Tăng cường xác minh, tránh kê khai hình thức

|

Kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của cán bộ, công chức là giải pháp quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng ở mọi quốc gia. Thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, quy định về minh bạch TSTN, những năm vừa qua, số lượng cán bộ, công chức thuộc diện phải kê khai rất lớn, từ 1,1 đến 1,3 triệu bản kê khai hằng năm. Tuy nhiên, việc kiểm soát TSTN vẫn nặng về hình thức.

Tổng hợp từ năm 2005 đến 2018, qua xác minh 4.903 trường hợp, chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật 26 người kê khai không trung thực, 70 người do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện và không có hành vi tham nhũng nào được phát hiện. Đa phần việc xác minh chỉ được tiến hành sau khi công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai không trung thực hoặc do phản ánh của dư luận và báo chí. Hệ thống thuế, việc đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm và việc thanh toán qua tài khoản ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu nên việc xác định một TSTN có nguồn gốc là hợp lý hay không hợp lý, hợp pháp hay không hợp pháp là rất khó. Một vài dẫn chứng điển hình như: vụ việc của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, chỉ sau khi có phản ánh của báo chí về khu biệt thự nguy nga thì cơ quan thanh tra mới vào cuộc và kết luận về việc kê khai tài sản không trung thực. Giải thích về nguồn gốc, ông nói đó là thu nhập các nguồn từ trang trại được nhận thừa kế từ bố mẹ năm 2016 và thời trẻ làm đủ thứ nghề như buôn chổi đót, ủ men nấu rượu, làm bánh kẹo; hay vụ việc ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đác Lắc giải thích rằng một phần số tiền mà ông Kỷ xây ngôi biệt thự khủng hai tầng diện tích gần 200 m2 là nhờ chạy xe ôm từ thời trai trẻ.

Luật Phòng, chống tham nhũng mới ban hành năm 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về kiểm soát TSTN với mục tiêu khắc phục phần nào tình trạng trên.

Luật bổ sung một số loại TSTN phải kê khai như công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng, tổng thu nhập giữa hai lần kê khai. Việc kê khai TSTN theo Luật mới sẽ được thực hiện theo các phương thức: Kê khai lần đầu phải hoàn thành trước 31-12-2019, đối tượng phải kê khai lần đầu mở rộng hơn, gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về TSTN trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, nếu không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát TSTN có trách nhiệm xác minh; Kê khai hằng năm chỉ áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên, làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

Việc xác minh TSTN không chỉ được tiến hành khi có dấu hiệu kê khai không trung thực, có tố cáo hay có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền như trước đây mà còn được cơ quan kiểm soát TSTN tiến hành theo kế hoạch xác minh TSTN hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên. Luật đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh TSTN hằng năm của cơ quan kiểm soát TSTN.

Phương án xây dựng các tiêu chí này hiện nay vẫn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, cần phải định ra tỷ lệ phần trăm cần phải xác minh trong tổng số bản kê khai TSTN theo năm, sau đó phân từng nhóm cơ quan theo các cấp (phân tầng) để xác định lần lượt số bản kê khai phải xác minh theo từng năm, bảo đảm sau một số năm nhất định toàn bộ các bản kê khai TSTN phải được xác minh. Có quan điểm lại cho rằng, với nguồn lực có hạn, chỉ nên tập trung xác minh những bản kê khai của các cán bộ, công chức nắm những vị trí chủ chốt trong bộ máy hành chính mới có thể xác minh kỹ lưỡng và phát hiện ra sai phạm, việc chọn ra bản kê khai nào được xác minh trong từng đợt có thể theo hình thức chọn ngẫu nhiên với sự trợ giúp của phần mềm. Có ý kiến cho rằng, tiêu chí lựa chọn nên đặt trọng số ở những lĩnh vực và vị trí dễ xảy ra tham nhũng để có thể khoanh vùng xác minh trước, có thể xây dựng phần mềm phân tích, đánh giá rủi ro để lựa chọn đối tượng như ngành thuế đã áp dụng khi lựa chọn đối tượng thanh tra về thuế... Mỗi phương án đều có những thế mạnh, nhược điểm nhất định và đang trong quá trình nghiên cứu.

Cho dù Chính phủ tiến hành theo phương án nào thì điều quan trọng nhất vẫn là tránh làm tràn lan, chạy theo số lượng, cần dựa trên nguồn lực hiện có của cơ quan kiểm soát TSTN để việc xác minh không trở nên hình thức như việc kê khai TSTN trước đây, từ đó tạo ra tính răn đe và giúp phát hiện kịp thời các hành vi sai phạm. Có luồng ý kiến cho rằng chỉ cần bị xác minh đã là một biện pháp để cán bộ, công chức e dè và mang lại tác dụng phòng ngừa tham nhũng nhưng theo tác giả bài viết, nếu việc xác minh không thực chất, không giúp tìm ra sai phạm thì sẽ không tạo ra tính răn đe, tác dụng phòng ngừa tham nhũng sẽ hầu như không có, hệ lụy này cũng giống như hệ lụy của việc kê khai TSTN một cách hình thức trước đây, chỉ khiến cán bộ, công chức tìm cách để che giấu TSTN có được.

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN cũng cần tính toán đến hạ tầng công nghệ để có thể tiến tới sửa đổi quy định và công khai một bộ phận bản kê khai cho tổ chức, cá nhân có thể truy cập, giám sát giống như một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Hiện nay Hoa Kỳ có yêu cầu rộng rãi nhất về việc công khai bản kê khai tài sản. Ở cấp Liên bang, ứng cử viên cho những vị trí bầu cử, công chức được bầu và các công chức cấp cao được bổ nhiệm phải nộp bản báo cáo kê khai tài chính cá nhân và báo cáo này sẽ được công khai rộng rãi. Yêu cầu báo cáo tương tự cũng được áp dụng đối với các đại diện được bầu trong ngành lập pháp và các Thẩm phán liên bang. Tại Hồng Công, một số lợi ích tài chính của công chức Bậc I được công khai còn các thông tin khác của công chức Bậc I và công chức Bậc II không được công khai.

Một điều quan trọng nữa là phải tăng cường kết nối trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế để tạo điều kiện cho việc xác minh nguồn gốc TSTN vì sự kết nối hiện nay còn rất yếu. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào tháng 7-2018, Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, còn Thái Lan là 59,7% và Malaysia đến 89%. 40% dân số Việt Nam hiện đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc kiểm soát nguồn thu, khoản chi và nguồn gốc TSTN nếu chúng ta không khắc phục.