Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM: Thương hiệu sản phẩm gắn với thương hiệu Thành phố

|

Sở Công thương TPHCM vừa công bố chương trình giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM, lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, do Sở Công thương TPHCM phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn thực hiện. \r\n

Đại diện ban tổ chức công bố giải thưởng

Giải thưởng nhằm ghi nhận và tôn vinh các thương hiệu, sản phẩm, nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ uy tín, tiêu biểu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM đã có nhiều nỗ lực và thành công trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Mục tiêu phát hiện và bình chọn khoảng 25-30 DN

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, TPHCM là nơi hội đủ các thành phần DN đang hoạt động trên hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, từ các ngành nghề truyền thống lâu đời đến các ngành nghề vừa mới manh nha hình thành trên thế giới; từ các thương hiệu sản xuất kinh doanh uy tín đã đi vào lòng người tiêu dùng, có sự tin cậy của các đối tác trong nước và nước ngoài đến các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp mới thành lập nhưng đã có lối đi riêng và đón đầu xu hướng phát triển.

Do vậy, việc tổ chức giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM nhằm xây dựng hình ảnh TPHCM đầu tàu kinh tế, thị trường năng động, uy tín về hàng hóa và dịch vụ phong phú với chất lượng cao; gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập; đồng thời góp phần xây dựng và tăng cường sự nhận biết thương hiệu mạnh của các nhà sản xuất và phân phối đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Việc triển khai giải thưởng đồng thời giúp các DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu mạnh và bảo vệ thương hiệu, nhận thức được vai trò và giá trị của thương hiệu Việt mà DN đang nuôi dưỡng trong tiến trình xây dựng và phát triển TPHCM. Đây cũng chính là thành tố quan trọng để xây dựng thương hiệu TPHCM. 

Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP, đâu là điểm khác biệt giữa giải thưởng Thương hiệu vàng với hàng loạt các giải thưởng khác đang tổ chức? ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay, trong bộ tiêu chí bình chọn của giải thưởng Thương hiệu vàng, hội đồng bình chọn sẽ tập trung vào 3 giá trị cốt lõi là uy tín chất lượng, thương hiệu ấn tượng và đón đầu xu hướng. Tuy nhiên, điểm khác biệt của giải thưởng này là ban tổ chức sẽ nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa mang đậm bản sắc, gắn liền với kinh tế - xã hội của TPHCM, từ đó khi nhắc đến TPHCM người ta sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa đạt giải. Các thương hiệu đạt giải sẽ được gắn biểu trưng của giải thưởng như một bảo chứng uy tín, làm gia tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng với hàng hóa thương hiệu TPHCM. 

Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM là một sự khẳng định: phát triển thương hiệu sản phẩm của thành phố không chỉ là công việc của riêng DN mà còn là trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan liên quan, bởi đó không chỉ là thương hiệu của riêng một DN mà là thương hiệu của TPHCM, của quốc gia, của dân tộc. 

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ: “Năm 2020 là năm đầu tiên tổ chức nên chúng tôi đặt mục tiêu sẽ phát hiện và bình chọn khoảng 25-30 DN đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đề ra. DN đạt giải sẽ được TPHCM triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực phát triển nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời khuyến khích các DN này tham gia vào các giải thưởng lớn như thương hiệu quốc gia và hướng ra quốc tế”.

Chú trọng nhóm ngành trọng yếu, chủ yếu 

Theo kế hoạch, giải thưởng của năm 2020 được tiến hành từ tháng 12-2020 và danh sách những DN có thương hiệu sản phẩm được trao danh hiệu Thương hiệu vàng TPHCM dự kiến sẽ được công bố và vinh danh vào tháng 1-2021. Việc tổ chức bình chọn được thực hiện công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối tượng tham gia là thương hiệu hoặc nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được hình thành, thuộc sở hữu của DN có trụ sở chính tại TPHCM và được xây dựng tối thiểu 2 năm tính tới ngày tham gia bình chọn, trong đó ưu tiên xem xét bình chọn thương hiệu sản phẩm trong 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của TPHCM.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, một DN có thể đăng ký tham gia bình chọn một sản phẩm; nhóm sản phẩm; hàng hóa, dịch vụ đạt các tiêu chí đề ra sẽ được trao giải. Thương hiệu sản phẩm của DN tham gia bình chọn sẽ được hội đồng bình chọn xem xét, chấm điểm và đồng thời cũng lấy ý kiến bình chọn của người tiêu dùng. Những thương hiệu sản phẩm được hội đồng bình chọn chấm đạt 70% trên tổng số điểm sẽ được báo cáo ban tổ chức giải thưởng thông qua để trình UBND TPHCM xem xét, công nhận. 

Hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM được lập thành 2 bộ và gửi bằng đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp về trụ sở Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), số 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM hoặc Sở Công thương TPHCM, số 163 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TPHCM.

Chia sẻ thêm về quan điểm xây dựng tiêu chí bình chọn của giải thưởng, ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho hay, lâu nay khi nói đến xây dựng thương hiệu, phần lớn chúng ta nghĩ nhiều đến cách thức truyền thông, quảng cáo, thiết kế logo, slogan - là việc thể hiện hình ảnh thương hiệu, nhưng để xây dựng được thương hiệu không đơn giản là vậy. Truyền thông quảng cáo là một trong những công cụ quan trọng để bán hàng, góp phần xây dựng và duy trì nhận diện thương hiệu, nhưng chức năng của truyền thông quảng cáo chỉ là bước trung gian, là công cụ kết nối giữa giá và giá trị, giữa thương hiệu và khách hàng chứ không phải nơi bắt đầu hay điểm chuyển tiếp của quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Tiếp thị thương hiệu và bảo vệ thương hiệu ngày nay đã khác, nó không còn là nhiệm vụ duy chỉ của bộ phận chức năng mà đã là trách nhiệm của toàn hệ thống kinh doanh. Khách hàng ngày nay đã thay đổi, họ không còn trả tiền duy chỉ cho sản phẩm hay dịch vụ mà cho toàn bộ hệ thống kinh doanh. Một chiến dịch truyền thông hiệu quả là làm nổi bật được những lợi ích thương hiệu một cách sáng tạo, chứ không phải sáng tạo ra những giá trị trừu tượng mông lung khó lượng hóa và sở hữu. Sản phẩm được làm ra từ nhà máy nhưng thương hiệu được định hình trong tâm trí người tiêu dùng và quá trình định hình thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng đòi hỏi thời gian với cả một chặng đường chinh phục trái tim khách hàng bằng sự hoàn thiện sản phẩm liên tục, chất lượng đảm bảo, hình ảnh thương hiệu nhất quán, phù hợp với người dùng và thời đại…

Xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ bên trong, khởi đầu với người lãnh đạo cao nhất của DN nhưng quyết định đến sự bền vững lại nằm ở từ những nhân sự có ít quyền lực nhất về ở trong công ty. Có vậy mới tập hợp sức mạnh đội ngũ, tinh thần tự giác, tính nhất quán và cả sự kiểm soát nội bộ tránh những sự sai sót nhỏ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra… có thể làm sụp đổ một thương hiệu nổi tiếng lâu đời. Ngoài ra, việc sở hữu một thương hiệu mạnh với một ý tưởng thương hiệu độc đáo cũng không thể đảm bảo cho sự thành công vĩnh viễn của DN. Từ đó có thể thấy rằng, một DN thành công không chỉ do sở hữu một thương hiệu nổi tiếng nhưng chắc chắn họ phải có một mô hình kinh doanh hiệu quả, và việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, trách nhiệm và quyền lực không chỉ gói gọn ở người đứng đầu DN mà là của cả một tập thể DN.

Theo ông Nguyễn Minh Hùng: “Việc đánh giá và nhận xét về sức khỏe của một thương hiệu ngày nay không chỉ dừng lại ở phần bề nổi - truyền thông mà còn phải xét đến những yếu tố nền tảng thương hiệu, là nền móng sức mạnh thương hiệu, giúp DN thực sự sở hữu được các lợi thế cạnh tranh lâu dài và bền vững”.