Xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới

|

Đảng ta đã đúc kết những bài học thiết thực; trên cơ sở đó đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đưa công tác xây dựng Đảng thật sự là khâu then chốt trong quá trình lãnh đạo đất nước và xã hội.

Trong các văn kiện của Đảng ta, công tác xây dựng Đảng luôn là khâu then chốt, một trong ba thành tố quan trọng cấu thành nhiệm vụ chính trị cốt lõi của đất nước từ nhiều thập niên qua. Chính vì lẽ đó, trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 10-5-1969, việc đầu tiên Bác Hồ đề cập là “Trước hết nói về Đảng”. Sau khi chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng là tăng cường đoàn kết, tự phê bình và phê bình, Bác căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thực hiện lời dạy sâu sắc đó của Bác Hồ, trong 30 năm đổi mới đất nước vừa qua, với tư cách là một Đảng cầm quyền, Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng, muốn làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng phải tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới trong xã hội. Đảng phải dựa vào nhân dân, tin tưởng ở nhân dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Đảng phải giữ bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Vì lẽ đó, một trong những bài học lớn của cách mạng là bài học “Dân là gốc của nước”; “nước lấy dân làm gốc”. Có thể khẳng định rằng, nhờ nhận thức sâu sắc vai trò nhân dân là người chủ đất nước, người thực thi trong thực tiễn các chủ trương, chính sách của Đảng, công cuộc đổi mới trong 30 năm qua của đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Đảng ta đã đúc kết những bài học thiết thực; trên cơ sở đó đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đưa công tác xây dựng Đảng thật sự là khâu then chốt trong quá trình lãnh đạo đất nước và xã hội.

Trong điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường, đi liền mặt tích cực là những mặt trái của nó, đã và đang xuất hiện những hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, tư tưởng danh lợi, bè phái, hình thành các “nhóm lợi ích”, lối sống vụ lợi, vị kỷ xa dân - nguồn gốc trực tiếp làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chính vì vậy, ngay từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đều nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống, nói rộng ra là xây dựng Đảng về văn hóa, thực hành văn hóa chính trị, văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và cả hệ thống chính trị. Từ nhận thức nguy cơ làm xói mòn niềm tin của dân với Đảng là sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, tệ nạn quan liêu, tham nhũng, hành dân, đục khoét lợi ích nhân dân..., Đảng ta đã đúc kết những bài học thiết thực; trên cơ sở đó đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đưa công tác xây dựng Đảng thật sự là khâu then chốt trong quá trình lãnh đạo đất nước và xã hội.

Từ ngày ban hành và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, chúng ta đã có những cố gắng bước đầu, nhưng nhìn chung chưa đạt yêu cầu đề ra, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ vẫn chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí có lúc, có nơi lại phát triển nghiêm trọng. Thực tiễn ấy càng nhắc nhở các tổ chức cơ sở đảng từ Trung ương đến địa phương cần nêu cao ý chí cách mạng tiến công, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đặt trong tổng thể ba thành tố hữu cơ: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.

Vẫn không hề “xưa cũ” khi nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên, cán bộ; ý thức chủ động, sáng tạo của mỗi cấp ủy trong việc tự học, tự nghiên cứu nhằm nâng cao trí tuệ, bản lĩnh lãnh đạo - cơ sở trực tiếp tạo ra năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở từng cơ quan, đơn vị, phường, xã, bản, làng...; khắc phục nhanh bệnh hình thức, thành tích chủ nghĩa; đề cao phương châm “nói ít làm nhiều”, “nói đi đôi với làm”, ý thức gần dân, trọng dân, học hỏi dân; bám sát thực tiễn cơ sở để đề ra chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu sát hợp, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cần gắn kết chặt chẽ các phong trào thi đua yêu nước với việc tiếp tục thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm khơi dậy khí thế mới, tạo động lực mới, góp sức thiết thực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.