Thỉnh thoảng ty có khách thì tôi luôn được là thành viên phía chủ nhà tiếp đãi. Hôm ấy có ba vị khách là kiến trúc sư từ Trung ương vào giúp cho ty khởi động chương trình xây dựng nhà văn hóa cấp huyện của các tỉnh Tây Nguyên. Ông trưởng ty giới thiệu trước với tôi về thành phần khách gồm, kiến trúc sư Nguyễn Đình Lễ, con trai cả của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Người thứ hai là kiến trúc sư Hoàng Đạo Cung, con trai của cụ Hoàng Đạo Thúy, cũng là một nhân sĩ trí thức lớn. Người thứ ba là nữ kiến trúc sư trẻ, chị Hòa. Đoàn chúng tôi có thêm cô cán bộ phòng văn hóa quần chúng Ngô Thị Hồng Vân xinh đẹp, hát hay, tiếp khách điệu nghệ. Ba vị khách xuống sân bay rất đơn giản, thậm chí có vẻ tuềnh toàng. Người dẫn đầu đoàn là một anh gầy gầy cao cao cười rất tươi tự xưng là Lễ. Rồi anh giới thiệu các thành viên của đoàn rất đơn giản: Đây là anh Cung, đây là cô Hòa, không hề nhắc tới chức danh này nọ.
Xe đón khách hôm ấy ông trưởng ty đã xin thêm một loại đẹp nhất (hình như xe La đa) từ văn phòng tỉnh. Ông trưởng ty giới thiệu tôi là nhà văn và cũng là khách của tỉnh. Ông “đẩy” tôi lên xe, ngồi ghế đầu. Chúng tôi rất nhanh làm quen với nhau vì tôi là bạn khá thân với nhà văn Nguyễn Đình Chính, em trai anh Nguyễn Đình Lễ, và tất nhiên tôi cũng nhiều lần đến chơi nhà Chính vì tôi cùng cơ quan với em rể anh Lễ, nhà văn Đào Thắng. Còn anh Hoàng Đạo Cung thì có đôi lần ngồi bia bọt với tôi và nhà văn Thái Bá Lợi, Trần Vũ Mai ở quán bia hơi nổi tiếng Vân Hồ Ba, nơi mà các “danh thủ” bia hơi Hà Nội quen mặt nhau hằng ngày.
Đến nhà khách, anh Lễ chủ động: - Đỉnh có thể cho mình và Cung đi dạo “năm phút” (lời bài hát: “em gái Pleiku má đỏ môi hồng, đi năm phút lại về chốn cũ”, thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy rất nổi tiếng) được không? Tôi hồ hởi: - Dạ được. Ta tranh thủ xe của tỉnh đi một vòng rồi về quán cà-phê Kim Liên, anh Giáp chủ quán, bạn rất thân của em và đây cũng là quán cà-phê nổi tiếng từ trước 1975 còn lại...
Mãi sau này, khi tôi về làm ở báo Văn nghệ và nhất là về Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi mới gặp lại anh Nguyễn Đình Lễ. Hàn huyên chán rồi, thấy anh có vẻ muốn nói điều gì đó, hình như chuyện kha khá nghiêm trọng. Đã ngoài sáu mươi, nghỉ hưu, thành đạt mỹ mãn nghề kiến trúc sư, anh nổi tiếng, tôi mơ cũng chả được. Một hôm tôi hỏi, bác về nghỉ có làm thêm gì không? Lúc ấy ông anh mới thật sự bộc lộ với tôi, rằng lâu nay anh ngồi nhà viết truyện, chú mày đọc thử hộ anh mấy cái truyện ngắn nhé. Tôi bảo, bác đưa cho Nguyễn Đình Chính xem chưa? Anh nói anh nhờ chú, chú xem thì chú cứ xem, chú là độc giả đầu tiên của anh, hiểu không?...
Anh là một trí thức đàn anh, đôi khi chuyện gẫu những đông tây kim cổ, anh diễn đạt rất giản dị điều phức tạp phải cần có nhiều kiến thức mới chia sẻ đơn giản được. Thí dụ như các thứ triết lý về văn hóa, giáo dục, gắn liền với đời sống, anh nói rất khôi hài với giọng điệu phóng túng bẩm sinh khiến tôi tiếp thu thoải mái. Anh là một ông anh chuẩn mực, lúc nào cũng cười rất tươi, nhưng đôi khi tôi vẫn thoáng nhận ra nét buồn, rất buồn, buồn sâu xa của người từng trải và cả nghĩ. Một người luôn có dằn vặt khôn nguôi về sự đổi thay của đất nước, của xã hội đương đại. Tôi sực nhớ, có lần đọc ở đâu đó bài nói tới cụ Nguyễn Đình Thi, hồi 16 hay 18 tuổi đã diễn thuyết, đăng đàn và viết rất hay về triết học Nietzsche. Có lẽ anh thừa hưởng cái gien thông minh tài trí từ cụ. Đọc truyện ngắn của anh, tôi bắt gặp cách chọn đề tài rất giản đơn mà lại độc đáo. Cũng viết về tập thể đấy, nhưng dưới con mắt thương cảm của một ngòi bút trách nhiệm, anh nhận ra ta đang đi trên con đường không bình thường. Cái đám đông mà người ta gọi là “tập thể” ấy thực chất nó là cái gì? Mới đầu các “khu tập thể” được tôn vinh là mô hình văn hóa mới. Cái con người cá nhân dần dần được lối sống tập thể, lối nghĩ tập trung, khiến không còn tự chủ được mình. “Chợ nói” là một tập truyện ngắn rõ nhất về thủ pháp viết truyện ngắn mới đầu của anh. Rồi đến tập “Người ám quỷ” với đề từ: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá” (trích trong kinh Phật).
Đây cũng là tập truyện đề cập tới các nhóm tập thể của một xã hội hình thức chủ nghĩa. Trùm lên cả hai tập truyện là lối kể chuyện khôi hài chua chát của người trong cuộc. Cũng chỉ là một cuộc tụ tập bia hơi đấy thôi, nhưng phía sau ồn ào cố hữu của “văn hóa bia hơi” rất “đặc trưng ” của Hà Nội thời bao cấp, tác giả không hoàn toàn phê phán, không hoàn toàn sẻ chia, nhưng qua giọng văn ta nhận ra thông điệp chính của anh: cái sự thật đám đông hổ lốn gồm đa số các ngài công chức nghiêm trọng, các nhà trí thức cộng viên chức cho mãi tới thời đổi mới, cái tật nghiêm trọng hóa vấn đề vẫn theo họ đến giai đoạn “văn hóa chứng khoán” làm giàu một cách ma mị chả đâu vào đâu, dở cười dở khóc, đến lúc có đồng tiền trong tay lại la lên: “Ta phải sướng!”. Ô hô! Mỗi con người trong xã hội ta đều rất tốt, rất hay, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi mà sao vẫn có cái gì đấy vô hình khiến họ cứ níu lấy nhau, cùng nhau sống trì trệ, cam phận, kể từ khi còn nghèo kiết xác đến khi làm ăn với anh chứng khoán đổi đời. Họ được bao cấp cả ý nghĩ, cả tư tưởng và hành động, theo một con đường “cứ thế tiến lên”. Cái di sản của “làm chủ tập thể”, nghe rất kêu, rất đúng nhưng câu ngạn ngữ “cha chung không ai khóc” hồi ấy được cho là do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra! Anh viết về cá tính nhân vật, tính cách nhân vật đấy, những nhân vật của anh cuối cùng đều đến cái kết cục không phải theo ý tưởng của tác giả, mà nó vẫn được sự “nhắc nhở” từ đâu đó trong đầu một viên chức viết truyện, khiến ngòi bút tự nó chuyển, chuyển quay trở về cái định hướng đã có sẵn! Nguyễn Đình Lễ không phải người dĩ hòa vi quý. Anh có đôi lúc lúng túng trước hiện trạng xã hội và anh rất thành tâm tự khuyên mình: “Hãy tìm trong những cái vô lý để có cái có lý!”. Đến khi đọc cái mà anh gọi là tiểu thuyết giả tưởng “Chàng ToXu” và nhất là tiểu thuyết “Thời của Đực” tôi nhận ra đây là một bước chuyển quyết liệt cả về tư tưởng lẫn thủ pháp. Cái mạnh nhất trong lối tư duy tiểu thuyết không phải là “vấn đề”, càng không phải đổi mới thi pháp, mà anh một mực đang viết truyện giả tưởng. Mới đầu nghe anh nói thế, tôi đùa giả tưởng hay tưởng giả thì cuối cùng vẫn là hiện thực chứ không phải hiện thật. Ngay từ câu chữ đầu tiên của anh đã bộc lộ chất hóm hỉnh khôi hài mà văn xuôi của ta nhiều năm nay vì quan trọng hóa cái sự “vấn đề” làm mất đi giọng riêng. Nguyễn Đình Lễ viết văn như lời dẫn truyện: “Thằng bé chổng hai mông thâm đen, lấm be bét, cúi đầu sát đất, ngước mắt nhìn qua háng lên bầu trời...”. Và câu cuối của lời dẫn truyện: “... Nó mở mắt thật to nhìn người đàn bà trong mây, hồn vía bay lên mơ tưởng...”. Câu chuyện của Đức tên thật là Đực, được ông từ đền nhặt bên bờ ruộng gói trong cái quần vá chằng vá đụp đem về nuôi trong đói rách lam lũ mà thành ra cậu bé kháu khỉnh, rồi chàng trai vâm váp lớn lên từ xóm Vồ cái làng Chuông vô danh ấy. “Thời của Đực” được bắt đầu từ khi Đức ra khỏi cánh tay xương xẩu của cụ và ông Tượng Đất linh thiêng, thành kẻ “tôi đi bán tôi”. Số phận trôi dạt may mắn được gặp Quắc, một lính đặc công tụ tập đám bạn bè kiếm sống, làm ăn ba chìm bảy nổi chín lênh đênh chốn Hà thành chiêu mộ. Họ gặp Mai Anh, một thiếu phụ vợ Quang, một trọc phú mới phất...
Cuốn tiểu thuyết hơn 400 trang được nhà văn viết nghiêm ngắn, chương hồi bài bản với một bút pháp sinh động gắn liền với nhóm nhân vật của thời kỳ đất nước chuyển đổi cả cơ chế chính sách lẫn cách sống mới, lối ứng xử mới, chạy theo các dự án của thị trường: đất đai, chứng khoán, thông tin..., một số quan chức phất lên vù vù chóng mặt. Nhân cách con người biến dạng... “Thời của Đực” nếu chỉ viết nghiêm ngắn, tuần tự theo một bố cục chặt chẽ cùng lối “văn viên chức” của các nhà văn “hội viên hội nhà văn” thì ắt sẽ nhạt theo cái sự nhạt thường lệ, có chung số phận của đám đông viết theo phong trào. Nguyễn Đình Lễ tự tách mình ra khỏi đám đông phong trào ấy, và đã thành công bằng cách kể chuyện hóm hỉnh pha chất khôi hài dân dã, có thực mà không câu nệ. Có thật mà không né tránh. Ấy là niềm khao khát chuyển tải thông điệp bấy nay của anh và nó đã thành hiện thực, không còn là “giả tưởng” nữa.