Xã hội ngày càng phát triển cùng với xu hướng xã hội hóa giáo dục, xuất hiện nhiều loại trường như trường công lập, ngoài công lập, công lập chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia... Không ít PH chạy theo tâm lý đám đông, bằng mọi giá tìm cách cho con vào trường điểm chỉ vì sĩ diện của mình mà không quan tâm đến học lực và sở trường của con. Thậm chí cuộc đua “chạy” trường, chọn lớp đeo đẳng từ cấp học mầm non đến cấp ba. Tâm lý a dua, bày đàn ngày càng trầm trọng.
Chạy đua bằng những hình thức tiêu cực vừa tốn kém mà gây nhiều hệ lụy. Nếu chọn trường phù hợp năng lực, tính cách của con sẽ giúp con thêm hào hứng, phấn khởi, tự tin vươn lên trong học tập còn nếu chọn không phù hợp, quá sức sẽ cản trở, khó khăn, làm chậm quá trình phát triển. Đơn cử, nhiều HS học bình thường ở cấp 2 nhưng chọn trường cấp 3 phù hợp lại tiến bộ và ngược lại. Không ít trường hợp HS theo học ở trường điểm, trường chất lượng cao bị đuối trở nên tự ti, mệt mỏi, chán nản, mất hứng thú học tập. Thiếu tự tin khiến các em nhút nhát, sợ sệt, sống khép mình, thậm chí bị trầm cảm và nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, chối bỏ mạng sống chính mình. Cuối cùng, chỉ vì mải mê theo hư danh mà công sức đầu tư của cha mẹ trở nên lãng phí, nỗi khổ lại trút lên đầu con cái.
Số đông PH quan niệm học trường tốt con đương nhiên sẽ học tốt nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Điều căn cốt vẫn xuất phát từ sự nỗ lực của bản thân HS (nhiều HS đỗ thủ khoa mà xuất thân không từ một trường danh tiếng). Trước hết, cha mẹ phải tác động cho con mình phấn đấu tốt trước, không thể phó mặc cho thầy cô. Thầy tốt mà trò lười, không cố gắng không tiến bộ được. Có ý kiến cho rằng ở môi trường có bạn bè học giỏi sẽ tạo động lực để các con đua nhau học. Điều này đúng nhưng chỉ một phần, bởi thực tế nhiều HS thiếu tự giác, sức học không theo kịp chúng bạn lại học kém dần. Càng nguy hại hơn với những cha mẹ bảo thủ không chịu tỉnh ngộ sửa sai, chuyển về lại trường bình thường phù hợp năng lực của con mà cố lấy lòng “chăm sóc” thầy cô để nâng đỡ con. Quy luật cuộc sống vốn dĩ rất khắc nghiệt, không biết dừng đúng lúc rất dễ gánh hệ lụy “xôi hỏng, bỏng không”.
“Cá chuối đắm đuối vì con”, tuy nhiên PH không nên lo lắng thái quá mà điều quan trọng để con thấy là học cho con chứ không phải cho bố mẹ, nên tạo sự chủ động cho con lựa chọn trường, không làm thay. Với lứa tuổi HS lớp 9 cần khuyến khích con độc lập phát triển, tự tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để chọn lựa, đề xuất các trường muốn dự tuyển. Thông qua nhiều kênh, cha mẹ cũng tìm hiểu thông tin về trường như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, mục tiêu, định hướng giáo dục... và phương án tuyển sinh để đồng hành, tư vấn kịp thời. Không nên cả tin vào tiếng tăm, những lời đồn thổi mà phải kiểm tra qua thực tế những HS và PH có con từng học tại trường, đến trường tham quan để biết rõ cả ưu và khuyết. Tìm hiểu thấu đáo qua nhiều người và thẩm định kỹ lưỡng ắt có thông tin thật, phát hiện, nắm bắt kịp thời trường nào đánh bóng “thương hiệu” cùng với kênh tham khảo qua trang web của trường, thông tin phản ánh từ báo chí sẽ có đáp số chuẩn. Qua trao đổi, bàn bạc, cân nhắc căn cứ trên lực học của con, khả năng kinh tế, hoàn cảnh gia đình, học phí, phương tiện đi lại, cha mẹ và con thống nhất chọn trường phù hợp. Tạo cho con nếp tự học, tự lo, tự phát triển bản thân theo mong muốn của mình sẽ có tác động tích cực bởi thực tế đã được minh chứng quá trình rèn giũa HS tự học, tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nơi tôi làm Chủ tịch Hội đồng Giáo dục.
Tố chất, năng lực của con là căn cứ thiết yếu để chọn môi trường học tập phù hợp bởi mỗi trường đều có thế mạnh riêng cũng như hạn chế. Khoa học tâm lý chứng minh hiện con người có tám loại trí thông minh và cha mẹ cần định hướng con mình phát triển theo hướng nào. Quan niệm trẻ học tốt văn, toán là giỏi không hẳn đúng, có em thông minh về vận động, em khác lại có khiếu mỹ thuật và giai đoạn phát triển của mỗi học sinh nhanh, chậm khác nhau, có em lớp 1 không thích âm nhạc, lên lớp 5 lại thích. Thế nên, cha mẹ cần theo sát con, kịp thời tạo môi trường phát triển phù hợp sở trường, năng khiếu của con. HS nào thích hoạt động ngoại khóa bề nổi nên chọn những trường thiên về hoạt động này, HS khác tính trầm, say mê nghiên cứu khoa học cho theo học ở trường khác mới phát huy tối đa năng lực cá nhân. PH có thể nhờ các chuyên gia có kinh nghiệm đánh giá con mình, từ đó có thêm kênh tham khảo đưa ra quyết định chính xác. Ngay cả yếu tố đánh giá giáo viên dạy để chọn trường cũng phải tính toán, bởi ngoài chất lượng dạy chữ còn ở khả năng dạy người, tâm huyết, thấu hiểu và yêu thương HS. Trên thực tế, chưa chắc một trường điểm là tất cả thầy cô đều tốt hết mọi thứ, có khi vì yên tâm dạy ở trường tốt mà chủ quan, nỗ lực không bằng giáo viên các trường thường. Với HS cấp một còn nhỏ tuổi “học mà chơi, chơi mà học”, sự gần gũi, thương yêu của thầy cô đặc biệt cần thiết.
Thí sinh làm thủ tục dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019.
Kỳ tuyển sinh đầu cấp năm nay tại Hà Nội, HS dự thi tăng đột biến, cuộc đua vào trường chất lượng cao, trường điểm càng khốc liệt. PH chớ mải chạy theo thành tích mà tạo áp lực học hành, thi cử cho con em, đừng nghĩ đơn giản con nhà người ta thích là con mình thích; đừng quá kỳ vọng, nghĩ con mình là thần đồng, biết tuốt mà bắt ép con học thêm đủ thứ liên miên cho bằng bạn bằng bè. Cha mẹ thấy con hứng thú, say mê học là niềm vui, hạnh phúc của mình chứ không phải ép con gồng lên học trường tốt mới là oai. Khi dự tuyển vào trường có tỷ lệ chọi cao, nếu con đỗ là mừng, nếu trượt cũng không nên quá thất vọng, bằng lòng coi đó là chuyện bình thường. Phải chuẩn bị sẵn tâm lý đó cho con đỡ áp lực, an ủi, động viên con coi đó là cơ hội cọ xát học hỏi, tránh phàn nàn, cay cú “tốn kém tiền nong đầu tư học hành mà thi không đỗ”. Trường tốt chỉ là một phần, không đỗ trường công lập thì học dân lập, không đỗ trường điểm thì học trường bình thường, chọn môi trường phù hợp với sự phát triển lâu dài của con mới là quan trọng. Điều căn cốt vẫn xuất phát từ tư duy đúng đắn của mỗi PH. Báo chí cũng cần tích cực tuyên truyền để cha mẹ nâng cao nhận thức, sáng suốt tìm trường phù hợp, tránh tâm lý đám đông. Và đôi khi bước chuyển nhận thức lại xuất phát từ chính bài học thực tế mà họ từng trả giá.
NGƯT Nguyễn Tùng Lâm
Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội