Lời kêu gọi thiêng liêng ấy đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước, khí phách quật cường dân tộc, tạo nên sức mạnh lấp biển dời non, dẫn tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, miền bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng; mở đầu sự tan rã nhanh chóng của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chiến công ấy bắt nguồn từ lý tưởng của Đảng và dân tộc ta được nêu trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945; sau đó được cụ thể hóa trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, được Quốc hội thông qua vào năm 1946. Tiếp nối sự nghiệp giữ nước và dựng nước vẻ vang của các thế hệ ông cha, Hiến pháp năm 1959 khẳng định ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1980, sau 5 năm non sông ta liền một dải, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, thể theo ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân là đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Quốc hội nước ta đã thảo luận và thông qua Hiến pháp 1980. Qua 12 năm, trước đòi hỏi mới của tình hình trong nước và quốc tế, nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đảng ta thông qua năm 1991, Quốc hội nước ta nhất trí ban hành Hiến pháp 1992, thể hiện nguyện vọng của nhân dân ta là đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, tạo bước phát triển mạnh mẽ của nước ta trước những thời cơ, vận hội mới đi liền những khó khăn, thách thức đan xen. Trải qua 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992, trước yêu cầu mới, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã thông qua Cương lĩnh 2011 (bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh năm 1991) khẳng định một lần nữa, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thống nhất quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cao đẹp ấy đã được thể hiện sinh động trong Dự thảo Hiến pháp năm 2013, vừa được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thảo luận cặn kẽ từng điều, từng chương, đi tới sự nhất trí hầu như tuyệt đối: 486/488 đại biểu dự họp đã bấm nút thông qua vào sáng ngày 28-11-2013 vừa qua. Với hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân ta ở trong nước và nước ngoài vào bản Dự thảo, thể hiện sinh động ý thức chính trị, trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào việc xây dựng một đạo luật gốc, vừa mang tính định hướng, vừa mang tính cụ thể trong những vấn đề căn cốt của một văn bản có sức bao quát ý chí, nguyện vọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vừa thể hiện sự tiến bộ, tính thời đại trong quá trình cấu trúc các chương, mục cũng như trình bày sáng rõ những nội dung cần đề cập, được đông đảo dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, đây đó vẫn xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, phủ nhận bản Hiến pháp này; vẫn khư khư bám lấy những luận điểm đi ngược lại lợi ích đất nước và nhân dân ta. Những việc làm thiếu thiện chí đó, tự họ bộc lộ dã tâm xấu xa, bị đông đảo dư luận vạch trần và phê phán.
Với bản Hiến pháp (sửa đổi) cùng một số Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, thêm một lần nữa khẳng định ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân, sự vững vàng của chế độ mới. Niềm tin vào con đường đi lên của đất nước càng được bồi đắp, một khi mỗi đường lối, chủ trương, chính sách được bàn thảo dân chủ, công khai, thấu lý, đạt tình, ý Đảng hợp lòng dân. Đây là cơ sở rất quan trọng để tạo sự đồng thuận xã hội rộng lớn, nguồn gốc tạo ra sức mạnh của toàn dân tộc, nhằm vượt qua những khó khăn trước mắt, tranh thủ tối đa thời cơ, vận hội để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Niềm tin vào con đường đi lên của đất nước càng được bồi đắp, một khi mỗi đường lối, chủ trương, chính sách được bàn thảo dân chủ, công khai, thấu lý, đạt tình, ý Đảng hợp lòng dân. |