Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sữa cho người dân thành phố

|

Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng sữa năm 2021 và Tết Nhâm Dần 2022 đã được triển khai thực hiện từ ngày 1-4-2021, kết thúc ngày 31-3-2022. Đây là năm thứ 12 thực hiện CTBOTT các mặt hàng sữa. \r\n

Chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong ngành sữa là Công ty Vinamilk, Công ty Nutifood, Công ty Tân Quang Minh. Đây cũng là một trong những mặt hàng chiến lược, được TP đưa vào danh sách cần dự trữ để ứng phó khẩn cấp trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có dấu hiệu lây lan trên diện rộng. 

Sản xuất sữa tại Công ty Nutifood. Ảnh: CAO THĂNG
Sữa bình ổn chiếm 30%-35% mức tiêu dùng của thị trường TP
Theo Sở Công thương TPHCM, CTBOTT các mặt hàng sữa năm 2021 và Tết Nhâm Dần 2022 tiếp tục gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các sản phẩm sữa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho người tiêu dùng. Lượng sữa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa cho người dân TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường. 
Căn cứ vào khả năng cung ứng của các DN và nhu cầu tiêu dùng từ thực tế năm 2021, TPHCM tiếp tục bình ổn đối với 4 nhóm sản phẩm sữa, gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường); sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống). Sản lượng sữa tham gia CTBOTT là 23,2 tấn/tháng và 880.000 lít sữa nước/tháng, chiếm từ 30%-35% mức tiêu dùng của thị trường TP. Trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng sữa tham gia CTBOTT là 26,9 tấn/tháng và 1.114.000 lít sữa nước/tháng.

DN tham gia BOTT mặt hàng sữa xây dựng và thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý, ổn định, dẫn dắt thị trường. Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm 5%-10% đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, DN điều chỉnh giá bán BOTT phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá tạo khan hiếm giả tạo, DN tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa đảm bảo chi phối thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương.

Doanh nghiệp sữa không ngừng lớn mạnh 

CTBOTT các mặt hàng sữa năm 2021 và Tết Nhâm Dần 2022 có 3 DN tham gia cung ứng hàng hóa, giảm 2 DN so với chương trình năm 2019-2020. Tuy nhiên, cả 3 đơn vị này đều là DN chủ lực của TPHCM và đang có nhiều nỗ lực để vươn tầm thế giới. 

Gắn bó với chương trình BOTT ngay từ những ngày đầu, đến nay trong danh mục của mình, Vinamilk đang có gần 250 sản phẩm các loại, riêng ngành hàng sữa nước đã sở hữu gần 50 loại sản phẩm, đáp ứng gần như mọi nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng đang ngày càng trở nên đa dạng. Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành Marketing của Vinamilk, cho biết, sữa nước là ngành hàng chủ lực được Vinamilk chú trọng đầu tư. Bên cạnh việc đảm bảo về chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao cho sản phẩm, Vinamilk sẽ tập trung đa dạng hóa các dòng sản phẩm sữa nước để phù hợp với khách hàng thuộc mọi độ tuổi, mọi phân khúc và phát triển một cách có chọn lọc các dòng sản phẩm cao cấp.

Sự tiện lợi trong mua sắm chiếm tỷ trọng cao trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt trong ngành hàng tiêu dùng nhanh và các sản phẩm đồ uống, dinh dưỡng. Trong báo cáo thường niên công bố cuối năm 2020, hiện hệ thống phân phối của Vinamilk có tổng số điểm lẻ toàn quốc đạt hơn 240.000 kênh truyền thống, 7.800 kênh hiện đại và tiếp tục tăng lên. Mới đây, hệ thống “Giấc mơ sữa Việt” của Vinamilk vừa vượt mốc 500 cửa hàng trên cả nước, phủ cả 63 tỉnh, thành phố. Trang thương mại điện tử www.giacmosuaviet.com.vn được Vinamilk xây dựng từ năm 2016 cũng đang phát huy hiệu quả, nhất là trong giai đoạn một số nơi thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tương tự, Công ty Nutifood cũng không ngừng đầu tư và tăng cường liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất. Năm 2020, Nutifood đã được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 thương hiệu dẫn đầu, trong đó Nutifood đứng ở vị trí thứ 22 và nằm trong tốp 3 công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Hiện Nutifood đang nâng chuẩn trong sản xuất và vận hành để hướng đến phân phối sản phẩm tại các thị trường khác nhau trên thế giới; như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (US FDA) để xuất khẩu sữa Pedia Plus và sữa tiệt trùng đóng chai vào thị trường Mỹ, bắt tay cùng Walmart để đưa sữa đậu nành vào bán trong hơn 450 siêu thị tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Nutifood tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa đặt tại cao nguyên Gia Lai rộng trên 1.000ha để phát triển đàn bò sữa có giá trị dinh dưỡng cao, tương đương sữa tươi ngoại nhập. Nutifood cũng là DN cung ứng cho thị trường những sản phẩm có giá trị vượt trội như sữa đặc trị như Pedia Plus - sữa dành cho trẻ biếng ăn, Diabet Care - sữa dành cho người đái tháo đường và đặc biệt là Grow Plus+, sữa đặc trị dành cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi đầu tiên của Việt Nam... 

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, các DN tham gia BOTT các mặt hàng sữa đều là những DN kiểu mẫu của Việt Nam. Sự góp mặt của DN và cam kết cung ứng đầy đủ các mặt hàng sữa với giá bán ổn định trong thời gian dài là yếu tố tiên quyết giúp thị trường sữa, đặc biệt là mặt hàng sữa bột cho trẻ em và sữa bột chức năng, đi vào ổn định theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.