Giữa lúc dịch: lo nhưng nên lo thế nào?

|

Nhìn lại từ đầu năm tới giờ, có lẽ chưa khi nào mỗi ngày lại chồng thêm một ít stress như thế này. Cho đến một lúc, lo âu các phía dồn lại, từ nỗi sợ lờ mờ về sức khỏe đến nỗi lo thực tế về doanh thu sụt giảm, khiến lắm người đang không bệnh cũng muốn thành bệnh.

Ngày ngày mở báo, mở mạng ra là tin về virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), về Covid-19. Nước này số ca tăng, nước kia số người chết tăng, còn nước ta dân số trăm triệu, tới lúc viết bài này chưa tới 60 người mắc bệnh và đa số đều biểu hiện nhẹ, nhưng não con người đã được cấu tạo sao đó, cứ không tin vào điều tốt dù thấy tận mắt, chỉ tin vào điều kinh hoàng ở đâu đó mình không kiểm chứng được.

Trong nhà có người già, có trẻ con, việc hằng ngày ăn mứt gừng, uống nước chanh, giữ chân ấm, ăn đủ chất... để phòng bệnh là việc vẫn phải làm. Nhưng bên cạnh đó, lại phải tìm những thông tin tốt lành để cả nhà cùng lên tinh thần. Không cái gì phòng bệnh tốt bằng một tinh thần lành mạnh.

Korin Miller là một cây bút chuyên về sức khỏe. Cô nhận ra, về mặt tâm lý, trận dịch này rất bất thường. Tuy nỗi sợ virus corona mới là có cơ sở: chính Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đã có hơn 170.000 người trên thế giới mắc Covid-19, và các quốc gia đã khuyến cáo công dân mình không nên đi vào vùng có người bệnh, hoặc tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh; nhưng theo Korin, điều khiến virus corona mới gây ra sợ hãi đến thế chính là vì chúng ta không biết nhiều về nó. Giáo sư, bác sĩ Gail Saltz của Trường Y khoa Weill-Cornell đã nói: “Thật không may, Covid-19 đã gây ra một sự sợ hãi không tương thích với mức độ nguy hiểm thật sự của nó. Đó là bởi vì nó mới, lý lịch của nó không có sẵn, khiến nó thành mù mịt hơn, bất định hơn”.

Và bởi vì con virus đó là “mới”, nên tin tức cập nhật về nó càng nóng sốt. Bác sĩ Gail Saltz nhận định: “Đường đi của nó lại như vô hình, khiến người ta sợ hơn so với những thứ rõ ràng. Nếu bạn không biết vì sao mình mắc, cảm giác mất kiểm soát sẽ tăng lên”. Và khi chưa kiểm soát được, con người sẽ bất an, dẫn đến hành xử hoặc quá đà, hoặc bất cập.

Tác giả Korin Miller nhận ra cái đáng sợ của trận dịch này chính là sự lo lắng, bất an trên diện rộng, là thứ còn nguy hiểm hơn độc lực thật sự của virus. Tác hại của sự lo sợ này là rất lớn, đặc biệt ở những người trước đó đã bị stress, bị trầm cảm. Cô khuyên, trong khi không thể kiểm soát được nỗi lo lắng của người khác, bạn vẫn có thể kiểm soát được... bản thân, bằng việc tỉnh táo tìm hiểu các dữ kiện mình có thể kiểm chứng. Giữ cho mình không lo sợ là làm cho hệ miễn dịch được mạnh khỏe - đó là điều cần nhất trong bất kỳ trận dịch nào.

Để bớt lo sợ, có một số điều cụ thể sau mọi người có thể tham khảo:

1. Đánh giá tình hình tại nơi mình sống

Theo bác sĩ tâm lý Alicia Clark, đầu tiên cần xem trong cộng đồng quanh bạn có ai bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa, nếu có thì bạn có tiếp xúc xa gần thế nào với người ấy, và tốc độ lan truyền bệnh trong cộng đồng có nhanh không.

Kế là nhớ xem mình có giao tiếp với ai đang ho, đang sốt... không; bản thân hệ miễn dịch của mình ra sao, trước nay có hay cảm cúm không.

Theo Clark, những bước này không phải để làm bạn lo lắng hơn, mà cho bạn đánh giá sơ bộ hoàn cảnh của mình, độ nhạy của mình trước mầm bệnh. Như vậy, bạn đã chủ động kiểm soát được bước đầu tiên, không còn ở thế bị động để thông tin đáng sợ về độ lây nhiễm hù dọa mình.

2. Hạn chế đọc tin xấu

Cũng theo bác sĩ Clark, trước khi hạn chế thì mọi người phải rất thực tế, hiểu rằng hiện tại dịch Covid-19 là một vấn đề có thực. Tiếp theo, cần nhớ rằng không gì quý bằng tin tức mà cũng khó có gì hại người bằng tin tức; thường xuyên đọc các câu chuyện rùng rợn về nó vừa làm tăng thêm lo lắng, vừa làm đình đốn mọi việc vì sợ hãi.

«Cần giới hạn lại không thâu nạp tin đồn, chỉ đọc nguồn tin nào đáng tin và thậm chí mỗi ngày chỉ đọc tin tức một lần nếu bạn là người yếu bóng vía. Càng phơi mình ra trước chủ đề đáng sợ bạn sẽ càng cảm thấy mất kiểm soát, lo sợ”. (Như ở Việt Nam chẳng hạn, tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 hiện bằng 0, số ca mắc bệnh chưa tới 40 người mà trong đó gần chục người là quốc tịch khác, 16 ca nhiễm virus trước đó tất cả đều được chữa khỏi; nguồn tin đó là tại-nước-mình, điều trị cũng do y, bác sĩ mình, thế nhưng nhiều người lại chỉ quan tâm những cảnh rùng rợn, hoảng loạn ở các đất nước khác mà đua theo).

3. Giữ thái độ đúng

Nếu đã nói virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người qua người, có thể sống ngoài không khí, trên bề mặt đồ dùng một thời gian... thì việc nó chu du khắp thế giới dễ dàng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu đã như thế, làm sao ta có thể quản hết được không khí và các bề mặt đã có ai đi qua, ai chạm vào? Bao vây không khí, cô lập một vật vô hình là điều bất khả thi. Việc cần làm là nên thu về với phòng tuyến hẹp là cơ thể mình, cộng đồng nhỏ quanh mình, giúp nó mạnh lên, an toàn hơn, khi virus đến là gặp phải phòng tuyến mạnh.

Dù rằng cho tới lúc này, tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra không cao, lại thường trên người cao tuổi hoặc/và có bệnh sẵn; người bình thường nếu nhiễm thì triệu chứng nhẹ, đến em bé ba tháng tuổi ở nước ta nhiễm rồi cũng khỏi; nhưng ta cũng không nên quá coi thường, nhung nhăng không đeo khẩu trang khi ở giữa đám đông, rồi coi việc tập tành, bồi bổ để phòng bệnh là chuyện vớ vẩn, giễu cợt những người lo lắng về virus.

Thái độ ấy là ngạo nghễ và... không hợp cảnh. Nhưng ngược lại, quá sợ virus corona thì còn sai hơn. Lắm người sợ quá đến nỗi làm mất cả những quan hệ mình đã mất công nuôi dưỡng bao nhiêu năm. Quan hệ hàng xóm, cộng đồng tan rã trước cả khi virus đến chỉ vì nghi ngờ. Sợ hãi khiến mọi việc đình đốn, kéo theo bao nhiêu hậu quả nay chưa bộc lộ hết. Lắm người lao động đã khó khăn nay do sợ hãi mà bỏ việc, không đi làm, tiền nong càng túng thiếu. Sau một trận dịch, tổng kết lại sẽ thấy virus có lẽ không nguy hiểm bằng chính nỗi hoảng sợ của chúng ta.

4. Cơ thể sẵn sàng cho cuộc chạm trán

Nói cho đúng, trong thời đại của nhân mãn, của hóa chất, công nghệ và khoa học sinh học phát triển này, cơ thể mỗi người như một ngôi làng luôn luôn nghe tin có một loại kẻ thù mới xuất hiện. Dân làng tai vẫn nghe ngóng nhưng tay vẫn làm việc. Luyện binh, rèn đao mà đợi chứ không phải rúm lại với nhau, đến hết sạch thóc mà giặc vẫn lẩn khuất chưa lui.

Nhân đợt dịch này, mỗi người cần từ đây tập lấy một môn thể dục dưỡng sinh đơn giản; chuẩn bị sẵn trong nhà những thức dân gian dễ kiếm, giúp cơ thể mạnh khỏe hơn, như mứt gừng, tỏi ngâm, trà riềng; tủ thuốc luôn sẵn các thuốc thông thường, như hạ sốt, men tiêu hóa, bột oresol... để tự chữa khi mắc các bệnh thông thường, tránh tình trạng hở ra là đi bệnh viện, dễ chuốc vào mình những con vi khuẩn hung dữ khác trong môi trường ấy.

5. Tranh thủ thời khó khăn

Giờ có lẽ là lúc ta nhìn rõ nhất thực trạng tiền tài, quan hệ của bản thân, cũng như năng lực, ý chí, và quan điểm của những người quanh mình. Nói một cách tự an ủi và vớt vát, có lẽ không giá nào mua được cái nhìn thấu suốt ấy.

Virus corona chủng mới nhiều phần rồi sẽ có số phận như các virus khác, bị con người phân lập, theo dõi hành vi, rồi vô hiệu hóa bằng thuốc và thuốc chủng ngừa. Câu chuyện này rồi cũng sẽ phải dịu xuống, mọi sự lại quay trở về với đời sống bình thường, nhưng quan sát cho kỹ những gì đang trải qua hôm nay, giữa cơn sóng gió này, rút kinh nghiệm từ ấy và ghi nhớ những gì trưởng thành qua ấy, để bình tĩnh trước những cơn sóng rồi còn đến về sau.