; tổ chức rà soát, xác định nhu cầu đào tạo năm sau và tổng hợp báo cáo theo quy định./.

 
PV