Những khoảnh khắc xuân

|

Khoảng dăm năm trở lại đây, ở Hà Nội, xu hướng trưng bày triển lãm mỹ thuật Tết, triển lãm xuân và đặc biệt là sáng tác về các con giáp ứng với lịch năm mới trở nên ngày càng phổ biến, như một “truyền thống” mới trên nền tảng truyền thống hàng trăm năm của tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng.

Những nghệ nhân dân gian xưa bày tỏ ước nguyện chung của cộng đồng, dân tộc về một năm mới mới mẻ, no đủ, đầm ấm hơn năm cũ thông qua các hình tượng gà cát tường, lợn đàn, hay ngụ ý chuyện đời - chuyện người thông qua cảnh đám cưới chuột…

Các nghệ sĩ hiện đại hẳn có một tâm thế khác với nghệ nhân dân gian xưa khi “làm” tranh Tết. Bùi Xuân Phái được xem như họa sĩ đầu tiên của hội họa hiện đại lưu tâm đến việc vẽ tranh con giáp, vào mỗi dịp xuân gần kề, từ khoảng năm 1956, 1957 trở về sau. Những nét vẽ khoáng hoạt mà trĩu nặng tâm tình của một họa sĩ đa cảm với cuộc đời, những mảng mầu đen thâm trầm, những chấm phá đỏ hồng lấy thế cân bằng thẩm mỹ và tinh thần, được họa sĩ vẽ trên bất kỳ tờ giấy, tấm bìa nào có thể.

Cùng thời với ông, Nguyễn Tư Nghiêm lại chọn một hướng đi khác hẳn. Tranh con giáp của ông Nghiêm là một trong những loạt tác phẩm ghi dấu ấn sâu sắc phong cách nghệ thuật của họa sĩ. Ở đó, người ta có thể bắt gặp một con giáp được nhân cách hóa, một nét nghệ thuật điêu khắc đình làng khỏe khoắn mà tinh tế, một khía cạnh tư tưởng nghệ thuật cá nhân trên nền tảng truyền thống bản sắc dân tộc.

Và nay, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc cũng chọn con giáp như một chủ đề chung nhằm biểu tỏ sức sáng tạo của cá nhân mình. Điều kiện và tinh thần sáng tác hôm nay đã khác trước rất nhiều. Nghệ sĩ mặc sức thử nghiệm với đa dạng chất liệu: từ hội họa trên giá vẽ đơn thuần đến vẽ trên gốm (đĩa, bình), làm điêu khắc với gốm và chất liệu tổng hợp. Nghệ sĩ cũng mạnh dạn tìm kiếm các cách thức tạo hình và ngôn ngữ thị giác mới, chứ không bó hẹp trong một hướng tư duy đơn thuần nào. Thay vì chiều lòng người, thuận theo thói quen thẩm mỹ đại chúng như tranh dân gian xưa, một số đã chọn cách dẫn lối người xem đi tới những chân trời cảm hứng sáng tạo mới.

Cảnh đám cưới chuột… đầy ngụ ý chuyện đời - chuyện người.

Sức hấp dẫn thị giác của sắc mầu nguyên tươi tắn bao phủ những khối tạo hình đầy bất ngờ về con dê, con khỉ, đã khiến nghệ sĩ điêu khắc trẻ Thái Nhật Minh, đầu năm 2018 (Tết Mậu Tuất), được Lotte Việt Nam mời làm phần mỹ thuật trang trí với con giáp tại tòa nhà Trung tâm thương mại Lotte ở Hà Nội. Đây có lẽ là một sự kiện hiếm hoi trong giới mỹ thuật Hà Nội, cho thấy sức hấp dẫn của chủ đề con giáp đã kích thích sự đổi mới trong tư duy sáng tác, đem tới một sức hấp dẫn mới cho công chúng hiện đại. Thái Nhật Minh trộn mầu với bột giấy để có thể tạo ra các gam mầu tùy ý, định hình khối bằng thanh và dây đồng để cũng dễ dàng tạo thế dáng con vật theo ý muốn bất chợt. Những phát kiến thú vị về chất liệu như vậy lại giúp nghệ sĩ thỏa sức chơi đùa với khối và mầu, thay vì chấp nhận khuôn khổ hay nguyên tắc cố hữu nếu chọn chất liệu quen thuộc.

Có thể nói, con giáp hay tranh Tết, dù thế nào, cũng chỉ là nguyên cớ để nghệ nhân xưa hay nghệ sĩ nay bày tỏ tiềm thức sáng tạo và ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn bên thềm xuân. Ở đó, dù có nhiều suy tư hay niềm vui, dù chỉ là thoáng chơi đùa với mầu và hình hay là cả một khối chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật, thì tất cả cũng đều cho thấy sức sống của sự sáng tạo nghệ thuật luôn chảy tràn trong họ, truyền cảm hứng về sự sống trong từng khoảnh khắc xuân vĩnh hằng đến với con người và cuộc đời.