NHỮNG KHUÔN HÌNH VĨNH CỬU CỦA KÝ ỨC

|

“Cuốn sách này đưa ta đến với những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Chúng không chỉ là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức và điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai”.

Đó là ấn tượng mạnh mẽ mà KTS Lê Thành Vinh- nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Việt Nam hào hứng chia sẻ, sau khi đọc tới trang cuối “Kiến trúc Hà Nội: Giao thoa văn hóa Việt - Pháp”, tác phẩm đồ sộ ở cả quy mô - kích thước lẫn độ dày - độ nặng vừa trân trọng ra mắt độc giả ngày 6/12/2024 vừa qua.

Tiếp biến văn hóa bản địa, giao thoa tinh hoa thế giới

Dù khởi đầu từ “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa” và kết thúc ở “Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954” như một bộ sử Hà Nội được viết nên bởi những di sản trường tồn qua nhiều dâu bể, cuốn sách dành phần lớn dung lượng tập trung vào “Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc”, với “những công trình hiện hữu như một nền cảnh vững vàng, tự tại và trở thành những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sắc thái riêng biệt của thành phố này”.

Khu phố Pháp ở Hà Nội vẫn được quen gọi là khu phố “cũ”, để phân biệt với khu phố “cổ” dọc ngang chia ô bàn cờ với 36 phố Hàng. Qua các bản đồ và những số liệu quy hoạch còn lưu giữ được, tổng diện tích tồn tại tới ngày nay có quy mô khoảng 800 ha, chủ yếu trên địa bàn hai quận Ba Đình - Hoàn Kiếm và một phần thuộc quận Hai Bà Trưng.

Ban công nhỏ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

“Hình ảnh khu phố cũ Hà Nội vẫn luôn được nhớ tới với mầu vàng đất của những khối tường và mầu xám của hệ mái dốc bằng đá của các công trình kiến trúc uy nghiêm, có tỷ lệ hình khối rõ ràng của ba phần đế – thân – mái”… Như phân tích củaThạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Duy Thanh (Đại học Kiến trúc Hà Nội), ngoài tính nhận diện kể trên, những di sản kiến trúc thời Pháp thuộc còncó tác dụng làm giàu văn hóa tinh thần, khi tạo thành những “bức tranh tĩnh” nhiều thành phần và mầu sắc cùng câu chuyện lịch sử văn hóa hình thành nên chúng như những chứng nhân về quá khứ, giúp chúng ta hiểu về cuộc sống văn hóa và xã hội của những thế hệ đi trước. Khảo sát của ông cũng cho thấy, gần 40% số người được hỏi cho rằng chúng giúp kiến tạo nên hình ảnh một nội đô giàu truyền thống lịch sử.

Lật giở từng trang sách, mỗi công trình hiện lên đầy sống động, từ góc chụp toàn cảnh tới từng điểm nhấn độc đáo, từ những chi tiết trang trí đầy sáng tạo tới những hoa văn, mảng chạm cùng phù điêu đắp nổi trên cầu thang, ban công, đầu cột, hệ mái, cửa sổ... Mỗi công trình đều phô diễn sự giao thoa văn hóa Đông - Tây đậm đặc sắc màu bản địa riêng có. Như nhận định của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn, “do ảnh hưởng đồng hóa, thức tỉnh mạnh mẽ của nền văn hóa Việt, các KTS Pháp và châu Âu đã chú trọng khai thác tính bản địa một cách nghiêm cẩn, hài hòa. Những công trình thuần túy phong cách nghệ thuật tinh hoa, tiên tiến nhất của phương Tây lúc bấy giờ, khi đặt tại Hà Nội đã rời khỏi quan điểm cao ngạo, khai hóa để cải tiến thận trọng trong sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu và văn hóa vùng miền sở tại”.

Chi tiết hoa văn trang trí hình chữ "vạn" của Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Từ sự trân trọng, thấm đẫm văn hóa bản địa, các KTS Pháp đã đạt được thời kỳ đỉnh cao, tạo tính riêng cho kiến trúc thuộc địa khi cho ra đời phong cách Đông Dương độc đáo. Các tác phẩm sáng tác theo phong cách này đã tạo nên cuộc cách mạng tiếp biến truyền thống văn hóa bản địa, giao thoa nhuần nhuyễn với tinh hoa thế giới để đến nay vẫn lung linh trong nền kiến trúc Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng” - ông Sơn chia sẻ.

Mỗi di tích là một lát cắt lịch sử của Hà Nội

Người yêu Hà Nội, mê những di sản kiến trúc thời Pháp thuộc không còn lạ lẫm với 18 “viên ngọc quý giá” tuyệt đẹp mà cuốn sách đã lựa chọn giới thiệu. Nhưng yêu - mê gì thì cũng chỉ có thể chạy xe lướt qua, ngắm nhìn những thiết kế đầy mỹ cảm ấy ẩn hiện thấp thoáng sau những tàng cây xanh mướt. Cơ hội được vào thăm, được trầm trồ với từng nét uốn lượn mềm mại của tay vịn cầu thang, từng mái vòm cao vút, từng họa tiết trang trí đắp nổi nơi đầu cột hay diềm mái là đặc biệt hiếm hoi.

Bởi đa phần đều là trụ sở của một cơ quan trọng yếu nào đó, như Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch) - Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Nhà khách Chính phủ) - Trường Grand Lycée Albert Sarraut (Trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng) hay Tòa án nhân dân Tối cao - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Trụ sở Bộ Ngoại giao… Những cái tên còn lại, tuy đều là những điểm đến du lịch - văn hóa hấp dẫn như Nhà thờ Cửa Bắc - Nhà tù Hỏa Lò - Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Nhà hát Lớn… nhưng không phải cư dân Hà Nội nào cũng may mắn được đặt chân vào.

Khối nhà chính của trụ sở Bộ Ngoại giao.

Vì vậy, phải chờ tới Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 vừa rồi, người dân Thủ đô mới lần đầu có cơ hội thăm thú Nhà khách Chính phủ hay Đại học Quốc gia Hà Nội - 2/7 điểm nhấn nằm trên Trục tinh hoa di sản. Để rồi cùng thán phục nhận ra, mảnh đất rồng bay mà mình gắn bó bấy nay sở hữu những công trình kiến trúc quá ấn tượng!

Nói vậy để thấy, việc được mãn nhãn với những bức ảnh tuyệt đẹp, được thỏa sức tìm hiểu từ phong cách kiến trúc, sơ đồ thiết kế đến tiếp cận những nguồn tư liệu vô giá lần đầu được công bố (ảnh tư liệu, bưu thiếp, bản vẽ phác thảo, thiết kế trang trí…) của mỗi di sản độc đáo kể trên đã mang lại xúc cảm hạnh phúc, tự hào cho độc giả yêu Hà Nội tới mức nào.

Từ nền tảng cội nguồn kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa ở thế kỷ 18 trở về trước, sự chuyển mình hội nhập, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc cho đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa, mỗi cứ liệu lịch sử kiến trúc được các tác giả diễn giải một cách hết sức nhẹ nhàng, dễ hiểu và dễ cảm. Độc giả sẽ thấy trong sự tráng lệ vốn là điển hình cho phong cách Beaux- Arts của Phủ Chủ tịch lại có những họa tiết trang trí đậm chất cổ truyền Việt Nam. Hay những công trình Art Décor điển hình như tòa nhà Ngân hàng Nhà nước cũng được khéo léo thêm nếm nét Việt tinh hoa… Những giao thoa này, dù là chấm phá, cũng đủ cho thấy văn hóa và kiến trúc Việt có giá trị và ảnh hưởng nhất định tới những kiến trúc sư và nền kiến trúc Pháp có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ.

Chi tiết cửa sổ Nhà thờ Cửa Bắc.

Bởi thế, không ngạc nhiên khi người yêu di sản cùng giới KTS đã dành sự đón nhận nồng nhiệt cho tác phẩm này. Với KTS Đoàn Kỳ Thanh, Hà Nội có rất nhiều giá trị đang tiềm ẩn đâu đó nhưng chưa được phát lộ. Không chỉ tôn vinh, giới thiệu những di sản đó đến với đông đảo công chúng, cuốn sách dụng công mang tới những tư liệu lần đầu được công bố, các sơ đồ, các mặt bằng, mặt cắt từ xưa thời Pháp được thu thập tìm kiếm và sưu tập. Ý tưởng làm sách không chỉ xuất phát từ tình yêu với Hà Nội, với kiến trúc Pháp mà còn thể hiện thái độ trách nhiệm với thế hệ mai sau, để giúp họ yêu và hiểu hơn những vốn quý di sản may mắn được gìn giữ, trao truyền.

Dưới góc nhìn của nhà sử học Philippe Le Failler, Trung tâm Viện Viễn đông Bác Cổ tại Hà Nội, “Thủ đô không ngừng thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên nét quen thuộc, do đó đòi hỏi một cách tiếp cận tinh tế để “đọc” kiến trúc đặc biệt này. Nơi đây là sự giao thoa giữa các phong cách và thời kỳ, nơi quá khứ hòa quyện với tham vọng hiện đại hóa. Với sự chú trọng đến từng chi tiết và cách sử dụng phong phú các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, cuốn sách mang đến một câu chuyện sống động và chính xác. Các tài liệu lưu trữ hỗ trợ một diễn ngôn được xây dựng trên một sự đối lập giả định giữa tính liên tục và sự chuyển động.

Mỗi công trình trong cuốn sách không chỉ là một câu chuyện kiến trúc mà còn là một lát cắt lịch sử của Hà Nội.