Thơ ông trọng phần cảm xúc của một chiến sĩ cách mạng cả đời cống hiến cho Tổ quốc. Cảm xúc thế nào, ông trải ra trên giấy như thế, không cần phải gồng mình, cũng chẳng phải như người thợ thủ công cố nhào nặn, chọn lựa những ngôn từ để sắp xếp tạo một bài thơ lạ - mà với hồn thi nhân họ Trương ấy - cảm xúc luôn là thứ được đề cao.
Đây là tình yêu với mảnh đất Long An quê hương nhà thơ:
“Quê mình đẹp tựa như tranh
Tân Thạnh, Thạnh Hóa đất lành chim bay
Rừng tràm ngập trảng nước đầy
“Sóc tràm” chạy lụt lên cây nô đùa”
(Láng Sen - Miền thượng)
Trương Hòa Bình trót mang trong mình cái hồn thi sĩ. Cho nên chẳng có gì lạ khi 84 bài thơ của ông trong tập thơ “Tiếng vọng hồn sông núi” như một bản tình ca với quê hương, Tổ quốc với “hai mạch ngầm xuyên suốt là lãng mạn cách mạng và hiện thực cách mạng”.
“Sông Vàm Cỏ ánh trăng ngà
Con đò bến cũ đưa Qua sang bờ
Thương cho con Sáo bơ vơ
Qua sông Sáo đậu thẫn thờ Bậu ơi”
(Vàm Cỏ - Phước Đông - Miền hạ Long An)
Dòng sông ấy, con thuyền ấy, con gió hiền ấy nó đã ngấm vào tâm hồn nhà thơ:
“Trời xanh xanh thẳm khôn cùng
Một lời xa cách vạn trùng vẫn nghe
Ai ơi biển lúa hồn quê
Đất trời trải rộng nhớ về Long An”
(Láng Sen - Miền thượng)
Nhưng đâu chỉ có Long An nơi quê cha đất mẹ mà với nhà thơ ấy - mảnh đất nào trên dải đất thân thương này cũng là máu thịt, là quê hương ông.
Mảnh đất Tây Bắc - nơi hùng vĩ trùng điệp núi non đã hớp hồn ông ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Cho nên gặp cảnh đẹp thi sĩ như trúng tiếng sét ái tình khi gặp một nàng thơ, người đàn ông bị si mê quyến rũ, ông không ngần ngại mà công khai rằng:
“Tôi đến đây và phải lòng Tây Bắc
Đêm rừng khuya ánh lửa bập bùng
Em xiêm áo nhịp cồng chiêng rộn rã
Tiếng khèn Mông ai quấn quýt bên nhau”
(Phải lòng Tây Bắc)
Lòng người thi sĩ ấy lúc nào cũng phơi phới như một chàng trai tuổi hoa niên hăm hở, nhiệt huyết ngao du tới những vùng đất mới làm tâm hồn phải xao xuyến, mộng mị như đôi tình nhân lâu ngày gặp lại:
“Ta lại về Tây Bắc
Say đắm hồn ta tình chứa chan
Dẫu đá tai mèo cắt bàn chân tím tái
Vẫn rộn lên những thổn thức nồng nàn
Em mĩ miều như ruộng bậc thang
Nối gần lại bước đường xa vạn dặm”
(Tây Bắc mùa yêu thương)
Cái cảm xúc trong thơ Trương Hòa Bình không quá táo bạo nhưng lại tinh tế, đôi khi lại chen vào một câu bất ngờ, lạ lẫm thế này:
“Xuân Hương đi hái sen hồ
Nguyễn Du tức cảnh đề thi sinh tình
Tao nhân mặc khách “sương đeo mái”
Câu thơ nghịch ngợm sóc đu cành”
(Hà Tĩnh núi ngàn xanh biếc)
Cảm - xúc - chân - thật chính là nhựa sống trong thơ Trương Hòa Bình. Những câu từ chẳng cần phải vẽ vời rối rắm. Câu chữ cứ nhẹ nhẹ mà đọc lên sao ai oán:
“Ai cảm cô Cầm nay phận bạc
Tiều tụy tàn phai rũ sắc hương
Ngày ấy tiếng đàn nghe réo rắt
“Long thành cầm giả” khúc đau thương”
(Hà Tĩnh núi ngàn xanh biếc)
Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Trương Hòa Bình không chỉ thể hiện bằng những lời thơ lãng mạn trữ tình mà ở đó luôn ngồn ngộn chất hiện thực, những hình ảnh đau thương của quê hương, đất nước những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tái hiện lại.
Này đây mảnh đất Quảng Nam kiên trung mà anh dũng:
“Lửa chiến tranh ngày càng dữ dội
Bom đạn thù cày nát quê hương
Lũ giặc cướp điên cuồng bắn phá
Tan nát xóm làng bờ tre gốc rạ”
(Mẹ Thứ Quảng Nam)
Nhà thơ không thể kìm được cảm xúc của mình khi tới Mỹ Lai, những giọt nước mắt tê tái của ông đã rơi xuống khi tưởng nhớ lại cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968:
“Trời Sơn Tịnh sáng nay tràn ánh nắng
Mây trôi nhanh bàng bạc gió xuân về
Phút lặng đứng trước đài tưởng niệm
Tâm hồn tôi đau nhói tái tê”
(Mỹ Lai khát vọng hòa bình)
Chất hiện thực và lãng mạn trong thơ Trương Hòa Bình còn được thể hiện qua những vần bi tráng với cảm hứng sử thi và trường ca. Sự kết hợp đặc biệt ấy đã làm nên tầm vóc Việt Nam trong thời đại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Thì đây với những huyền thoại sự tích như thác Bản Giốc vừa lãng mạn vừa bi hùng:
“Đôi tình trẻ ôm nhau cùng khóc
Mặc đất trời giông gió ngập trùng
Giọt nước mắt biến thành dòng thác
Chảy sánh đôi quyện chặt khôn cùng
Phong ba chớp giật mưa nguồn”
(Huyền thoại chuyện tình thác Bản Giốc)
Trương Hòa Bình có vốn sống phong phú, am hiểu nhiều tư liệu văn hóa, lịch sử, địa lý và con người từng vùng miền. Tình yêu nước đã làm sống lại một không gian văn hóa sử thi trong thơ của ông với những huyền thoại thác Bản Giốc, Sự tích hồ Ba Bể, câu chuyện về Suối cá thần, Bà Nà Hill, câu chuyện về Nam Kỳ khởi nghĩa, Nguyễn Trung Trực...!
Một huyền sử tình yêu làm nên hồ Ba Bể khiến người đời sau phải thương cảm:
“Một viên tướng triều đình oai dũng
Đến nơi này hội tụ tâm linh
Chém đầu ngựa đất trời tế lễ
Cho hồn oan siêu thoát an bình
Trời đất chứng Rừng Ma thôi khóc
Hồn dân binh bay bổng cao xanh”
(Hồ Ba Bể)
Ông cảm tình với lối viết trường ca, dấu ấn sử thi thời đại với những con người mang tầm vóc lịch sử nên lời thơ những lúc này hào hùng:
“Đầu rơi máu chảy cơn binh lửa
Uất hận trời Nam bao đắng cay
Cứu lấy mẹ già và binh sĩ
Trung Trực trói mình đau đớn thay”
(Nguyễn Trung Trực)
Từng nắm đất, ngọn cỏ của đất nước này đã in máu những người ngã xuống, thơ ông cũng là những lời mang “Tiếng vọng hồn sông núi” nghĩa sĩ:
“Nghe tiếng vọng từ cội nguồn lịch sử
Máu đã thắm bao đời gìn giữ
Hồn nước non cháy ngọn lửa thiêng
Âm dương trời đất nối liền
Địa linh nhân kiệt khắp miền núi sông”
(Linh thiêng Việt Nam)
Mạch dòng lãng mạn cách mạng và hiện thực xuyên suốt trong “Tiếng vọng hồn núi sông” nhưng cũng có những lúc thơ ông lại trầm xuống bởi một nốt Thiền đầy minh triết của ánh sáng nhà Phật:
“Đức Phật vô biên tam thế Phật
Từ bi cứu độ vạn sinh linh
Sắc sắc không không là thế vật
Niết bàn cảnh giới thoát u minh”
(Hội xuân Tam Chúc)
Triết lý Thiền cộng hưởng cùng với chất lãng mạn và hiện thực cách mạng đã giúp cho cảm quan thế sự của nhà thơ luôn mang hơi thở và tinh thần ái quốc. Hồn thiêng Tổ quốc ta bốn ngàn năm anh dũng từ quá khứ, hiện tại và cho tới tương lai rực sáng ấy sẽ vẫn là linh khí trường tồn:
“Linh khí đất trời núi Địa Linh
Hào quang Đức Phật tỏa long lanh
Bông sen rực rỡ hương thơm ngát
Hội tụ hồn thiêng của núi sông
(Tràng An - Hoa Lư)
Cả cuộc đời Trương Hòa Bình đã cống hiến cho non sông, đất nước, chớp mắt đã qua tuổi hoa niên, nay lui về ở ung dung tự tại với thiên nhiên ruộng vườn và bầu bạn thân thiết...
Dù đã là một khách thơ đầu bạc “vô vi thiền định mộng phiêu diêu” nhưng tâm thế ông vẫn sống nhiệt huyết và hăng say - bởi cuộc đời này của ông đã - dành - trọn - cho - Tổ - quốc:
“Ôi đất nước bao dặm dài thiên lý
Rượu hồng đào chưa nhấm đã quê hương”
(Đà Nẵng đêm pháo hoa)