Những giọt nước mắt huyền thoại

|

Làng banh nỉ thế giới đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau tại Olympic Paris 2024. Trên đất Pháp, những giọt nước mắt đã rơi, vui có, buồn có và đặc biệt, nó đến từ những huyền thoại...

Djokovic khóc trên vinh quang.

Nỗi buồn của Nadal. Ảnh trong bài | REUTERS

Tay vợt giành 24 Grand Slam cuối cùng cũng có được danh hiệu theo đuổi hơn một thập kỷ trong sự nghiệp vĩ đại. Nole đứng trên đỉnh Olympus cùng với Steffi Graf, Andre Agassi, Rafael Nadal và Serena Williams - những người đoạt “Golden Slam” gồm vô địch 4 Grand Slam (Australia mở rộng, Roland Garros, Wimbledon, Mỹ mở rộng) và HCV Olympic. Ngoài ra, sau Andre Agassi, Nole trở thành tay vợt thứ 2 trong lịch sử banh nỉ thế giới thâu tóm toàn bộ những giải thưởng danh giá nhất hoàn thiện được “Career Super Slam” gồm “Golden Slam” và ATP Finals.

Bật khóc sau khi đánh bại Carlos Alcaraz trong trận chung kết nội dung đơn nam môn tennis, ở tuổi 37, có lẽ Novak Djokovic cũng không thể tin rằng ước nguyện đã được hoàn thành. Đây không chỉ là chiếc HCV đầu tiên của Djokovic tại Olympic, mà còn là danh hiệu đầu tiên của anh trong năm. Sau 21 năm cầm vợt chinh chiến, Nole đã hoàn tất bộ sưu tập bằng mảnh ghép cuối cùng mang tên HCV Olympic Paris 2024 trên mặt sân đất nện đầy bụi bặm tại Philippe-Chartrier.

Chiến công của huyền thoại người Serbia càng trở nên đặc biệt hơn nhờ vị thế đối thủ - vị vua quần vợt tương lai. Carlos Alcaraz, tay vợt đang xếp số 1 thế giới đã thua trận chung kết đầu tiên trong năm trước Djokovic đầy bản lĩnh “thép” trong cả hai loạt tie-break, phá vỡ mọi dự đoán để khuất phục Alcaraz. Sau khi chiến thắng đối thủ trẻ hơn mình 16 tuổi trong trận đấu dài 2 giờ 52 phút, Djokovic vốn quen với chiến thắng, đã òa khóc như một đứa trẻ rồi nức nở chia vui cùng người thân. Đó là giọt nước mắt của khổ luyện và khó khăn, của vinh quang và lịch sử. Djokovic đã hoàn thiện sự nghiệp lẫy lừng với bộ sưu tập các danh hiệu lớn nhất, vinh dự nhất của môn quần vợt và xứng đáng là tay vợt nam vĩ đại nhất mọi thời đại.

Djokovic khóc trên vinh quang.

Trong khi đó, Carlos Alcaraz cũng không thể kìm được những giọt lệ vì thất bại đáng tiếc trong lần đầu dự Olympic. Nhưng tay vợt trẻ tài năng người Tây Ban Nha vẫn còn nhiều cơ hội ở tương lai.

Trước đó không lâu anh cũng chính là người chứng kiến giọt nước mắt của một huyền thoại khác. Trận tứ kết nội dung đôi nam tại Olympic 2024, Alcaraz và Rafael Nadal đối đầu với cặp đôi người Mỹ Austin Krajicek và Rajeev Ram. Về danh tiếng, Nadal và Alcaraz vượt trội đối thủ, nhưng hai tay vợt người Mỹ lại ở đẳng cấp khác về chuyên môn đánh đôi khi từng đứng số 1 trên bảng xếp hạng ATP thế giới. Kết quả, bộ đôi người Tây Ban Nha đã thua trận với tỷ số 2-0, Nadal đã ôm Alcaraz và khóc. Cái ôm đó đã khép lại một triều đại, khép lại vũ điệu cuối cùng trên đất Pháp của “ông vua đất nện”.

Cái ôm của Nadal và Alcaraz.

Trước đó, Nadal đã thua Novak Djokovic ở vòng 2 nội dung đơn nam. Trắng tay ở Paris, Nadal bỏ ngỏ khả năng giải nghệ nhưng anh khẳng định: “Đối với tôi, một giai đoạn đã kết thúc”.

Tay vợt 38 tuổi là đại diện cho Tây Ban Nha nhận ngọn đuốc Olympic từ huyền thoại bóng đá Pháp Zinedine Zidane trong ngày khai mạc. Đó dường như cũng là hình ảnh đại diện cho anh ở Thế vận hội năm nay, ngọn lửa cháy lên lần cuối. Olympic Paris là nơi Nadal muốn cống hiến và tri ân cho thể thao Tây Ban Nha, cũng như thêm kỷ niệm với mặt sân Roland Garros vốn đã gắn liền với đế chế lẫy lừng dài hai thập kỷ của anh.

Đó có lẽ là lời chia tay lớn đầu tiên đối với nhà vô địch 22 danh hiệu Grand Slam, người đang phân vân liệu có nên kéo dài sự nghiệp của mình hay không, miễn là sức khỏe cho phép. Kể từ khi trở lại sân đấu hồi đầu năm sau chấn thương nghiêm trọng, cơ thể của anh không còn như xưa.

Nỗi buồn của Nadal.

Dù không được yêu mến nhiều như đàn anh Roger Federer, dù ít hơn Djokovic số danh hiệu Grand Slam, nhưng Nadal lại có sự nghiệp Olympic viên mãn nhất. Nếu Federer chỉ có tấm HCV đánh đôi và Djokovic vừa giành được HCV đơn đầu tiên, thì Nadal có cả HCV đơn nam lẫn đôi nam. Ở Olympic Bắc Kinh 2008, anh giành HCV đơn nam và HCV đôi nam ở Olympic Rio de Janeiro 2016.

Djokovic và Nadal là hai cái tên xuất sắc trong nhóm Big Four lừng danh suốt hai thập kỷ qua. Đến nay, Federer đã giải nghệ, Andy Murray đã qua thời đỉnh cao rất lâu. Chấn thương dai dẳng đang đẩy Nadal đến những ngày tháng cuối cùng của sự nghiệp đỉnh cao. Chỉ còn Djokovic là vẫn tỏ ra bền bỉ, dù cũng chịu ảnh hưởng lớn của bánh xe thời gian.

Những giọt nước mắt của vinh quang và cả nỗi buồn đã xen lẫn tại Paris và chúng chứng tỏ rằng, hoàng hôn của các huyền thoại đang gần kề.