Gặp chị Mai Thị Hợp trong sự kiện "Sắc mầu các dân tộc Việt Nam" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), người phụ nữ Tà Ôi nhỏ nhắn vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về nghề dệt dèng. Chị cho biết: "Dệt dèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tà Ôi. Những sản phẩm từ dèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc trong các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt dèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, vừa là tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa của người Tà Ôi".
Cũng như những người Tà Ôi khác, từ nhỏ, chị Hợp đã được cha mẹ truyền dạy nghề dệt dèng truyền thống. Chị tâm sự, đồng bào Tà Ôi quan niệm, gái chưa chồng phải khéo léo, đảm đang, biết dệt cho mình những tấm vải choàng, áo, váy hay khăn quàng cổ để làm của hồi môn khi về nhà chồng. Tuy nhiên có một thời gian dài, do nhu cầu thực tế giảm, trong khi cây bông làm sợi ngày càng ít đi, cho nên rất nhiều người biết nghề thì bỏ nghề, còn lớp trẻ thì nhiều người không biết hoặc không quan tâm đến nghề dệt dèng. Ðứng trước nguy cơ thất truyền nghề dệt dèng do cha ông để lại, chị Hợp suy nghĩ và quyết tâm khôi phục nghề dệt truyền thống. Bất kể ngày đêm, chị lặn lội đến từng gia đình vận động thuyết phục chị em phụ nữ trở lại với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với tâm huyết và sự kiên trì, chị tập hợp được những người có tay nghề cao trong xã và truyền dạy nghề cho những người chưa biết tại địa phương.
Năm 2004, chị Hợp đứng ra thành lập tổ dệt gồm các chị em có hoàn cảnh khó khăn tại xã A Ðớt. Hằng ngày, chị tận tình hướng dẫn cho chị em từng đường dệt, cách đính hạt cườm vào sản phẩm, ngoài ra chị còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, họa tiết mới rồi hướng dẫn chị em làm đến khi nào thuần thục mới thôi. Sau khi gia đình chuyển nhà ra thị trấn A Lưới, tổ dệt của chị Mai Thị Hợp cũng được nâng cấp lên thành hợp tác xã dệt dèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới. Hiện hợp tác xã thu hút 30 chị em tham gia, thu nhập bình quân mỗi người từ hai đến bốn triệu đồng/tháng. Ngoài lo việc làm thường xuyên cho các chị em trong hợp tác xã, chị Hợp còn tạo việc làm cho gần 100 chị em ở các xã lân cận. Ðiều đáng nói, chị Mai Thị Hợp còn chủ động giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm trong nước và các kỳ Festival Huế. Các sản phẩm dệt thủ công của người dân huyện miền núi A Lưới đã xuất hiện trên những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề dệt dèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với những đóng góp, cống hiến của mình trong việc hồi sinh nghề dệt dèng truyền thống, năm 2015, chị Mai Thị Hợp đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Chị cũng là đại diện tiêu biểu xuất sắc được tôn vinh tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.